Người Mỹ có tin vào Bidenomics?

14:01 | 03/07/2023

145 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tổng thống Joe Biden đang dốc toàn lực cho "Bidenomics" - một khái niệm được sử dụng để gói gọn những tiến bộ kinh tế mà nước Mỹ đã đạt được kể từ khi ông nhậm chức. Nhưng phản ứng của người dân Mỹ dường như không mấy tích cực.
Người Mỹ có tin vào Bidenomics?
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về Bidenomics tại Chicago, hôm 28/6. Ảnh: AFP

Trong bài phát biểu tại Chicago hôm 28/6 vừa qua, Tổng thống Biden đã thông báo những kết quả kích thích phục hồi nền kinh tế mà chính quyền của ông đạt được, đồng thời cho thấy tầm nhìn để duy trì đà phát triển.

"Mỹ hiện có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất, dẫn đầu các nền kinh tế thế giới kể từ sau đại dịch" - ông Biden tuyên bố - "Điều đó không phải ngẫu nhiên. Đây là kết quả của Bidenomics, với việc xây dựng một nền kinh tế từ giữa ra và dưới lên, không phải từ trên xuống".

Nếu xét theo dấu hiệu phục hồi kinh tế và sức khỏe của thị trường lao động Mỹ, Bidenomics đã ít nhiều cho thấy hiệu quả. Nền kinh tế số 1 thế giới đã lấy lại được tất cả số việc làm bị mất trong đại dịch hồi tháng 7/2022 và tỷ lệ thất nghiệp đang được duy trì ở mức thấp.

Tháng 1 năm nay, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ ở mức thấp nhất kể từ năm 1969. Mỹ đã thêm 339.000 việc làm chỉ trong tháng 5/2023. Tất cả các loại dữ liệu khác nhau cũng cho thấy một nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ.

Hơn nữa, mặc dù lạm phát vẫn ở mức cao theo tiêu chuẩn, nhưng nó đã giảm dần kể từ khi ông Biden nhậm chức Tổng thống. Gần đây nhất, chỉ số giá tiêu dùng - thước đo lạm phát chính của Mỹ - đã tăng 4,0% trong 12 tháng trước tháng 5/2023, thấp hơn so với mức tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, ngay cả như vậy, người dân Mỹ dường như vẫn không cảm thấy an tâm về nền kinh tế. Cuộc thăm dò mới nhất của Gallup cho thấy, 76% người Mỹ được hỏi cho rằng điều kiện kinh tế quốc gia đang trở nên tồi tệ hơn, ngay cả khi dữ liệu cho thấy thị trường lao động đang tốt lên.

Điều này được cho có liên quan đến những ưu tiên lập pháp chính mà Bidenomics đã không thể chạm tới, đặc biệt là những chính sách đã bị cản trở bởi Đảng Cộng hòa cũng như phe Dân chủ bảo thủ.

Trên thực tế, các nhà lập pháp Đảng Dân chủ đã cố gắng đưa chương trình miễn phí cấp học mầm non, phổ thông và 2 năm đại học vào Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ của Tổng thống Biden, nhưng các chính sách này đã bị loại bỏ trong phiên bản cuối cùng của dự luật do sự phản đối của Joe Manchin - một đảng viên Dân chủ ôn hòa.

Hay việc thúc đẩy mức lương tối thiểu 15 USD cũng đã được đưa vào kế hoạch nói trên, song đã bị 8 đảng viên Đảng Dân chủ, cùng với toàn bộ 50 đảng viên Cộng hòa, bỏ phiếu phản đối triệt để. Đạo luật Xây dựng lại Tốt hơn (BBB) của chính quyền Biden - đảm bảo luật nghỉ phép có lương của liên bang - cũng bị cản trở tương tự.

Tổng thống Biden từng hứa với người Mỹ rằng ông sẽ ban hành quy định miễn phí tại các trường đại học cộng đồng trước khi rời Nhà Trắng. "Tôi sẽ hoàn thành nó" - nhà lãnh đạo, người có vợ đang là giảng viên đại học - đã nói trong cuộc phỏng vấn với CNN vào năm 2021.

Chính bài phát biểu hôm 28/6 của ông Biden cũng thể hiện rõ, nhiều lời hứa trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2020, cũng như một số ưu tiên của Đảng Dân chủ mà nhiều người Mỹ vẫn đang kỳ vọng, đến nay vẫn chưa thành sự thật. Tất cả, cùng Bidenomics, đang được ông Biden đặt cược cho một nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm tới.

Nhìn chung, Tổng thống và đảng Dân chủ cầm quyền phải thực hiện một lộ trình vòng vèo hơn, chẳng hạn như bắt buộc cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em giá cả phải chăng tại các trung tâm công nghệ mới, hoặc áp dụng mức lương tối thiểu 15 USD với các nhà thầu liên bang.

Nhưng điều quan trọng là liệu những thay đổi đó có đủ lớn đối với các cử tri trong cuộc bầu cử năm 2024 hay không? Theo khảo sát được công bố hôm 2/7 bởi Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề công của Associated Press-NORC, chỉ 34% người Mỹ trưởng thành được hỏi tán thành vai trò lãnh đạo kinh tế của ông Biden. Con số này thấp hơn cả tỷ lệ tán thành chung đối với Tổng thống, hiện ở mức 41%.

"Tôi không ở đây để tuyên bố chiến thắng về kinh tế" - Tổng thống Biden cho biết khi nói về Bidenomics tại Chicago - "Tôi ở đây để nói rằng, chúng tôi có kế hoạch giúp xoay chuyển tình hình một cách cực kỳ nhanh chóng. Và chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm".

Theo Kinh tế & Đô thị

Mỹ không còn là thiên đường của người giàuMỹ không còn là thiên đường của người giàu
Cảnh báo đáng ngại về kinh tế Mỹ và châu ÂuCảnh báo đáng ngại về kinh tế Mỹ và châu Âu