Người “cho” chứ không chỉ nhận

06:29 | 20/12/2012

910 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Khi về nước, Võ Thị Hoàng Yến từ chối lời mời làm việc cho một số tổ chức phi chính phủ (NGO) tại Việt Nam và cả một số trường đại học để đưa những ý tưởng vẫn ấp ủ lâu nay vào một kế hoạch khá hoàn chỉnh: một trung tâm tập hợp những thông tin, cung cấp thông tin và xây dựng năng lực cho người khuyết tật.

>> Khi “đời rất đẹp”!

Người khuyết tật không phải là người nhận lãnh

Con đường đi đến thành lập DRD không hề đơn giản, đó cũng là lúc chị tự học viết dự án. Chị mất 6 tháng trời ròng rã, vừa học vừa viết, vừa làm phiên dịch miễn phí cho một số chương trình của NKT. Rồi thêm 3 tháng để tìm kiếm và thuyết phục các nhà tài trợ. Tin vui đến khi dự án của chị đã hấp dẫn được người phụ trách Quỹ Ford Việt Nam lúc đó, TS. Charles Bailey. Nhưng theo quy định, Quỹ Ford không tài trợ cho cá nhân. Thế là chị lại đi tìm một nơi đỡ đầu cho dự án đồng thời có thể cống hiến nhiều hơn cho ngành công tác xã hội. Chị chọn Đại học Mở TPHCM – cái nôi của ngành công tác xã hội ở Việt Nam. Dự án của chị đã thuyết phục được Trưởng Khoa Xã hội học lúc đó và Ban giám hiệu Nhà trường.

Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) ra đời vào ngày 3/12/2005, ngày Quốc tế người khuyết tật. Khó có thể nói hết được cảm xúc, niềm vui, hạnh phúc của chị khi DRD ra đời. Một hành trình dài mà chị theo đuổi thì cuối cùng đã thành sự thật. Qua DRD chị muốn chứng minh cho xã hội thấy rằng, NKT không phải chỉ là người luôn nhận lãnh mà còn là người biết đóng góp cho xã hội, cho việc xây dựng cộng đồng.

Trái tim nồng cháy dành cho cộng đồng của chị đã tập hợp được chung quanh mình những đồng nghiệp là NKT tâm huyết với việc thay đổi nhận thức xã hội và giúp NKT phát triển. “Mình như quả tuyết lăn, càng lăn thì càng nhiều hoạt động hơn. Ban đầu mình không nghĩ nhiều như vậy nhưng khi làm thì thấy nó liên tục nảy ra nhiều nhu cầu khác. Đó là lý do tại sao người ta hay bảo những người tham gia vào công tác xã hội hay bị mắc bẫy”, qua đó để thấy rằng nhu cầu cần hỗ trợ của NKT ở nước ta là rất lớn. Hoàng Yến vẫn hay ví von NKT như cánh đồng hoang vậy, chỗ nào cũng cần cày xới, chỗ nào cũng cần sửa chữa hoặc nâng cấp.

Lớp tập huấn kỹ năng sống cho Người khuyết tật tại Hội quán Đời rất đẹp

Chị không muốn các em cứ mãi mặc cảm rằng mình là người nhận lãnh vì sự giúp đỡ theo cách từ thiện, cho một cách quá dễ dàng và cho một cách vô tội vạ đã làm “hư” rất nhiều người. Vì họ sẵn sàng sử dụng cái thiệt thòi của mình để được người đời tội nghiệp rồi mất dần giá trị bản thân. Chị muốn khích lệ các em, làm cho các em có thể ngẩng cao đầu rằng mình cũng là người “cho” chứ không chỉ nhận. Vì thế mà chương trình học bổng “Người bạn đồng hành” ra đời để hỗ trợ và đồng hành với sinh viên khuyết tật.

Với đồng nghiệp, chị đóng vai trò của một người đồng hành (vừa là bạn vừa là thầy), chỉ dẫn cách học, truyền đạt kiến thức, giúp phát triển kỹ năng, động viên và cả thách đố khi cần thiết. Chị biến DRD thành một tổ chức học tập, các đồng nghiệp học từ công việc và học tập lẫn nhau. Chị cũng liên hệ với các tổ chức xã hội khác để tìm kiếm cơ hội nâng cao năng lực cho các đồng nghiệp trẻ của mình qua những buổi hội thảo, tập huấn…

Sau một thời gian hoạt động hiệu quả, khi được hỏi, chị cho biết vẫn mong doanh nghiệp trong nước hiểu rõ cách thực hiện trách nhiệm xã hội theo hướng phát triển (chứ không phải chỉ làm từ thiện) thì họ sẽ đồng hành tốt hơn với các tổ chức xã hội. Và các tổ chức xã hội trong nước sẽ không quá trông chờ vào sự tài trợ của nước ngoài.

Chị cho biết thêm, các hoạt động khác thì đã nhận được tài trợ, chỉ có các hoạt động của Hội quán Đời rất đẹp - một ý tưởng lãng mạn của chị thì không nằm trong một dự án nào và vẫn chưa được tài trợ dù tác động xã hội của Hội quán được đánh giá rất tốt. Hội quán không chỉ là nơi dành cho NKT mà còn là nơi dành cho sinh viên đến sinh hoạt nhóm, thành lập câu lạc bộ sách rồi trao đổi về giá trị sống, kỹ năng sống; cha mẹ trẻ khuyết tật đến sinh hoạt; hình thành nên nhóm thanh niên với hội chứng Down, nhóm anh chị có vấn đề về sức khỏe tâm thần; thầy cô giáo dẫn học trò lớp chủ nhiệm đến sinh hoạt; các diễn giả đến giới thiệu sách…

Hội quán trở thành nơi mà NKT có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với mọi người từ những ngành nghề khác nhau. Những cơ hội gặp gỡ này rất quan trọng vì chính nó đã giúp NKT tự tin lên rất nhiều, và thấy mình không có gì khác biệt với mọi người. Đây là bước đệm quan trọng giúp NKT chuẩn bị hội nhập ở những nơi khác.

Hiệu quả của những hoạt động cho thấy nỗ lực của chị và đồng nghiệp trong thời gian qua đã được đền đáp. Việc hy sinh các suất học bổng tiến sĩ của chị cũng không làm chị quá hối tiếc (trong khi DRD còn non trẻ quá nên chị không thể bỏ đi được và đành từ chối 3 học bổng tiến sĩ tiếp theo).

Giải thưởng tinh thần

Tháng 7/2011, chị và DRD nhận được giải The US President’s Call to Service Award. Chị ngạc nhiên vì hoàn toàn không biết mình được đề cử vào giải thưởng này. Có một số anh chị làm trong tổ chức quốc tế nhận diện những người xứng đáng giải thưởng và đề cử. Chị chân thành: “Ở Nhà Trắng có hội đồng xét duyệt và phát giải thưởng chứ thật ra Tổng thống Obama chẳng biết mình là ai đâu”.

Giấy khen, huy hiệu, thư có chữ ký Tổng thống Mỹ Barack Obama nhưng không có giá trị hiện kim. Trong đợt này, ngoài chị còn có ông Lê Thành Ân – Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP HCM nhận giải. Đây là giải thưởng có tính chất công nhận những đóng góp của người nhận đối với cộng đồng và mang tính chất khích lệ là chủ yếu. Nhưng có thể nhờ nó mà các tổ chức quốc tế, hoặc các công ty trong và ngoài nước sẽ quan tâm đến hoạt động của DRD, tăng thêm uy tín cho Trung tâm. Có lẽ đó là giá trị tinh thần mà nó mang lại, để DRD tiếp tục hoạt động, và nhận sự hỗ trợ từ nhiều nguồn, có thể giúp nhiều NKT tăng thêm cơ hội học tập, tìm việc, hòa nhập cộng đồng thay vì mặc cảm, tự ti và chối bỏ số phận.

Võ Thị Hoàng Yến nhận giải thưởng Kazuo Itoga tại Nhật Bản (2009) - tôn vinh những cá nhân ở châu Á-Thái Bình Dương có đóng góp nổi bật cho NKT

Vẫn còn đó một hành trình gian nan mà chị và DRD phải không ngừng phấn đấu vì NKT. Tôi nhìn chị, tóc đã có nhiều sợi bạc và trông mệt mỏi. Thời gian lại khắc nghiệt với người con gái có đôi mắt sáng, tinh anh ấy. Hỏi chị về đời sống gia đình, chị cười: “Vườn hồng luôn mở lối nhưng liệu ai dám vào không với một người có thời gian biểu làm việc như thế?”.

Hỏi chị bây giờ có thể lì xì mẹ mỗi khi xuân về, chị cười: “Bây giờ thì có thể rồi, nhưng má chị cũng không thiếu gì vì mấy anh chị em của chị đều thành đạt và lo cho má đủ đầy. Chỉ có chị vì mãi lo “việc hàng tổng” nên vẫn còn đi ở trọ. Nay chị thuê một căn hộ nhỏ gần nhà chị gái để tiện ghé qua thăm mẹ. Quá bận rộn, mỗi tuần chị chỉ ghé được một lần, đến nỗi chị bị mẹ quở trách: “Mày đâu phải con tao, mày là con của cộng đồng!”.

Chị vẫn thế, tiếp tục hành trình mà mình đã chọn, vẫn đứng vững trên đôi chân của mình và giữ gìn “ngôi nhà” dành cho người khuyết tật.

Thiên Thanh

(Ảnh: nhân vật cung cấp)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc