Ngày 14/4, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường hầu tòa

09:48 | 23/03/2014

1,650 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 22/3, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch làm việc của Tòa trong tháng 4/2014. Theo lịch làm việc, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm Thẩm mỹ Cát Tường sẽ được đưa ra xét xử vào ngày 14/4.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường bị truy tố về tội “Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt” theo Khoản 2 Điều 246 và tội “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo Khoản 1 Điều 242 Bộ Luật hình sự. Bảo vệ Đào Quang Khánh bị truy tố về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo Khoản 2 Điều 246 và tội “Trộm cắp tài sản” theo Khoản 1 Điều 138 - Bộ Luật hình sự.

Chủ tọa phiên tòa sẽ là thẩm phán Lê Thị Hợp. Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Mạnh Tường là bà Chu Thị Trang Vân, bảo vệ Đào Quang Khánh có hai luật sư là ông Nguyễn Anh Thơm và Tạ Anh Tuấn. Phía gia đình bị hại Lê Thanh Huyền mời luật sư Vũ Gia Trường, Phạm Hương Giang bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội, Nguyễn Mạnh Tường là bác sĩ đang công tác tại Khoa ngoại, Bệnh viện Bạch Mai, mở Trung tâm Thẩm mỹ viện Cát Tường (ở số 45 đường Giải Phóng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tường làm giám đốc và cũng là người trực tiếp thực hiện các ca phẫu thuật thẩm mỹ. Ngoài ra, trung tâm thẩm mỹ còn có 24 nhân viên. Khi hoạt động, Thẩm mỹ viện Cát Tường chưa có giấy phép hoạt động của Sở Y tế Hà Nội mà chỉ có đăng ký kinh doanh do Phòng Tài chính - Kế hoạch quận Hai Bà Trưng cấp và giấy chứng nhận hành nghề cá nhân do Bộ Y tế cấp.

Sáng ngày 18/10/2013, chị Lê Thị Thanh Huyền đến Thẩm mỹ viện Cát Tường để thẩm mỹ hút mỡ bụng và nâng ngực với giá 50 triệu đồng. Được nhân viên trung tâm hẹn lịch là 11h ngày hôm sau đến thẩm mỹ nên hôm sau chị Huyền đi xe máy Lead hiệu Honda, mang biển kiểm soát 30K2-8747 đến Thẩm mỹ viện Cát Tường. Khi đi chị Huyền mang theo chiếc túi xách, bên trong có 2 điện thoại di động (trong đó có 01 điện thoại iPhone5), 500.000 đồng và một số đồ dùng các nhân.

Trước khi thẩm mỹ, chị Huyền được xét nghiệm HIV và các phản ứng thuốc gây mê. Tường hỏi chị Huyền có tiền sử bệnh gì không thì được biết là không. Thực hiện phẫu thuật, Tường sát trùng vùng bụng và ngực rồi tiêm thuốc gây tê (đã pha từ trước) vào hai bên hông, dùng dao mổ chích 2 bên thành bụng và tiêm 4 chai thuốc gây tê (đã pha từ trước) vào bụng để gây tê toàn bộ vùng bụng của bệnh nhân. Tường dùng xi lanh loại 50ml cắm vào thành bụng hút được 11 xi lanh mỡ. Để 5 đến 10 phút cho mỡ trong xi lanh lắng xuống, bơm bỏ nước gạn lấy mỡ, rồi bơm 11 xi lanh mỡ vào ngực. Đến khoảng 16h cùng ngày thì ca thẩm mỹ xong. Tường bảo các nhân viên đưa chị Huyền ra phòng ngoài để nằm nghỉ.

Khoảng 30 phút, nhân viên trung tâm phát hiện chị Huyền có biểu hiện co giật, nháy mắt, sùi bọt mép nên báo cho giám đốc. Tường liền tiêm một mũi thuốc an thần cho bệnh nhân. Tiêm xong, chị Huyền trở lại bình thường, nên Tường cùng với bạn là chị Phạm Thị Hường đi lễ chùa. Đến 17h45, nhân viên của trung tâm gọi điện thông báo cho Tường biết, chị Huyền có biểu hiện tím tái, mạch khó bắt, huyết áp không đo được. Tường chỉ định cho nhân viên tiêm hai ống thuốc trợ tim loại Adenalin 2ml và 02 ống thuốc dị ứng loại Dimedro 40mg, truyền dịch muối 9% và cho thở oxy.

Trung tâm Thẩm mỹ Cát Tường.

Không an tâm, Tường gọi điện cho đồng nghiệp ở Bệnh viện Bạch Mai là bác sĩ Nguyễn Quang Thành đến trung tâm cấp cứu chị Huyền. Khi Tường về thì thấy bệnh nhân này rơi vào tình trạng mặt tím, không có nhịp tim. Tường đặt nội khí quản cho nạn nhân, bóp bóng và xoa bóp ngoài lồng ngực, tiêm 2 liều thuốc trợ tim, nhưng không có kết quả. Xác định chị Huyền đã tử vong nên Tường chỉ đạo cho các nhân viên thu dọn, tháo dỡ toàn bộ đồ đạc của trung tâm mang đi cất giấu. Riêng chăn ga, quần áo bệnh nhân có chữ Bệnh viện Bạch Mai, gạc bụng… được cho vào túi nilon màu đen mang đến chân cầu Vĩnh Tuy vứt.

Sau khi chị Lê Thị Thanh Huyền tử vong, Đào Quang Khánh đã lợi dụng lúc chị Bùi Thị Hoa - nhân viên quản lý tài sản của chị Huyền đi ra ngoài, Khánh đã lấy trộm chiếc điện thoại iPhone5 trị giá 12.000.000 đồng để trong túi xách của nạn nhân.

Đến 23h30 cùng ngày, Tường cùng một số nhân viên đưa thi thể chị Huyền lên xe ô tô đưa đến Bệnh viện Bưu Điện. Khánh đi xe máy và cầm túi xách của chị Huyền theo xe ô tô. Khi đến cổng Bệnh viện Bưu Điện, Tường thấy có nhiều người, nên sợ không dám đi vào mà dừng lại ngoài đường. Thấy vậy, Khánh nói với Tường rằng: “Không đưa xác chị Huyền vào bệnh viện nữa mà ném xác xuống sông”. Nghe nhân viên bảo vệ nói có lý nên Tường đồng ý lái xe ô tô chở xác chị Huyền đi phi tang. Khánh đi xe máy của chị Huyền chở chị Nguyễn Thị Hằng (vợ Tường) theo sau. Ba người đi theo đường Trần Khát Chân - Kim Ngưu - Lạc Trung - Minh Khai - cầu Vĩnh Tuy. Khi đến đường Cổ Linh (huyện Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) Khánh vượt ngang xe ôtô ra hiệu cho bác sĩ Tường dừng xe. Thanh niên này bỏ xe máy và túi xách của chị Huyền ở vỉa hè rồi cùng Hằng lên xe ô tô của Tường.

Trên xe, Hằng can ngăn việc chồng và nhân viên của mình đang làm nhưng không có kết quả. Tường tiếp tục lái xe đi ra quốc lộ 5 lên cầu Thanh Trì qua vị trí có nước khoảng 150m, gần cột đèn số 44 thì dừng lại. Thấy không có xe và người qua lại, Tường và Khánh nâng xác chị Huyền qua thành cầu rồi thả xuống sông Hồng.

Đối với hành vi tham gia ném xác nạn nhân của vợ Nguyễn Mạnh Tường, Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội cho rằng, chị Nguyễn Thị Hằng ban đầu ngồi trên xe ô tô, biết việc Tường và Khánh mang xác chị Huyền đi để vứt xác xuống sông. Chị Hằng nhiều lần can ngăn Tường và Khánh không được vứt xác nạn nhân. Hành vi nêu trên của chị Hằng không phạm tội. Cơ quan điều tra không đề cập xử lý.

Gia đình nạn nhân tới thời điểm này vẫn chưa tìm thấy thi thể chị Huyền. Họ có nhiều điểm chưa đồng tình với cáo trạng và sẽ có  ý kiến đề nghị trong phiên tòa.

Điều 246. Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt

1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

Điều 242. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác

1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

Điều 138. Tội trộm cắp tài sản

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

T.Minh