Người Việt đổ tiền ra nước ngoài chữa bệnh (Bài 1)

07:00 | 10/04/2015

766 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo thống kê của ngành y tế, mỗi năm có khoảng 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh với chi phí 2 tỉ đôla. Đây là con số không hề nhỏ và coi như đó là khoản tiền “thất thoát” khỏi ngành. Tuy nhiên, điều đáng nói hơn cả là dường như nền y học nước nhà không giành được niềm tin của người bệnh nên mới khiến họ ra nước ngoài chữa bệnh như vậy, ngay cả khi chi phí ăn ở, điều trị ở đó rất đắt. Vậy nguyên nhân vì sao?

Năng lượng Mới số 411

Bài 1: “Sống chết” cũng phải ra nước ngoài

Đã từng điều trị trong nước, thế nhưng không ít bệnh nhân vẫn chọn con đường ra nước ngoài chữa bệnh, thậm chí trong tình cảnh kinh tế không mấy dư dả.

Nhà văn Ngô Thảo cách đây 5 năm đã từng sang Singapore chữa bệnh, do khi đó, sau khi bị đau lưng, bụng, ông đã đi khám ở Bệnh viện Hữu nghị và được kết luận là viêm hành tá tràng.

Chưa nói đến kết luận này đúng hay sai nhưng khi ấy, cảm nhận rõ về thái độ của các nhân viên y tế ở đây mà cho đến bây giờ khi kể lại ông vẫn bức xúc: “Họ “lãnh cảm” lắm, không nhiệt tình với bệnh nhân cả về thái độ lẫn điều trị. Có khi họ còn quát nạt bệnh nhân như mắng con, trong khi bệnh nhân điều trị ở bệnh viện này hầu hết là người có tuổi, thậm chí chức sắc. Cho nên vì lý do đó mà các con tôi bảo, phải sang Singapore kiểm tra, điều trị thôi”.

Bệnh nhân điều trị ung thư tại Bệnh viện K

Và chuyến đi sang Singapore điều trị đối với ông là một chuyến đi không bao giờ quên bởi những ấn tượng quá tốt đối với một bệnh viện công ở đây. Ông bảo, nếu ở Việt Nam, mỗi lần đi điều trị giống như “đi đày” thì ở Singapore, đúng là “thiên đường” của bệnh nhân, được tôn trọng, chăm sóc, điều trị tận tình, lại được ở trong môi trường sạch sẽ, thoáng mát...

Mỗi ngày, cứ cách nhau khoảng 10-15 phút là có một nhóm khoảng 3 người đến đo huyết áp, nghe tim, mạch… Sau khi khám như vậy họ ghi lại chi tiết như nhật ký bệnh án để cả bệnh nhân lẫn bác sĩ theo dõi, từ đó thấy rõ tiến trình của bệnh. Mỗi lần đau đớn hay bất thường trong người cũng vậy, chỉ cầm bấm chuông, nhân viên y tế lập tức có mặt mà không bắt bệnh nhân chờ đợi giây phút nào. Họ ân cần chăm sóc, trao đổi với bệnh nhân đúng như khẩu hiệu “lương y như từ mẫu” mặc dù không thấy một khẩu hiệu nào tương tự giăng mắc ở bệnh viện để nhắc nhở nhân viên về điều này.

Đã vậy, chất lượng điều trị thì theo nhà văn Ngô Thảo, nếu ở Bệnh viện Hữu nghị kết luận ông bị viêm hành tá tràng thì bệnh viện ở Singapore chẩn đoán ông bị ung thư ruột. Người ta còn cắt cả đoạn ruột chứa nhân của tế bào ung thư ấy và cho ông xem hình ảnh sau khi đã phẫu thuật.

Tuy nhiên, nhà văn Ngô Thảo kể, phải hai tuần sau khi phẫu thuật cắt ruột, bác sĩ mới thông báo chính thức cho ông là ông bị ung thư. Bởi trước đó, muốn tinh thần của ông thật thoải mái, đặc biệt là sau khi phẫu thuật để bảo đảm sức khỏe nên bệnh viện đã không thông báo.

Sau khi cắt ruột xong, thấy sức ông đã có thể đủ để chịu một đợt hóa chất nên các bác sĩ ở bệnh viện nơi nhà văn Ngô Thảo điều trị đã chỉ định hóa trị cho ông 6 lần, mỗi lần cách nhau 21 ngày. Tất nhiên với chất lượng điều trị, chăm sóc bệnh nhân ấy, nhà văn Ngô Thảo phải thanh toán một khoản tiền không hề nhỏ, nếu so với chi phí điều trị ở trong nước, nhất là như ở nơi ông có bảo hiểm thì còn cao hơn gấp nhiều lần. Bởi ngay như một khâu nhỏ trong quá trình điều trị là đo huyết áp cũng phải thanh toán đến 2 đôla Singapore (tương đương khoảng 30 nghìn đồng).

Đến nay đã 5 năm trôi qua, sức khỏe của nhà văn Ngô Thảo vẫn ổn định và điều quan trọng là 5 năm qua, các bác sĩ nơi ông điều trị vẫn liên lạc thường xuyên để hỏi thăm sức khỏe và bệnh tình của ông. Cho nên nhà văn Ngô Thảo đã khẳng định: “Dù ở trong nước, nếu chi phí điều trị có nhiều như vậy thì chắc chắn, tôi cũng không thể nào được điều trị và chăm sóc tận tình như ở Singapore”.

Như nhà văn Ngô Thảo, một nam bệnh nhân khác cũng đã chọn cho mình một bệnh viện ở Hàn Quốc là nơi điều trị bệnh ung thư máu cho mình. Mặc dù trước đó anh đã điều trị tại Viện Huyết học. Tuy nhiên, khi điều trị tại đây, được “thụ hưởng” từ chất lượng đến thái độ điều trị nên vợ của bệnh nhân này đã quyết định đưa chồng sang Hàn Quốc chữa trị. Chị cho rằng, bệnh viện đã không tạo được niềm tin cho vợ chồng chị trong việc gửi gắm tính mạng và sức khỏe vì dường như họ không tận tình, tận tâm với bệnh nhân, rõ nhất là qua cách giải thích, phân tích về phương thức điều trị. Họ trả lời cứ như cho qua chuyện. Và vợ chồng chị đã quyết định khăn gói lên đường sang bệnh viện của một trường đại học ở thành phố Incheon để điều trị, mặc dù lúc đó số tiền mà vợ chồng chị có không nhiều, phải vay mượn thêm bạn bè để chi trả viện phí.

Bệnh nhân này chia sẻ: “Sức khỏe là yếu tố hàng đầu nên dù tình hình tài chính không dư rả, vợ chồng tôi vẫn quyết định ra nước ngoài điều trị trong khả năng có thể để mong sức khỏe tốt. Sức khỏe tốt sẽ mang lại nhiều thứ khác. Tất nhiên không phủ nhận trong đó một phần cần có sự may mắn”.

Khi điều trị tại bệnh viện của trường đại học tại thành phố Incheon, vợ của bệnh nhân nói trên, người đã trực tiếp liên hệ với bác sĩ và chăm sóc bệnh nhân trong những ngày điều trị đã cho hay chị thấy hoàn toàn bất ngờ với cách cư xử của bác sĩ với bệnh nhân: Rất tôn trọng và tận tình, chăm sóc thậm chí hơn cả ruột thịt. Mọi thay đổi, dù nhỏ nhất trong sinh hoạt hay trong điều trị, họ đều hỏi ý kiến hoặc tư vấn cho bệnh nhân một cách kỹ càng.

Để đỡ vất vả và giảm chi phí cho vợ chồng chị, họ còn khuyên chị không cần ở lại viện, sẽ có người chăm sóc chồng chị một cách chu đáo. Và quả thực những ngày chữa trị cho chồng ở bệnh viện Hàn Quốc, vợ chồng chị không có cảm giác đang đi chữa trọng bệnh mà như đi… ăn dưỡng. Mặc dù quá trình điều trị này, chồng chị còn phải trải qua phẫu thuật ghép tủy.

Chị tâm sự qua những lần như vậy, chị cảm nhận rõ quan điểm điều trị của họ đặt mục tiêu nhân văn và tính mạng của bệnh nhân lên tối cao.

Tính ra đến nay, chồng chị đã về nước được gần 2 năm kể từ ngày điều trị ở bệnh viện nói trên. Thế nhưng trong thời gian ấy, điều khiến chị cảm động nhất và bất ngờ nhất là dù bất kể có thông tin hay nghiên cứu gì liên quan đến bệnh tình của chồng chị, các bác sĩ ở đó đều thông báo cho chồng chị biết. Thậm chí, nhân chuyến sang công tác tại Việt Nam họ còn đến tận nhà thăm hỏi chồng chị.

Chị chia sẻ: “Tôi không hề hối hận về quyết định đã đưa chồng sang Hàn Quốc chữa bệnh, ngay cả khi tốn rất nhiều tiền. Nhưng số tiền đó, nếu tính ra cũng chẳng hơn so với chi phí chữa trị trong nước là bao. Tất nhiên là kể cả tiền phải chi trả theo quy định và tiền chi phí ngoài quy định đó”.

Một bệnh nhân ung thư vú giai đoạn cuối, cũng đã điều trị rất tốt tại Bệnh viện K và chỉ coi việc sang Singapore điều trị là “liệu pháp tinh thần”.

Thế nhưng khi sang Bệnh viện Ung thư Quốc gia Singapore, bà không khỏi bị “ngợp” bởi những gì bệnh nhân được hưởng ở đây từ cách đối nhân xử thế đến cách điều trị, thuốc thang… Thậm chí họ còn khiêm tốn đến cảm động: “Bệnh viện của chúng tôi có thể một số kỹ thuật trị bệnh chưa thực hiện được như Việt Nam, nhưng với những gì đang có, chúng tôi sẽ làm hết sức mình giúp bà trị bệnh”.

Hay như thái độ của y, bác sĩ, bà bảo: “Trên cả tuyệt vời! Làm cho đau đớn của thể xác cũng vơi đi như giảm được gánh nặng, thấy lạc quan, tin tưởng hơn trong điều trị bệnh”. Bây giờ, các bác sĩ ở Bệnh viện Ung thư Quốc gia Singapore vẫn liên lạc với gia đình bà để thăm hỏi sức khỏe, tư vấn những loại thuốc cũng như phương thức điều trị mới để bà tham khảo.

(Xem tiếp kỳ sau)

Tú Anh