Người giúp hàng trăm hộ dân có nhà ở

15:23 | 14/05/2016

621 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không lâu trước đây, hàng ngàn người dân tại khu vực Đầm Hồng (Thanh Xuân, Hà Nội) phải đối diện với cảnh màn trời chiếu đất, cuộc sống vất vưởng. Nhưng nhờ Luật sư Trương Anh Tú họ đã có nhà cửa đàng hoàng...
luat su truong anh tu nguoi giup hang tram ho dan co nha o
Luật sư Trương Anh Tú trong lần gặp bà con tái định cư tại OTC1

Không lâu trước đây, hàng ngàn người dân tại khu vực Đầm Hồng (Thanh Xuân, Hà Nội) phải đối diện với cảnh màn trời chiếu đất, cuộc sống vất vưởng. Tuy nhiên, trong một ngày đầu tháng 5 vừa qua, chúng tôi đã được gặp họ trong những căn hộ tái định cư khang trang, đẹp đẽ.

Mọi người đều tỏ ra hạnh phúc, vui sướng. Chứng kiến nụ cười tươi rói của họ, một vị luật sư cũng kín đáo mỉm cười. Những người hiểu chuyện mới biết rằng vị luật sư đó là nhân vật đã góp phần rất lớn tạo ra sự thay đổi đối với cuộc sống của dân cư Đầm Hồng.

Được gọi là nơi tái định cư, nhưng căn hộ của gia đình ông Nguyễn Đắc Thọ (65 tuổi) tươm tất không kém gì những căn chung cư tiền tỷ ở các tòa nhà thương mại gần đó. Nhờ cách trang trí hài hòa, hợp lý mà căn hộ có diện tích khoảng 50m2 trông không khác gì những căn hộ thương mại.

Trao đổi với chúng tôi, ông Thọ khoe: “Đối với chúng tôi, từ chỗ bị buộc phải rời khỏi nhà, có nguy cơ trở thành kẻ vô gia cư, đến nay lại được ở một nơi như thế này là quá tuyệt vời. Có thể coi là một bước lên tiên đấy”.

Cùng với nhiều người khác, ông Thọ đã mua quyền sử dụng đất từ chính quyền xã Khương Đình (huyện Thanh Trì – hiện tại thuộc khu vực Đầm Hồng, phường Khương Đình, Quận Hà Đông) từ năm 1992 và sử dụng ổn định, nộp thuế đất hơn 20 năm.

Tuy nhiên, hàng trăm hộ dân ở Đầm Hồng, Đầm Sen đã không thể sử dụng đất hợp pháp và xây dựng nhà cửa sinh sống bình thường do “bộ sậu” bán đất của UBND xã Khương Đình bị đánh án vào năm 1995.

Theo bản án sơ thẩm số 757 ngày 28 – 29/9/1995 của TAND TP Hà Nội, ông Nguyễn Sỹ Sơn - Chủ tịch UBND xã Khương Đình và các đồng phạm đã phạm tội “Vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai”. Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng tịch thu vật và tiền bạc trực tiếp liên quan đến tội phạm, quyết định “Thu hồi toàn bộ số đất tại khu vực Đầm Hồng, Đầm Sen và 2.500m2 đất (về danh nghĩa cấp cho E26 Phòng không) các bị cáo đã mua đi bán lại bất hợp pháp, giao chính quyền địa phương quản lý và giải quyết theo thẩm quyền”.  

Nhưng quyết định này đã không đúng pháp luật vì tòa án không có thẩm quyền thu hồi đất và không đề cập gì đến quyền lợi của người dân đã trót mua đất của chính quyền xã. Điều này đã khiến hàng trăm hộ phải khốn khổ vì không được cư trú hợp pháp và xây dựng nhà cửa trong suốt hơn 20 năm.

