Lãn Ông - Phố thuốc trăm năm trên đất Hà Thành

14:22 | 27/02/2024

535 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trải qua thăng trầm trăm năm lịch sử, cho đến nay có lẽ phố Lãn Ông là phố cổ duy nhất trong 36 phố phường Hà Nội gìn giữ nghề truyền thống theo đúng tên gọi. Với những đặc trưng riêng có, mùi thuốc thơm thân quen với mỗi ai từng đặt chân qua đây phố Lãn Ông đã ghi dấu ấn trong lòng người dân Thủ đô, trở thành điểm đến thú vị của nhiều du khách.

Trăm năm phố thuốc

Phố Lãn Ông vốn thuộc đất thôn Hậu Đông Hoa Môn. Khoảng giữa thế kỷ 19, từ cuối đời vua Minh Mệnh đến đầu đời vua Thiệu Trị, thôn này hợp với thôn Đông Hoa Môn và Đông Hoa Nội Tự trở thành thôn Đức Môn. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thời Nguyễn, nơi đây đã tập trung buôn bán các mặt hàng thiếc và đồng được khai thác từ mỏ quặng Tụ Long, tỉnh Cao Bằng.

Lãn Ông - Phố thuốc trăm năm trên đất Hà Thành
Một cửa hàng thuốc đông y của người Hoa trên phố Phúc Kiến (Lãn Ông hiện nay) năm 1907. Ảnh Edgard Imbert

Cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp chiếm Hà Nội, đặt tên phố này là “rue de Fou-Kien” (“phố Phúc Kiến”) vì có rất đông Hoa kiều gốc tỉnh Phúc Kiến đến cư ngụ. Họ mang theo nghề bốc thuốc Bắc đến lập nghiệp và chung sống hòa thuận với cư dân bản địa. Tới những năm đầu thế kỷ 20, phần lớn dân quanh đây đã mở hiệu bán thuốc bắc, theo thời gian, phố Phúc Kiến trở thành con phố chuyên doanh các loại thuốc Bắc của người Hoa và các loại Đông Nam dược của người Việt. Trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến dòng họ Phó đến từ tỉnh Phúc Kiến. Sau đó còn có hàng chục lương y người Việt thành danh trên phố này; họ có gốc gác phần lớn là từ những làng nghề làm thuốc có truyền thống như Đa Ngưu (Văn Giang, Hưng Yên), Nghĩa Trai, Ninh Hiệp, Đồng Tâm, hay từ những vùng đất học giỏi như Nhân Chính, Đông Ngạc, Hành Thiện…

Nơi đây còn có một di tích lâu năm là nhà số 40 Lãn Ông chính là Hội quán Phúc Kiến, xây từ 1817, sau chuyển thành trụ sở trường tiểu học Hồng Hà.

Lãn Ông - Phố thuốc trăm năm trên đất Hà Thành
Tổ dân phố Lãn Ông chụp trước cổng trường tiểu học Tân Hoa (Hội quán Phúc Kiến trước đây), đây cũng là đình làng của khu phố. Đến năm 1977 đổi tên thành trường PTCS Hồng Hà. Ảnh chụp cuối thập niên 50 nằm trong Album gia đình NSNA Nguyễn Duy Kiên

Đến năm 1949, phố Phúc Kiến được đổi tên thành Lãn Ông - tên của danh y Hải Thượng Lãn Ông, người được tôn là ông tổ nghề Đông Nam dược, là vị lương y đã có nhiều đóng góp quan trọng trong lịch sử y học cổ truyền đất nước. Nhà văn Tô Hoài từng kể trong "Chuyện cũ Hà Nội", vào đầu thế kỷ 20, trong việc mua bán, phố xá còn phân biệt rõ hơn: phố Thuốc Bắc bán cất thuốc sống, còn thuốc bào chế rồi, thuốc đã thành thang thì sang mua ở các hiệu thuốc tại phố Lãn Ông ngày nay.

