Nguy cơ lao động Việt mất việc làm

07:00 | 08/12/2018

191 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trước xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), nhiều nhân lực trong các ngành nghề, thậm chí cả những nghề có tư duy sâu và chuyên môn cao như bác sĩ, nhà báo, nhà phân tích tài chính… đều có thể được thay thế bằng robot, trí tuệ nhân tạo…   

Tuổi cao, tay nghề thấp

Tại hai cuộc hội thảo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức gần đây nhất là “Hội nhập quốc tế và nguồn nhân lực trong tương lai” (3/12/2018) và “Cung cấp thông tin dự báo thị trường lao động” (27/11/2018), chất lượng lao động Việt Nam đều được đặt ra như một vấn đề cấp bách trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0.

nguy co lao dong viet mat viec lam
Công nhân lắp ráp, gia công rất dễ bị robot thay thế trong cuộc cách mạng 4.0

Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào tới 56 triệu người, nhưng chỉ có 11% trong số đó được đánh giá có kỹ năng, tay nghề cao. Đây thực sự trở thành vấn đề đáng quan ngại. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cũng phải thừa nhận: “Chất lượng lao động Việt Nam có những vấn đề quan ngại như chất lượng lao động còn thấp, tỷ lệ sinh viên thất nghiệp cao, nhiều sinh viên phải làm trái ngành nghề đào tạo, gây lãng phí trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực”.

Ông Nguyễn Thế Hà, Phó giám đốc Trung tâm Quốc gia dịch vụ việc làm, Bộ LĐ-TB&XH, phân tích thực trạng của lao động Việt Nam khi công khai một con số khảo sát mà Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thực hiện về chất lượng lao động Việt Nam: “Cuộc CMCN 4.0 được coi là điểm nhấn của kỷ nguyên số, có tác động mạnh mẽ đến các ngành, nghề trong nền kinh tế của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thế nhưng, Việt Nam có đến 86% lao động trong các ngành dệt may, giày dép có nguy cơ cao mất việc do sự đột phá về công nghệ. Họ sẽ không thể đáp ứng yêu cầu về kỹ năng, tay nghề, nhất là kiến thức công nghệ, vì phần lớn đều có tuổi từ 36 trở lên, nghĩa là không còn đủ nhạy cảm, năng lực của tuổi trẻ để bắt nhịp với công nghệ mới. Tìm việc làm thay thế đối với họ cũng khó vì nhiều người ít kỹ năng, trình độ học vấn chỉ là tiểu học”.

Chính vì nguyên nhân đó mà Bộ LĐ-TB&XH nhận thức rõ: Nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng và có chiến lược đúng đắn khi cuộc CMCN 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, thì trong trung hạn, nhiều công nhân lao động, nhất là những người chỉ hành nghề lắp ráp, gia công… sẽ chịu tác động mạnh, nặng nhất là không còn chỗ trong thị trường lao động.

Ông Nguyễn Thế Hà nói: “Nếu chúng ta không có sự chuẩn bị tốt thì CMCN 4.0 có thể sẽ làm biến mất nhiều ngành, nghề thâm dụng lao động như dệt may, da giày, lắp ráp điện tử…”.

Chỉ vì thiếu tiếng Anh

Phân tích nguyên nhân dẫn đến chất lượng lao động thấp, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, chính hệ thống giáo dục với nhiều bất cập đã dẫn đến năng lực, trình độ của người lao động không thể bắt kịp sự phát triển của kỷ nguyên số.

Đơn cử, một kỹ năng cơ bản nhất và là công cụ không thể quan trọng hơn để có thể tiếp cận được với các phương pháp, tư liệu, thông tin về CMCN 4.0 hiện nay là tiếng Anh. Thế nhưng, tiếng Anh của các sinh viên trong nước nhìn chung rất hạn chế, khó có thể tiếp cận hiệu quả các nguồn tư liệu mở và các khóa học trực tuyến từ các nước trên thế giới. Ông Nguyễn Thế Hà nhận xét: “Điều này cho thấy sự thiếu sẵn sàng của hệ thống giáo dục Việt Nam trước cuộc CMCN 4.0”.

Một nguyên nhân nữa không thể không kể đến là sự kết nối giữa các trường đại học và các doanh nghiệp rất yếu, trong khi hiệu quả thực tế mang lại có thể là những thực hành thiết thực, quyết định không chỉ năng lực, chỗ làm mà cả sự sáng tạo sau này của sinh viên.

“Hiện nay, nhiều nước phát triển trên thế giới đã nhận thức được tầm quan trọng của các chương trình thực tập và hợp tác với các công ty nên hệ thống giáo dục đào tạo của họ đã lập ra những bộ phận hỗ trợ sinh viên các kỹ năng liên quan đến phỏng vấn, làm việc với nhà tuyển dụng… Vì họ hiểu rằng, đây là việc làm hết sức quan trọng giúp sinh viên vừa có kỹ năng làm việc vừa dễ kiếm việc làm, đồng thời tạo được sức hút của các trường đại học đối với sinh viên”, ông Nguyễn Thế Hà khẳng định.

Để giải quyết các vấn đề trên, nhằm hạn chế thách thức và tận dụng tốt các cơ hội khi hòa theo guồng quay của CMCN 4.0, theo các chuyên gia kinh tế - lao động, trước hết hệ thống giáo dục Việt Nam phải mở rộng chương trình đào tạo, đưa vào một loạt các kỹ năng rất cơ bản, mang tính nền tảng và phù hợp với xu hướng hiện nay, đó là kỹ năng nhận thức bậc cao, kỹ năng quản lý, tin học, kỹ năng xã hội…

Ngoài ra, cần phải hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động và nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động, đặc biệt là dự báo nhu cầu lao động của các ngành nghề phổ biến trong bối cảnh CMCN 4.0 để định hình chính xác nhu cầu của thị trường, đổi mới giáo dục và đào tạo, trong đó có giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và giúp người lao động chọn được nghề để học, chọn được việc để làm, có được việc làm phù hợp với những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động.

Ông Simon Matthews, Tổng giám đốc ManpowerGroup Việt Nam: Doanh nghiệp, Chính phủ và nhà trường cần phối hợp tốt để chuẩn bị cho thế hệ trẻ thích nghi với việc làm tương lai trong bối cảnh mức độ số hóa và tốc độ tăng trưởng nhanh hơn bao giờ hết.

Tú Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc