Người thầy thuốc Anh hùng

14:00 | 28/02/2012

1,147 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hơn 40 năm cống hiến cho nghiệp chữa bệnh cứu người và 34 năm làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ, Thái Nguyên), y sĩ, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Đặng Đăng Lý không thể nhớ nổi mình đã cứu bao nhiêu người, đánh đuổi bao nhiêu "con ma rừng" nơi núi rừng Việt Bắc để dân bản thoát khỏi những căn bệnh hiểm nghèo.

"Thần y” bản làng

Sau nhiều lần hẹn trước, chúng tôi tìm đến gặp y sĩ Đặng Đăng Lý – người mà bà con dân bản nơi đây gọi là “thần y” của bản làng đã cứu sống hàng trăm người. Tưởng gặp được ngay vị y sĩ nhưng bà Bàn Thị Triệu (vợ ông Lý) bảo: “Ông nhà tôi đi khám bệnh cho dân từ sáng sớm rồi, hôm qua có người từ xóm Đèo Bụt cách nhà gần 10km đường núi gọi điện sang nhờ đi tiêm hộ cho cháu bé. Chắc đầu giờ chiều mới về. Các chú phải chịu khó đợi thôi”.

Hướng ánh mắt theo bà, trước cửa nhà hàng chục người đang ngồi chờ để được ông khám, chữa bệnh và phát thuốc. Trong lúc đợi ông Lý, chúng tôi trò chuyện với bà Triệu Thị Vinh, người huyện Định Hóa sang bốc thuốc, chữa bệnh dạ dày. Bà Vinh bảo: “Người nhà tôi được ông Lý chữa trị nhiều lần rồi, ông ấy khám, chữa bệnh tận tâm lắm. Nhờ thuốc của ông mà bệnh tình người nhà tôi hết hẳn”.

Ông Đặng Đăng Lý đang khám bệnh cho trẻ em trong vùng

Ngồi đợi một lúc thì may mắn ông Lý về, chưa kịp nghỉ ngơi, ông lại tất bật khám bệnh cho dân. Và cứ thế ông miệt mài khám bệnh, bốc thuốc cho người bệnh đến khi trời nhá nhem tối, lúc này tôi mới có dịp để được trò chuyện với ông.

Sinh ra và lớn lên tại thôn Cao Phong, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) trong một gia đình nghèo. Từ nhỏ đã từng chứng kiến nhiều người dân trong làng thường xuyên mắc các loại bệnh như sốt xuất huyết, sởi, tiêu chảy, thủy đậu… Mỗi khi phát bệnh bà con lại tìm đến thầy cúng để tìm cách diệt trừ "con ma rừng” vì theo họ nó chính là tác nhân gây bệnh. Có người bệnh muốn đi khám nhưng bệnh xá cách cả mấy chục cây số, “nước xa không cứu được lửa gần” và họ cũng đành mặc cho số phận. Nhìn những người hàng xóm ốm yếu rồi mất mà không có cách nào chữa trị. Hơn nữa chứng kiến cảnh bà con dân làng khi có người ốm là mổ trâu, bò, lợn, gà nhờ thầy cúng đến cúng bái rất tốn kém. Ông muốn mình phải làm làm một việc gì đó cứu giúp bà con dân bản.

“Năm 1966, trong một trận dịch, cả tôi và mẹ, phải nhờ hàng xóm dùng cáng khênh đến bệnh viện cách nhà gần 30km đường rừng. Đến bệnh viện, được các y, bác sĩ chữa trị, hai mẹ con tôi đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Sau lần thoát chết ấy, tôi quyết tâm theo học lớp đào tạo y tá thôn bản để cứu giúp dân làng”, ông Lý tâm sự.

Đến năm 1971, ông được cử đi học lớp trung cấp tại Trường trung cấp Y tế Bắc Thái, học xong nhiều nơi đã mời ông ở lại công tác nhưng ông cương quyết về quê và được giao trọng trách làm trạm trưởng, kiêm nhân viên, kiêm tuyên truyền viên ở Trạm Y tế xã Hợp Tiến.

Ông Lý tâm sự: “Nói là là trạm trưởng cho oai chứ lúc đó cơ sở vật chất đã có gì đâu. Bệnh nhân đầu tiên đến khám tôi phải đi mượn giường cũ của dân bản về làm giường bệnh. Đầu tiên tôi mượn nhà ông Triệu Đức Thuận ở xóm Mỏ Sắt, Trại Cau làm nơi để khám bệnh cho bà con dân bản. Khi chiến tranh, bom đạn ác liệt nên đành phải di dời lên nhà dân tại xóm Bãi Bông. Được một thời gian tôi vận đồng bà con đóng góp tre, nứa để dựng trạm”.

Dụng cụ khám chữa bệnh hồi đó rất thô sơ, nếu muốn lấy thuốc phải xuống thành phố cách mấy chục cây số. Ngoài công việc trực ở trạm, khi nghe tin có người ốm ở đâu ông lại xách túi thuốc lọ mọ xuống tận nơi để vận động bà con không nên chữa trị bằng cách mổ trâu, bò để cúng mà đưa bệnh nhân đến trạm y tế để chữa trị. “Khi nhiều người thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhờ được khám chữa kịp thời tại trạm xá, dần dần người dân cũng nhận ra bệnh tật không phải do “con ma rừng” và mỗi khi ốm đau bà con lại tìm đến tôi. Thấy bà con đã thay đổi được cách nghĩ tôi mừng lắm”, ông Lý cười hiền từ.

Tận tâm

Hơn 30 năm cống hiến trong ngành Y, bước chân ông đã in dấu khắp các nẻo đường xứ núi này. Ở đâu có người bệnh là ông lội suối, băng rừng hàng chục cây số đến tận nơi chữa trị cho dân làng.

Ông vẫn nhớ như in trường hợp chị Bàn Thị Hoa ở xóm Đèo Bụt sinh con tại nhà, nhau thai không ra, mấy ngày sau mới đến gọi ông. Nhận thấy sự nguy hiểm cho người mẹ, giữa đêm khuya trời mưa tầm tã, con đường nhão nhoét bùn đất nhưng ông Lý vẫn vượt hơn 7km núi rừng để đến cứu chữa, cuối cùng hai mẹ con qua được cơn nguy kịch.

Rất nhiều bằng khen, giấy khen cao quý do Nhà nước trao tặng

Bên cạnh việc giúp bà con đánh đuổi “con ma rừng” ông Lý còn tích cực tuyên truyền tới bà con cách ăn uống hợp vệ sinh, phòng tránh các bệnh truyền nhiễm và giúp bà con hiểu rõ lợi ích của việc xây dựng công trình phụ hợp vệ sinh.

Đến thời kỳ đổi mới, trạm y tế xã mới cử được mấy người trong bản đi học để có trình độ về phục vụ người dân, lúc này công việc của ông Lý mới được chia sẻ.

Tiếng lành đồn xa, y sĩ Đặng Đăng Lý đã được người dân trong và ngoài tỉnh biết đến tìm về để được ông khám chữa bệnh. Sau mỗi tuần làm việc mệt mỏi ông lại vượt hơn 20 cây số đường rừng đi mua thuốc để duy trì đủ thuốc cấp phát cho người bệnh.

Với những cống hiến không biết mệt mỏi suốt mấy chục năm qua, năm 2000 ông Đặng Đăng Lý đã xứng đáng được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”.

Đến tháng 6/2009, ông về hưu. Những tưởng ông sẽ được nghỉ ngơi nhưng từ ngày ông về, mỗi ngày có trên dưới trăm người đến nhà ông để được khám bệnh. Bệnh nhân tìm đến khám chủ yếu là bong gân chân, tay chệch khớp, dị ứng hoặc nặng hơn là gãy chân, sỏi thận, lao phổi… bằng phương pháp Đông Tây y kết hợp. Chính vì thế gia đình ông từ lâu đã là địa chỉ tin cây của những người bệnh.

Người bệnh tìm đến nhà ông khám đa số là người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng lên viện điều trị. Thương cảm ông dành hơn nửa số lương ít ỏi của mình để mua thuốc cứu giúp bà con.

Trước khi chia tay, ông Lý dẫn chúng tôi đi thăm trại lợn của gia đình, ông Lý cười hiền bảo: “Đã hơn 2 năm nay, nhờ đàn lợn, gà này mà tủ thuốc nhà tôi mới duy trì được để cung cấp thuốc phục vụ điều trị bệnh cho bà con đấy”.

Nguyễn Ngọc