Sau năm 1979, khi những gia đình người Hoa lần lượt trở về nước, các gia đình còn lại vẫn tiếp tục giữ nghề kinh doanh Đông Nam dược - loại thuốc truyền thống của người Việt cho đến ngày nay.

Lãn Ông - Phố thuốc trăm năm trên đất Hà Thành
Hai mẹ con đứng trước dãy cửa hàng thuốc đông y trên phố Lãn Ông dịp Tết 1907.
Lãn Ông - Phố thuốc trăm năm trên đất Hà Thành
Phụ nữ và trẻ em người Hoa trên phố Phúc Kiến (Lãn Ông hiện nay) năm 1908.

Giữ tiếng thơm muôn đời

Đến nay phố Lãn Ông vẫn có tới hơn 90% các cửa hiệu dọc phố kinh doanh chỉ 1 mặt hàng. Con phố từ lâu đã trở thành một thương hiệu chợ thuốc Đông y nức tiếng trong lòng người dân Thủ đô. Bà Trần Thị Tuyết Mai, Chi hội trưởng Chi hội Đông Nam dược Lãn Ông, phường Hàng Bồ cho biết, trên phố Lãn Ông có 65 hộ hiện đang kinh doanh và gìn giữ nghề truyền thống, phát triển nghề theo kiểu “cha truyền con nối”. Mặc dù nghề này mới xuất hiện ở phố Lãn Ông khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX nhưng nhiều gia đình có 4 - 5 thế hệ kế tục nghề, thậm chí có những gia đình có tới 9 đời theo nghề như gia đình lương y Trần Kim Quang ở số nhà 51 Lãn Ông.

Như chia sẻ của ông Trần Kim Quang, gia đình ông có nghề thuốc gia truyền từ khi còn ở Nam Định và ông là đời thứ 9 theo nghề. Với hơn 50 năm kinh nghiệm bắt mạch, bốc thuốc, ông hiện là một trong số 4 - 5 lương y giỏi trên phố Lãn Ông có thể khám chữa bệnh từ đơn giản đến phức tạp. Các hộ còn lại chủ yếu bốc thuốc, bào chế và kinh doanh thuốc sống.

Cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, nơi đây được coi là trung tâm buôn bán các mặt hàng Đông Nam dược với số lượng lớn, khách buôn khắp cả nước đổ về đây cất hàng. Vẫn nhớ như in cái không khí sôi động của con phố thời đó, Bà Trần Thị Tuyết Mai kể: “Ngày ấy, chúng tôi bán buôn thuốc sống với số lượng lớn. Mỗi bao từ 30 - 50kg, thậm chí có bao nặng hàng tạ. Nhưng càng về sau, số lượng càng giảm bởi việc thu mua thuốc sống dễ dàng hơn. Khách có thể đánh hàng trực tiếp tại các vùng trồng nguyên liệu... Tuy không còn phát triển như xưa nhưng người dân phố Lãn Ông vẫn duy trì nghề, phục vụ khách lẻ. Người làm nghề có tâm vẫn sống được bằng nghề”.

Là một khách hàng lâu năm, tâm sự về chợ thuốc thuốc Đông y lâu đời này, anh Nguyễn Minh Đức (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Mỗi khi có việc cần mua tới các loại thuốc Đông y bổ dưỡng như: Thục địa, Trần Bì, Cam Thảo, Tam Thất, Linh Chi, Hồng Táo… tôi chỉ tìm đến khu phố này để mua. Dù sao, khu phố cũng đã có truyền thống bán thuốc hàng năm năm nay, từ đời ông bà tôi cũng đã mua thuốc ở đây nên tôi cảm thấy khá yên tâm”.

Người cao tuổi mua thuốc bắc trên phố Lãn Ông
Người cao tuổi mua thuốc bắc trên phố Lãn Ông.
Lãn Ông - thơm phố thuốc trăm năm trên đất Hà Thành
Bốc thuốc cho khách hàng.

Lãn Ông cũng là một con phố hiếm hoi trong suốt hàng trăm năm qua vẫn thoang thoảng mùi thơm đặc trưng của các loại thảo dược. Người làm nghề thuốc ở con phố đa phần không qua trường lớp đào tạo bên ngoài mà thường lấy bí kíp gia đình làm cốt yếu. Có lẽ bởi tính cha truyền con nối ấy chính là lý do giúp nghề thuốc ở con phố Lãn Ông này không bị phai mờ đi như các con phố nghề khác.

Ngoài là một phố nghề nổi tiếng, Lãn Ông còn nổi tiếng đối với du khách trong và ngoài nước bởi những ngôi nhà được bảo tồn theo quy chuẩn mà còn nổi tiếng bởi những công trình tín ngưỡng với kiến trúc cổ, độc đáo.

Điển hình như Hội quán Phúc Kiến - một công trình tín ngưỡng, nơi hội họp của bà con Hoa kiều trước kia. Hội quán được xây dựng năm 1817 với lối kiến trúc độc đáo gồm tòa phương đình, tam quan, sân, hậu cung... Theo những miêu tả trên văn bia, thì hội quán Phúc Kiến hiện nay vẫn giữ nguyên được quy mô của lần tu sửa vào năm Trung Hoa dân quốc thứ 14 (1925), với khối kiến trúc đá đồ sộ trong một khuôn viên rộng lớn. Quy hoạch mặt bằng của di tích bao gồm: Tam quan, sân, phương đình, hậu cung, khu học hiệu nằm phía sau và hai bên kiến trúc chính.

Tam quan là một nếp nhà ngang 3 gian, xây gạch kiểu đầu hồi bít đốc với các bộ vì gỗ kiểu chồng rường hai hàng chân. Trong kết cấu trên, cột phía ngoài được làm vuông, tạo gờ ở các cạnh, hệ thống dép đỡ hoành thì làm dài, uốn theo văn mây cuôn, vươn ra khoảng không. Đỡđầu hoành có một cốn tai cột (hoặc gọi là củng đơn) trang trí hình rồng; dưới xà ngang là hình một con ve hoặc một con sư tử có tác dụng trang trí và đỡ xà nách. Phía bên trái tam quan có một số tranh đá vẽđề tài phong cảnh gắn trên tường. Diềm lá tàu được chia thành những ô trang trí: ô thì khắc thơ, ô thì họa phong cảnh, có ô lại là hình hoa lá…

Sau khi hoàn thành việc trùng tu, tôn tạo năm 2015, Hội quán đã trở thành một công trình điển hình cho việc trùng tu các di tích trong khu vực phố cổ nói riêng và Hà Nội nói chung.

Lãn Ông - Phố thuốc trăm năm trên đất Hà Thành
Hội quán Phúc Kiến.

Hầu hết các du khách đến thăm khu phố này đều để lại ân tượng sâu sắc. Chị Phương Nga, một Việt kiều Đức chia sẻ, tôi rất thích thú khi đến thăm phố Lãn Ông, một con phố sầm uất, nhộn nhịp, còn giữ được những nét kiến trúc xưa xen lẫn hiện đại. Đặc biệt, cả khu phố tỏa hương thơm vô cùng thư thái, dễ chịu khiến chúng tôi cảm thấy bớt mệt mỏi sau một hành trình dài.

Phố Lãn Ông là một trong số ít các con phố trong 36 phố phường Hà Nội giữ được nghề truyền thống theo tên gọi của nó
Phố Lãn Ông là một trong số ít các con phố trong 36 phố phường Hà Nội giữ được nghề truyền thống theo tên gọi.

Với những nét đẹp văn hóa cùng bề dày truyền thống của một phố nghề Thăng Long - Hà Nội, phố Lãn Ông ngày càng khẳng định sự riêng biệt, độc đáo của mình bởi những con người luôn tâm niệm gìn giữ nghề truyền thống của gia đình, không để bị mai một, giữ tiếng thơm cho muôn đời.

Minh Châu

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan