Nghỉ tết dài 9 ngày liên tiếp: Có vấn đề gì không?

13:50 | 18/01/2012

695 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Câu hỏi được đặt ra là Tết Nguyên đán năm nay nghỉ đến 9 ngày liệu có quá nhiều và sẽ tạo ra sức ì của các công nhân viên chức?

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đồng ý với đề nghị của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc hoán đổi ngày nghỉ trong dịp nghỉ Tết âm lịch năm 2012 đối với cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó các cán bộ, công nhân viên chức sẽ có 9 ngày nghỉ liên tục thay vì nghỉ ngắt quãng. Kỳ nghỉ tết bắt đầu từ ngày 21 đến 29/1/2012 (tức từ 28 tháng Chạp đến ngày mùng 7 Tết Nhâm Thìn). Đây là vấn đề liên quan đến hàng triệu người lao động trong cả nước và vấn đề này cũng làm phát sinh nhiều chuyện trong những ngày nghỉ tết dài.

Câu chuyện tính dồn, ghi nợ ngày nghỉ, cộng lại để thành chuỗi ngày nghỉ tết dài chỉ có khi Luật Lao động thừa nhận Việt Nam có hai ngày nghỉ cuối tuần. Khi đó, thường với những kỳ nghỉ 2-3 ngày liền sẽ có trường hợp là ngày thứ Bảy hoặc Chủ nhật vừa là ngày nghỉ lễ, vừa là ngày nghỉ theo tiêu chuẩn. Từ đó mới nảy sinh chuyện ngày làm việc cách nhật, xen vào giữa những ngày được nghỉ theo luật. Nói riêng tại khu vực hành chính sự nghiệp, thực tế chỉ ra rằng, những ngày đi làm xen vào giữa những ngày nghỉ dài thường không có hiệu quả. Mọi người có đến cơ quan để làm những công việc không có tính dài hạn, không cần tra sổ sách giấy tờ, chứng lý nhiều, tức là các việc giản đơn, hoặc làm công việc cá nhân. Hiệu quả công việc thấp. Thậm chí, nhiều người nếu thấy guồng máy công việc chung không ai đụng chạm đến, hoặc lãnh đạo, tổ chức không yêu cầu thì không đến cơ quan.

Người lao động có cơ hội du xuân dài hơn trong những ngày nghỉ Tết Nhâm Thìn

Điều này phổ biến tại các cơ quan hành chính sự nghiệp mà công việc không liên quan đến ứng xử hành chính với dân, không phải là cơ quan cung ứng dịch vụ công. Thêm nữa, vào những ngày đó, người dân nếu có đến cơ quan hành chính cũng không nỡ đòi hỏi quá nhiều. Sau khi Luật Lao động cho phép nghỉ 2 ngày, nhiều cơ quan cung ứng dịch vụ công đã quyết định thứ Bảy vẫn làm việc nhưng trên thực tế, hiệu quả cũng rất thấp. Từ hiệu quả thấp cộng với sự suy giảm tiền lương trên thực tế khi đối chiếu với thời gian lao động nên gần đây mới có sáng kiến tăng ngày nghỉ lên, như vậy cũng có thể hiểu là một hình thức “tăng lương”, tính theo thời gian đi làm tuyệt đối.

Câu hỏi được đặt ra là Tết Nguyên đán năm nay nghỉ đến 9 ngày liệu có quá nhiều và sẽ tạo ra sức ì của các công nhân viên chức? Thoạt nghe nghỉ tết 9 ngày thì có vẻ quá nhiều thật. Song với khối hành chính sự nghiệp thì xem ra không có vấn đề gì. Bởi nếu không nghỉ, trên thực tế ngày công lao động cũng không có ý nghĩa, huống chi nhiều người không hề đến cơ quan. Nếu thừa nhận trên thực chất số ngày nghỉ tuyệt đối như vậy còn tốt hơn là duy trì thứ hình thức vỏ bọc không thực chất. Hơn nữa, viên chức được tăng số ngày nghỉ liền kề chứ không phải tăng tổng số ngày nghỉ, họ phải làm bù. Việc làm bù ở đây cũng tốt bởi một chuỗi công việc tiến hành trong những ngày liên tục với nhau sẽ thuận lợi hơn bị cách nhật.

Xét về khía cạnh kinh tế, nhiều người đánh giá rằng ngày nghỉ dài có ý nghĩa lớn trong kích cầu tiêu dùng. Song, điều này chưa chính xác với tâm lý mua sắm của người dân. Bởi theo thói quen, không chờ đến lúc nghỉ tết mà chính trong giai đoạn chuẩn bị nghỉ người ta đã hối hả mua sắm các vật dụng để tiêu dùng trong dịp tết. Ngày 28 tết năm nay mới bắt đầu nghỉ, tức ngày nghỉ trước tết ngắn, ngày nghỉ sau tết sẽ kéo dài hơn nên không có ý nghĩa lớn trong việc kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, nghỉ tết dài sẽ kích thích người dân chi phí ở hoạt động du lịch và các nhu cầu vui chơi. Vui chơi trong dịp tết, người ta chỉ mua sắm nhỏ lẻ, cho nhu cầu tức thì chứ không phải sắm cho cả dịp tết. Tuy vậy, do nghỉ dài nên người dân có thể mua nhiều đồ để dùng trong những ngày nghỉ hơn.

Thêm vào đó, trong ngày nghỉ, người ta chấp nhận mua hàng hóa, chi trả các dịch vụ với giá tiền cao hơn, người ta chấp nhận mua đắt hơn. Có sự chấp nhận mua đắt bởi quan niệm của chúng ta bao giờ cũng là “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Và những người bán hàng cũng có tâm lý ganh với người đi mua sắm, khi mọi người được nghỉ, họ vẫn phải đi làm. Hơn nữa, các hàng hóa cung ứng trong hệ thống dây chuyền dịp nghỉ tết không phải lúc nào cũng đầy đặn như một dòng chảy tuần tự trước tết, mà nó bị nghẽn lại. Chuỗi cung cấp bị ngắt quãng, nhát gừng nên giá cả tăng. Hình thành thói quen nâng giá vô tội vạ ngày tết… ấy là thói quen tiểu thương. Việc tăng giá này cũng làm xuất hiện một số người bất chấp kỳ nghỉ đó để sản xuất tăng thu nhập.

Đặc biệt, về mặt văn hóa xã hội thì kỳ nghỉ dài năm nay cũng có những tác động lớn. Về mặt tích cực thì khi tăng ngày nghỉ, người lao động cũng có nhiều thời gian đi lại về quê ăn tết, sẽ đỡ vất vả. Các nhà ga, bến xe cũng đỡ bị quá tải, nếu trước và sau dịp nghỉ tết ngắn ngày, người dân sẽ phải chen lấn đi lại, nhất là tình trạng dồn ứ về 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. Còn đường phố sẽ đỡ ùn tắc vì ngày nghỉ người ta tự do, tùy nghi về thời điểm ra khỏi nhà, không tạo ra các giờ cao điểm trong giao thông.

Đối với văn hóa, khi nền kinh tế lớn hơn nữa thì người ta có nhu cầu vui chơi, giải trí lớn hơn nữa, các lễ hội chỉ có mở thêm chứ không thể ít đi. Sức sống cộng đồng, nhu cầu văn hóa tự thân nó rất mạnh. Xét về các khu vực cộng đồng tương đối, không có cộng đồng nào chấp nhận đứng sau hay hòa tan trong cộng đồng khác trong dịp lễ tết cổ truyền dân tộc. Khu vực nào cũng muốn có lễ hội riêng, về mặt văn hóa, lễ hội là niềm tự hào của các cộng đồng ấy. Ở bình diện cải thiện đời sống văn hóa tinh thần về nguyên tắc thì tăng ngày nghỉ người ta có nhu cầu văn hóa cao hơn. Như vậy nó nâng cấp, phát triển hơn nữa các vật phẩm, các sản phẩm văn hóa, đó là điều kiện để đưa những đặc trưng của văn hóa truyền thống về với người dân cộng đồng.

Tuy nhiên, kỳ nghỉ dài cũng có những tác động tiêu cực với xã hội. Đó là vấn đề an toàn giao thông, bởi khi tăng ngày nghỉ vào dịp tết thì có khả năng tăng tai nạn, nhất là những tai nạn lớn gây thương vong là điều cần phải được các nhà chức năng lường trước. Người dân du lịch, đi chúc tết nhiều nên các phương tiện chạy trên đường nhiều hơn. Đó là chưa kể vào những ngày tết, mọi người thường gặp gỡ, sử dụng rượu bia nhiều, nên dễ vi phạm Luật giao thông, dễ xảy ra tai nạn…

Kỳ nghỉ tết dài ngày năm nay sẽ tạo nhiều cơ hội cho các công nhân viên được nghỉ ngơi, vui chơi thoải mái trong những ngày tết. Nó sẽ vô cùng bổ ích nếu chúng ta tận dụng những ngày nghỉ này thật hợp lý, bổ ích mà không sa đà theo quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” tạo ra những hệ lụy không tốt.

Theo lịch nghỉ bình thường thì cán bộ, công chức, viên chức sẽ nghỉ ngày 21/1/2012 (thứ Bảy) và nghỉ Tết từ ngày 22-25/1/2012 (từ 29 tháng Chạp năm Tân Mão đến mùng 3 tháng Giêng năm Nhâm Thìn) và nghỉ bù vào ngày 26/1/2012 (thứ Năm) do ngày Chủ nhật (22/1) trùng ngày 29 tết. Sau đó, người lao động sẽ bắt đầu đi làm từ ngày 27/1/2012 (thứ Sáu, ngày mùng 5 tháng Giêng), rồi lại nghỉ hàng tuần thứ Bảy, Chủ nhật.

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất với Thủ tướng phương án: cán bộ, công chức, viên chức đi làm ngày 4/2/2012 (thứ Bảy), để nghỉ ngày 27/1/2012. Theo phương án này thì cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ liền từ ngày 21/1 đến ngày 29/1/2012 (từ 28 tháng Chạp năm Tân Mão đến hết ngày mùng 7 tháng Giêng năm Nhâm Thìn).

Lê Trúc – T.An