Nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ: Đau 'vết thương' Gạc Ma, nhớ bài học nỏ thần!

19:00 | 11/03/2016

5,657 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Là một nhà nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề biên giới và Biển Đông nhiều năm qua, TS. Trần Công Trục – nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ đã có những chia sẻ về vị trí, tác động của trận hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988 trong tiến trình lịch sử Việt Nam.

Cần đánh giá đúng về cuộc chiến này

Sự kiện hải chiến Trường Sa ngày 14/3/1988 diễn ra tại đảo Gạc Ma là cuộc chiến đấu ngoan cường giữa hải quân nhân dân Việt Nam trước các thế lực bành trướng Trung Quốc.

Theo chia sẻ của TS. Trần Công Trục, dựa trên các cứ liệu lịch sử, có thể tóm lược trận hải chiến Gạc Ma bắt đầu từ thời điểm đầu tháng 3/1988.

Sau khi đã cưỡng chiếm được một số bãi đá ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc âm mưu muốn thôn tính thêm các đảo Gạc Ma, Len Đao và Cô Lin. Họ đã tập trung một lực lượng tới hàng chục tàu chiến. Trong đó, có từ 9 – 12 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu đổ bộ, 2 tàu pháo, 3 tàu vận tải, đo đạc và tàu kéo.

Trước tình hình đó, ta xác định Gạc Ma giữ vị trí then chốt và chi phối con đường tiếp tế cho các đảo ta đang đóng giữ. Nếu để Trung Quốc chiếm được sẽ rất nguy hiểm. Ta hạ quyết tâm giữ cho bằng được Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.

nguyen truong ban bien gioi chinh phu dau vet thuong gac ma nho bai hoc no than
TS. Trần Công Trục – nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.

Theo đó, từ ngày 12/3/1988, hải quân ta cử tàu vận tải 605 tiến từ đảo Đá Đông về đóng giữ đảo Len Đao. Đến 5h sáng ngày 14/3 đã cắm lá cờ chủ quyền của Việt Nam tại đảo Len  Đao. Cũng trong sáng ngày 14/3, tàu vận tải 604 phối hợp với tàu 505 tiến từ đảo Đá Lớn về Gạc Ma và Cô Lin.

Phối hợp chiến đấu với hai tàu này là hai phân đội công binh gồm 70 người thuộc Trung đoàn 83, bốn tổ chiến đấu của Lữ đoàn 146 và 4 chiến sĩ đo đạc bản đồ của Bộ Tổng tham mưu.

Ngay trong đêm 13/3/1988, trước sức ép của tàu Trung Quốc, Bộ tư lệnh Hải quân đã chỉ thị cho bộ đội ta cơ động thả xuồng máy, xuồng nhôm và chuyển tất cả các vật liệu làm nhà lên đảo Gạc Ma và Cô Lin.

Tàu 604 và lực lượng công binh Trung đoàn 83 chuyển vật liệu lên đảo Gạc Ma. Lữ đoàn 146 tiếp tục bí mật đổ bộ, cắm cờ Tổ quốc và thành lập 4 tổ chiến đấu bảo vệ đảo.

Rạng sáng ngày 14/3/1988, quân Trung Quốc thay nhau cử tàu áp sát, uy hiếp ta ở Gạc Ma cùng với 2 tàu hộ vệ có trang bị pháo 100 ly rồi tràn lên đảo giật cờ của ta. Bị quân ta chống trả quyết liệt, lính Trung Quốc đã nã súng bắn vào bộ đội ta. Bị tấn công trước, bộ đội trên tàu 604 đã đáp trả lại chỉ bằng các vũ khí như B40, AK, RPD, B41.

Trận đánh ác liệt đã diễn ra nhưng Trung Quốc cậy có pháo 100 ly cùng lực lượng hùng hậu nên đã nã liên tiếp vào tàu ta, khiến con tàu 604 bị thủng nhiều lỗ rồi dần chìm xuống biển. Đảo Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng từ đó cho đến nay.

TS. Trần Công Trục chia sẻ: “Đây là một cuộc chiến đấu không cân sức khi chênh lệch lực lượng là quá lớn. Nhưng hải quân Việt Nam vẫn chiến đấu đầy quả cảm, ngoan cường tới giọt máu cuối cùng, quyết tử để bảo vệ biển đảo quê hương. Ta đã xuất sắc giữ được Len Đao và Cô Lin.

Chiến công này là một sự nối tiếp cho tinh thần yêu nước của con người Việt Nam ta từ hàng ngàn năm nay. Cần phải nhắc tới sự kiện Gạc Ma như một sự tri ân đối với anh linh của 64 anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc trong trận chiến đấu ác liệt đó”.

nguyen truong ban bien gioi chinh phu dau vet thuong gac ma nho bai hoc no than

Trận hải chiến Gạc Ma 14/3/1988 sẽ còn ghi nhớ mãi sự hy sinh anh dũng của 64 người con đất Việt ưu tú vẫn còn nằm giữa lòng biển khơi.

Bài học từ Gạc Ma

Sau sự kiện Gạc Ma năm 1988, cứ mỗi dịp 14/3 trong thâm tâm mỗi con người Việt Nam yêu nước đều chất chứa nỗi niềm xúc động, tri ân tới 64 cán bộ chiến sĩ trên hai con tàu vận tải 604 và 605 đã anh dũng hy sinh trước họng súng của quân xâm lược Trung Quốc.

Cho đến nay, thân xác các anh vẫn còn nằm lại giữa muôn trùng sóng dữ nơi hải đảo mà chưa được về với đất mẹ quê hương khiến ai trong chúng ta cũng đều đau xót.

“Đau xót hơn là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc hiện vẫn bị ngoại bang chiếm giữ trái phép mà chưa trở về với đất mẹ. Sự kiện này đã gây nên một sự phẫn uất trong nhân dân Việt Nam thời kỳ đó, phủ bóng đen lên mối quan hệ giữa hai nước Việt – Trung.

Một nước từng được coi là anh em đồng chí khăng khít nhưng lại cất quân đi đánh chiếm biển đảo của Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế. Đe dọa nghiêm trọng đến tình hình an ninh khu vực và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông”, Nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ nói.

Cũng theo TS. Trần Công Trục, chúng ta cần nhìn nhận và đánh giá đúng vị trí và tính chất của cuộc chiến này trong tiến trình lịch sử của dân tộc, chứ không phải là kích động thù hằn. Một dân tộc luôn yêu chuộng hòa bình thì không có cớ gì lại muốn kích động thù hằn dân tộc với nước khác được. Tuy nhiên, sự thật lịch sử thì cần phải được tôn trọng và gọi đúng nghĩa của nó. Sự hy sinh máu xương của 64 cán bộ chiến sỹ ta thì cần phải được ghi nhận và tôn vinh.

Qua sự kiện này cũng như tình hình hiện tại ở khu vực, chúng ta cũng nên rút ra cho mình những bài học vô cùng cần thiết:

“Thứ nhất, phải thật sự tỉnh táo và cảnh giác hơn nữa trước Trung Quốc. Dù như thế nào thì cũng không được quên bản chất của vấn đề, âm mưu bành trướng của họ ở Biển Đông. Bài học về ‘chiếc nỏ thần’ cũng là một minh chứng từ ngàn đời nay. Đồng thời cũng để tránh Trung Quốc tạo ra “sự đã rồi”.

Thứ hai, nâng cao sức mạnh nội tại của dân tộc. Phải đoàn kết thống nhất cả về tư tưởng và hành động của cả hệ thống chính trị. Phát huy sức mạnh toàn Đảng, toàn dân vì mục tiêu giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nếu không sẽ dẫn tới nguy cơ mất chủ quyền trên biển.

Thứ ba, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Tạo thành một khối đoàn kết trong khu vực ASEAN cũng như quan hệ đối ngoại với các nước nhằm thu hút sự quan tâm, chia sẻ của quốc tế đối với vấn đề Biển Đông. Giải quyết tranh chấp thông qua các cơ chế đa phương trên cơ sở của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.

Thứ nữa, đó là nâng cao trình độ hiểu biết và nhận thức cho ngư dân yên tâm bám biển. Về phương tiện kỹ thuật ta cần chú trọng đầu tư bài bản và thông thoáng hơn tạo điều kiện để bà con ngư dân vững chắc tay lái nơi đầu sóng ngọn gió của biển đảo Tổ quốc”, TS. Trần Công Trục chỉ rõ.

nguyen truong ban bien gioi chinh phu dau vet thuong gac ma nho bai hoc no than

Cựu chiến binh Gạc Ma: 'Chúng tôi không phải bia đỡ đạn!'

Cựu chiến binh Lê Hữu Thảo khẳng định với phóng viên Báo điện tử PetroTimes: "Sự thật là sự thật. Chúng tôi không đi làm bia đỡ đạn. Chúng tôi đi theo tiếng gọi bảo vệ biển đảo Tổ quốc."  

Nhật Minh – Thảo Phượng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc