Người lái xe cho hai Chủ tịch nước

14:46 | 19/05/2014

4,633 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Cả cuộc đời từ lúc bắt đầu lên chiến khu Việt Bắc theo cách mạng cho đến lúc về hưu ông đều gắn bó với chiếc vô lăng. Và cũng chính cái “duyên nghiệp” ấy đưa đến cho ông cơ hội trở thành người duy nhất của đội xe Văn phòng Chính phủ, được vinh dự làm lái xe riêng cho: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Duyên may cuộc đời

Nằm khuất trong dãy nhà tập thể Văn phòng Chính phủ ở phố Phương Mai (Hà Nội) là ngôi nhà nhỏ của ông Nguyễn Văn Mùi, người từng lái xe cho hai vị Chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về ông, đó là một con người giản dị, khiêm nhường và rất đỗi hiền lành.

Dù đã bước sang tuổi 83, gần 20 năm gắn bó với chiếc vô-lăng để đón đưa hai vị Chủ tịch nước nổi tiếng mà không để lại một sơ suất gì. Tâm sự với chúng tôi về cuộc đời mình, ông vẫn cho rằng việc được chọn để làm lái xe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh là duyên may của mỗi đời người và ông đã là người được hưởng duyên may đó.

Ông Nguyễn Văn Mùi, người vinh dự được lái xe cho hai vị chủ tịch nước đầu tiên của nước Việt Nam

Ông Mùi, sinh năm 1931 tại thôn Bắc Cầu (Xuân Hùng, Xuân Trường, Nam Định). Cũng như bao làng quê khác của Việt Nam, thời đó, quê ông cũng nghèo xơ xác, tiêu điều. Chứng kiến cảnh đất nước, xóm làng chịu ách đô hộ của thực dân, phong kiến, năm 17 tuổi ông tự nguyện tham gia du kích xã. Thời đó, do phong trào cách mạng, dân quân du kích phát triển mạnh nên thực dân Pháp và bè lũ tay sai đã đàn áp rất dã man. Theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến, không nề hà, ông chia tay với xóm làng, người thân, tìm lên Chiến khu Việt Bắc tham gia cách mạng.

Lên đến Việt Bắc, đang trong lúc tìm tòi móc nối với các cơ sở cách mạng thì ông gặp anh trai mình, lúc này đang làm ở xưởng đúc tiền của Chiến khu Việt Bắc. Gặp anh trai, ông trình bày lý do, không nề hà, anh trai ông đã rủ ông xin vào làm công nhân của xưởng đúc tiền. Đúc tiền, làm công nhân cũng là đóng góp cho cách mạng, ông Mùi đã đồng ý ngay và trở thành công nhân của xưởng đúc tiền ngay sau đó.

Năm 1950, sau Chiến dịch Biên giới, lúc này ta chuyển từ tiêu tiền xu sang tiền giấy, nên xưởng không có việc làm. Là người chăm chỉ, với mong muốn tìm lên Việt Bắc là góp sức cho cách mạng, ông chuyển sang bộ phận áp tải lương thực ở chiến khu.

Lúc này, tại bộ phận áp tải lương có 2 chiếc xe Môn-tô-lô-va, trong khi làm nhiệm vụ, với tính ham học hỏi, lúc rỗi ông lại nhờ mấy anh em dạy cách xử lý và tập học của nghề  lái xe. Rồi ông trở thành một tay lái lão luyện chuyên chạy núi rừng lúc nào chẳng rõ.

Do bộ phận tải lương của ông đóng gần Ban kiểm tra 12, một bộ phận của cơ quan chuyên phục vụ lãnh đạo của Chính phủ kháng chiến lúc bấy giờ nên lúc rỗi rãi ông thường qua lại. Năm 1952, đúng lúc Ban kiểm tra 12 thiếu lái xe, thấy ông hiền lành, có đạo đức nên họ đã đặt vấn đề với ông.

Cuộc đời ông chính thức có sự chuyển đổi về nghề hết sức đặc biệt vào năm 1954, lúc này ông Vũ Hoàng, phụ trách hành chính của Ban kiểm tra 12 đã gọi ông lên giao nhiệm vụ lái xe chở đội cảnh vệ tháp tùng Bác Hồ về tiếp quản Thủ đô. Từ đây chính thức ông trở thành lái xe của Ban 12.

Chuyến đi năm ấy, đoàn xe có 4 chiếc Gat 69, và 3 xe Gat 51 (Bác Hồ đi trong nhóm xe Gat 69) về Thủ đô Hà Nội. Khoảng hơn 9 giờ sáng ngày 9/9/1954, đoàn đi qua tỉnh Phú Thọ, đến đường rẽ vào Đền Hùng, Bác yêu cầu dừng nghỉ, tập hợp bộ đội lại nói chuyện. Và tại đây, Bác đã có câu nói nổi tiếng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Năng động, chắc chắn, linh hoạt đến từng việc làm nên ngày 5/3/1961, ông Nguyễn Văn Mùi trở thành người lái xe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhiệm vụ cao cả

Đến bây giờ, khi đã lui về nghỉ ngơi, nhắc lại quãng thời gian được lái xe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Mùi vẫn thấy rất bồi hồi. Gần 10 năm trời được gần gũi bên Bác, ông Mùi có biết bao nhiêu kỷ niệm không thể nào quên.

Ông nhớ ngày mới về Hà Nội, ông được giao lái một chiếc Jeep Willy để phục vụ Bác Hồ. "Hôm đó nhận lệnh, tôi dậy từ rất sớm cẩn thận kiểm tra lại xe. Khi Bác lên xe, đồng chí Vũ Kỳ (thư ký của Bác) giới thiệu tôi với Bác. Bác cười hiền hậu, rồi khuyên nhủ tôi đi thật cẩn thận, an toàn, không được xảy ra tai nạn…". Ngoài đức tính cẩn thận, trong thời gian phục vụ Bác, ông Mùi còn thực sự nể trọng đức tính giản dị, ân cần mà Người đối đãi với nhân dân và anh em chiến sĩ. Bởi, dù chiếc xe đã cũ, mọi người đưa chiếc xe khác đến để thay thế, nhưng Bác yêu cầu xe vẫn còn tốt, phải biết tiết kiệm, chống lãng phí và Bác quyết định vẫn dùng chiếc xe này.

Ai cũng biết đức tính giản dị, tiết kiệm của Người, nên không ai dám có thêm ý kiến gì cả. Chính vì vậy, trước khi đi công tác, xe bao giờ cũng được kiểm tra cẩn thận và thường xuyên được bảo dưỡng định kỳ. Với Bác Hồ, dù ai làm ở vị trí gì, từ công nhân lao động, đến những lao công, nông dân, hay những người lái xe như ông, Bác đều rất quan tâm. "Bác nhắc chúng tôi phải chịu khó đọc sách báo trong những lúc rảnh rỗi để mở mang hiểu biết. Bác còn khuyên các đồng chí bảo vệ cũng nên học lái xe để nếu có tình huống bất trắc thì dễ xử trí, và bản thân Người làm gương trước".

Những người bảo vệ Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm cùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2012

Đến bây giờ, khi kể lại câu chuyện, ông Mùi luôn tự hào trong suốt thời gian phục vụ Bác, không bao giờ để xảy ra một sơ suất nhỏ nào. Ông Mùi chia sẻ: "Được như vậy, một phần cũng chính nhờ vào sự quan tâm, động viên và rất hiểu tâm lý mọi người của Bác. Gần 10 năm lái xe cho Bác, may mắn là tôi chưa hề bị Bác quở mắng. Tận tâm với công việc hằng ngày, đến khi Bác Hồ đi vào cõi vĩnh hằng (năm 1969), ông cũng vinh dự được giao nhiệm vụ túc trực bên linh cữu của Người.

Sau khi Bác Hồ mất, tháng 10/1969, ông Mùi được giao nhiệm vụ mới là tiếp tục lái xe cho Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Cũng như Bác Hồ, Bác Tôn là người sống rất giản dị và gần gũi với mọi người. Phục vụ Bác Tôn, ông Mùi có nhiệm vụ quản lý hai chiếc xe, một chiếc Volga và chiếc Commăngca. Chỉ trừ trường hợp phải đi tiếp khách nước ngoài, Bác Tôn mới sử dụng chiếc Volga, còn phần lớn đi lại làm việc trong nước, Bác sử dụng chiếc Commăngca rất đỗi bình dân.

Trong những năm lái xe phục vụ Bác Tôn, chưa khi nào ông Mùi bị Bác gọi đột xuất hay nhờ vả công việc riêng. Thậm chí, những khi tư gia bị hỏng điện, Bác Tôn cũng bỏ tiền ra gửi anh em cần vụ đi mua bóng đèn về tự thay chứ nhất định không gọi cho bộ phận văn phòng đến sửa. Những việc nhỏ nếu làm được là Bác tự làm. Hồi vợ Bác Tôn ốm nặng cũng tự mình Bác chăm sóc. Cứ thế đến năm 1980, sau khi Bác Tôn mất, ông Mùi được bầu làm Đội trưởng đội xe của Văn phòng Chính phủ. Sau đó ông còn vinh dự được lái xe cho nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của đất nước như đồng chí Đỗ Mười, Võ Chí Công... cho đến ngày về hưu.

Gần 20 năm vinh dự được lái xe cho hai vị chủ tịch nước đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là bấy nhiêu thời gian ông luôn được gần gũi, học tập những đức tính giản dị của hai vị Chủ tịch nước. Ông chia sẻ: "Đức tính đó của hai Bác chính là tài sản lớn nhất của cuộc đời tôi để truyền dạy cho con cháu".

 

 

Nguyễn Hoan