Người dân đang “oằn mình” cõng giá thuốc!

10:50 | 10/09/2012

1,251 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chuyện không mới nhưng luôn là vấn đề nóng bỏng của ngành y, cùng một loại thuốc nhưng lại được bán ở các mức giá khác nhau với độ chênh lệch cực lớn. Và tất nhiên, người phải gánh hậu quả cho hiện tượng bất thường này không ai khác chính là người dân!

Chênh lệch giá thuốc bệnh viện hiện rất lớn!

Phát “sốt” vì giá thuốc bệnh viện

Chẳng có căn cứ nào để khẳng định thuốc ở bệnh viện A tốt hơn thuốc ở bệnh viện B nên giá cao hơn cả, vì đơn giản, loại thuốc đó có cơ cấu thành phần chất hoàn toàn giống nhau, mà có khi là do cùng một đơn vị sản xuất hoặc nhập khẩu cung ứng ra thị trường.

Thời gian gần đây, kể từ khi mức viện phí mới được áp dụng, trái với những kỳ vọng ban đầu, các vấn đề được xem là bất cập, là tồn tại của ngành Y từ nhiều năm nay vẫn không được đẩy lùi, thậm chí là có diễn biến phức tạp hơn. Điển hình có thể kể đến mâu thuẫn về mặt lợi ích giữa y tế và bảo hiểm. Viện phí tăng có nghĩa là nguồn thu của các bệnh viện cũng vì thế mà tăng lên nhưng điều này lại đồng nghĩa với việc chi phí cho việc khám chữa bệnh của các khách hàng đã tham gia bảo hiểm lại tăng, trong khi mức thu bảo hiểm lại không tăng. Đây chính là nghịch lý, là điều bất cập mà những người làm bảo hiểm đã lên tiếng rất nhiều thời gian qua.

Không chỉ vậy, với cơ chế giá thuốc có phần mang tính chất “tuỳ hứng” trong các cuộc đấu giá thuốc ở các bệnh viện đã đẩy người dân vào thế khó. Chưa cần bàn tới sự “chí công vô tư” trong những cuộc đấu đá đó, chỉ cần nhìn vào bảng giá thuốc với độ chênh lệnh không nhỏ tại các bệnh viện hiện nay cũng có thể thấy, ngành y đang đẩy cái khó về phía người bệnh!

Trong một phát biểu mới đây, bà Nguyễn Thị Yến - Phó Ban Dược và Vật tư Y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) đã thẳng thắn chỉ ra rằng, sự chênh lệch giá thuốc không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách mà còn là gánh nặng cho người bệnh.

Và để minh chứng cho phát biểu của mình, bà Yến lấy ví dụ, năm 2011, thuốc Arginin 200mg của Armephaco đã trúng thầu vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới, Quảng Bình là 650 đồng/viên nhưng lại trúng thầu vào Bệnh viện Trung ương Huế là 1.100 đồng/viên (chênh 69,2%); hay thuốc Sance (Ấn Độ) trúng thầu vào Đồng Tháp là 18.000 đồng/hộp nhưng vào Cần Thơ thì lại là 30.000 đồng/hộp (tức chênh 66,7%);…

Đó chỉ là một trong rất nhiều ví dụ cụ thể đã được Bảo hiểm Xã hội chỉ ra trong năm 2011 và nếu đem chiếu theo con số 18.500 tỉ đồng tổng số tiền mua thuốc đấu thầu trong năm 2011 thì không biết người dân và ngân sách Nhà nước đã thiệt hại bao nhiêu? Ngân sách thiệt hại nhưng người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình trong xã hội cũng phải gánh thì quả là điều rất bất công. Chẳng biết các “hội đồng” thẩm định giá thuốc trong quá trình đấu thầu thuốc vào các bệnh viện có biết điều này không nhưng đây quả là điều đáng buồn, là sự vô trách nhiệm, đi ngược lại với tinh thần “Lương y như từ mẫu”.

Theo tìm hiểu của Petrotimes, đấu thầu thuốc tại bệnh viện cũng chẳng khác gì các cuộc đấu thầu, chạy dự án – cái được xem là khối u di căn trong xã hội Việt Nam tư nhiều năm nay. Thuốc tại các bệnh viện là “miếng bánh” ngon, là “mảnh đất” màu mỡ cho các công ty dược, các công ty kinh doanh thuốc. Và để chiếm giữ, để giành giật được “miếng bánh” đó, người ta phải đấu đá, phải chạy chọt, phải "lobby" hết chỗ này chỗ khác…

Thực tế đó là không thể bàn cãi và nó là nỗi đau, là sự hổ thẹn với những người có tâm huyết với ngành y nhưng với người bệnh, đó là sự phản bội, là sự lợi dụng. Có bệnh thì phải chữa và đã chữa thì không thể tiếc tiền vì “còn người thì còn tất cả” là tâm lý chung của tất cả mọi người bệnh. Nhưng không phải vì thế mà họ phải chấp nhận một khoản chênh lệch phi lý trong quá trình điều trị được. Cùng một phác đồ điều trị như nhau và được kê các loại thuốc như nhau nhưng lại phải chi trả các khoản tiền với mức chênh lệch khác nhau là sự vô lý!

Đừng mua thuốc bệnh viện!

Người bệnh đang phải "còng lưng" gánh chịu sự phi lý của giá thuốc.

Giá thuốc bệnh viện bất cập, quá cao với mức chênh lệch lớn là thực tế và điều này cũng được ngay chính các y, bác sỹ trong các bệnh viện thừa nhận.

Cách đây không lâu, khi đưa một người họ hàng đi khám bệnh ở Bệnh viện E (đường Trần Cung, huyện Từ Liêm) vì biết vào bệnh viện là phức tạp, là phải qua cửa nọ, kênh kia nên tôi đã quyết định vận dụng mối quan hệ bên ngoài của mình để tác động vào cho mọi việc được thuận lợi, nhanh chóng. Sau khi được giới thiệu đến gặp một vị bác sỹ tên A, tôi đã được vị này thẳng thừng tư vấn, “Em ra ngay phòng khám của anh ở ngõ 37, đường Trần Cung làm cho nhanh”.

Theo đúng tinh thần chỉ đạo của người “dẫn đường, đưa lối”, tôi đưa người họ hàng của mình ra khám tại phòng khám đó. Sau khi tiến hành đầy đủ các bước từ khám, chụp, chiếu, vị bác sỹ tên A ra kết luận: “Bệnh của anh không có gì quá nghiêm trọng, chỉ cần uống thuốc là xong”, vị bác sỹ này nhấn mạnh.

Đồng thời cũng kê cho người họ hàng nhà tôi một đơn thuốc mà theo cách nói của vị này thì đây toàn là thuốc đặc trị, rất hiệu quả và đặc biệt là rất phổ thông. Và có lẽ chính vì vậy, trước khi chúng tôi ra về, bác sỹ của phòng khám này còn nói với theo nhắc tôi ra hiệu thuốc ở bên ngoài mà mua, đừng mua thuốc ở bệnh viện: “Anh ra ngoài mà mua thuốc nhé, đây toàn là thuốc bình dân, ở hiệu thuốc nào cũng có đấy. Mua thuốc trong bệnh viện đắt lắm!” Bác sỹ A nói.

Khá bất ngờ, thậm chí là có phần hơi “sốc” bởi trong suy nghĩ của tôi, chuyện các bác sỹ giới thiệu bệnh nhân ra phòng khám của mình điều trị là điều hiển nhiên và việc các bác sỹ “ăn rơ” với các hiệu thuốc cũng là bình thường. Tuy nhiên, khi nghĩ lại tôi mới hiểu, thì ra vì tôi là người quen nên họ cũng muốn giảm thiểu chi phí mua thuốc cho mình.

Rời khỏi phòng khám, sau khi đưa người họ hàng về nhà, quá tò mò, tôi đã dùng một phép thử: Tôi mua thuốc ở hiệu thuốc bên ngoài và vờ lần hỏi tới các hiệu thuốc của Bệnh viện E để khảo giá. Kết quả đúng như lời vị bác sỹ trên nói, thuốc bệnh viện đắt hơn 20% so với thuốc của các hiệu thuốc bên ngoài.

Tôi chợt nghĩ, không biết đã có bao nhiêu bệnh nhân và trong đó có biết bao nhiều người nghèo vì chữa bệnh đã phải bán đi nhà cửa, ruộng vườn… để trị bệnh phải gánh những khoản chênh lệch phi lý đó. Thuốc mà tôi mua mới chỉ là các loại thuốc bình thường mà mức chênh lệch đã như vậy thì đối với các loại thuốc biệt dược, thuốc đặc trị thì không biết khoản tiền này sẽ lớn, sẽ khủng khiếp đến mức nào.

Mua thuốc bệnh viện đúng là chuyện cực chẳng đã!

Thanh Ngọc