Phải đến ngày 24/11/2014, hội đồng giám đốc thẩm Tòa Hình sự TAND Tối cao mới khắc phục sai lầm trên tại bản án sơ thẩm 757 của TAND TP. Hà Nội với quyết định: Hủy bản án hình sự sơ thẩm số 757 và đình chỉ vụ án hình sự về phần quyết định thu hồi đất của tòa án sơ thẩm (Quyết định giám đốc thẩm số 67/2014/HS-GĐT). Như vậy, theo nhiều chuyên gia pháp lý, chiếu theo Luật Đất đai 2003, người dân Đầm Hồng, Đầm Sen đã mua đất chính quyền xã hoàn toàn có quyền hợp pháp đối với những mảnh đất họ đã sử dụng trên 20 năm qua.

Thế nhưng, niềm vui của chẳng tày gang khi đất đai nhà cửa của họ rơi vào diện giải tỏa của dự án thoát nước hồ Đầm Hồng. Được biết, người dân Đầm Hồng hoàn toàn ủng hộ dự án, nhưng việc UBND quận Thanh Xuân xác định nguồn gốc sử dụng đất dẫn đến tiền đền bù chỉ từ vài trăm nghìn đồng, cao nhất cũng chỉ vài chục triệu đồng cho những mảnh đất vài chục đến cả trăm mét vuông đất là điều vô lý, điều này sẽ đẩy người dân vào cảnh “màn trời chiếu đất”.

Không còn chỗ bấu víu, người dân ở Đầm Hồng tưởng như đã mất tất cả. Song, may mắn cho họ, bằng cách nào đó, những bất công đeo trên cổ họ dần dần được tháo gỡ. Số tiền bồi thường tăng lên cả trăm lần, đồng thời, UBND quận Thanh Xuân đã chấp nhận cho nhiều hộ đủ tiêu chuẩn được mua căn hộ tái định cư ở vị trí đắc địa là ngay bên cạnh khu đô thị Linh Đàm.

Nói về điều này, ông Thọ vui vẻ: “Thực ra, chẳng có điều gì gọi là “từ trên trời rơi xuống” cả. Tất cả là nhờ sự giúp đỡ của luật sư Trương Anh Tú, thuộc đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Nhờ sự trợ giúp tích cực của luật sư Tú, chúng tôi đã có thể đòi quyền lợi của mình một cách hợp pháp, hợp lý và hiệu quả”.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Tú cho biết: “Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ và nhận thấy sự thiệt thòi của bà con, ý muốn duy nhất của tôi là đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho cư dân Đầm Hồng.

Tôi là một luật sư, tôi hoạt động trên tinh thần thượng tôn pháp luật, đồng thời làm hết sức vì quyền lợi của bà con. Dựa trên các quy định của luật pháp, đường lối chính sách của nhà nước, tôi chứng minh cho chính quyền thấy những điểm sai lầm, vô lý khi chỉ đền bù cho bà con một số tiền bèo bọt. Tôi đề nghị chính quyền bồi thường 100% cho các hộ dân – điều này đã được chấp nhận.

Hơn nữa, tôi cũng đề nghị chính quyền cho những hộ dân đủ điều kiện mua nhà tái định cư thay vì không được, rồi được mua nhà ở tái định cư thay vì xã hội như những phương đền bù đè ra. Từng bước từng bước đấu tranh, sau hơn 1 năm sự nỗ lực của luật sư và người dân đã được đền đáp. Cuộc sống của người dân Đầm Hồng được cải thiện – đó là niềm vui vô cùng lớn đối với tôi”.

Luật sư Trương Anh Tú – Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú - là ứng cử viên được Hiệp hội Công thương TP Hà Nội giới thiệu tham gia ứng cử Hội đồng HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021.

Luật sư Trương Anh Tú sẽ cùng 7 ứng cử viên khác được có tên trong danh sách Tổ bầu cử số 3 (quận Đống Đa), từ đó chọn 5 đại biểu vào Hội đồng Nhân dân thành phố khóa này.

Hoàng Phương