Ngành giao thông vận tải “bội thu” nhiều “siêu dự án”

07:05 | 04/01/2015

890 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuối năm 2014, ngành giao thông vận tải đã hoàn thành đúng hẹn một loạt các dự án trọng điểm quốc gia: Nhà ga hành khách T2 Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài; Nhà khách VIP A; cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu; đường cao tốc Nhật Tân - Nội Bài. Trước đó, 2 “siêu dự án” khác là đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và đường vành đai trên cao cũng được đưa vào sử dụng. Các công trình này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội… Đây cũng là những cột mốc đánh dấu sự vươn dậy mạnh mẽ của ngành giao thông vận tải sau nhiều năm.

Năng lượng Mới số 387

Cây cầu hiện đại nhất Việt Nam

Dự án cầu Nhật Tân có chiều dài 8,3km, với tổng mức đầu tư 89,943 tỉ yen Nhật (tương đương 13.626 tỉ đồng). Cầu Nhật Tân dài 3,7km, trong đó có cầu chính vượt sông Hồng dài 1,5km. Đây là cầu dây văng liên tục nhiều nhịp với 5 trụ tháp tượng trưng cho 5 cửa ô của thủ đô chào đón bạn bè quốc tế. Phần đường dẫn dài 5,4km, trong đó có các nút giao Phú Thượng nằm trên địa bàn quận Tây Hồ, nút giao Tả Hồng và nút giao Vĩnh Ngọc nằm trên địa bàn huyện Đông Anh. Trên tuyến đường dẫn có cầu sông Thiếp và cầu vượt nút giao Vĩnh Ngọc.

Ngành giao thông vận tải “bội thu” nhiều “siêu dự án”

Cầu Nhật Tân - cây cầu hiện đại nhất Việt Nam

Cầu Nhật Tân là một trong số rất ít cầu dây văng liên tục, nhiều nhịp trên thế giới. Ngoài công nghệ thi công cầu dây văng nhiều nhịp, thì phần cầu chính còn áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến lần đầu được áp dụng tại Việt Nam. Điển hình như công nghệ hộp neo bằng thép trên trụ tháp, hệ thống quan trắc theo dõi với nhiều thiết bị hiện đại như đo lực căng cáp văng, đo ứng suất cốt thép, dầm thép…

Mới đây, trong quá trình đấu thầu có tiết kiệm được một khoản tiền và Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất Chính phủ cũng như bàn với phía Nhật Bản đồng ý sử dụng vốn này cho cầu vượt nhẹ Phú Thượng để kết nối với làn đường lên cầu Nhật Tân.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường còn cho biết, tại buổi làm việc giữa Nhật Bản và Việt Nam bàn về tên cầu, phía nước bạn mong muốn được đặt tên cầu là “Hữu nghị Việt - Nhật”. Trước nguyện vọng này, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 11 Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội khóa XIV diễn ra vào đầu tháng 12 vừa qua, đa số đại biểu cho rằng, đây là cầu có ý nghĩa lịch sử nên quyết định giữ nguyên tên cầu là Nhật Tân.

Tuy nhiên, để ghi lại mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, trên bảng ghi tên cầu, ngoài tên “Nhật Tân”, còn có thêm tên “Hữu nghị Việt - Nhật” bên dưới. Hiện, Bộ Giao thông Vận tải đã đúc bảng tên cầu bằng đồng và gắn ở hai đầu.

Về công tác phân luồng giao thông cầu Nhật Tân, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay, theo thiết kế cầu Nhật Tân phục vụ cả xe máy lẫn ôtô. Trên cầu có làn dành riêng cho xe máy (6 làn ôtô, 2 xe máy). Khi qua cầu, xe máy đi vào đường gom, không đi vào đường chính. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất với thành phố Hà Nội về việc các phương tiện xe buýt, xe khách, xe con sẽ được phép lưu thông, không cho xe tải đi trên cầu Nhật Tân mà đi đường Bắc Thăng Long - Nội Bài thuộc đường vành đai 3.

Giải đáp nỗi băn khoăn của người dân về độ an toàn cầu Nhật Tân, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định, cầu được thiết kế dây văng do Nhật Bản và Đức làm tư vấn thiết kế, thẩm định. Đối với cầu dây văng, công việc hết sức quan trọng là tính toán sức gió (thử rung lắc khi gặp gió lớn). Người và phương tiện đi trên cầu này sẽ đảm bảo an toàn cao vì đã có tính toán và nghiên cứu kỹ càng.

Nhà ga T2 Nội Bài - bộ mặt mới của hàng không Việt Nam

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết: “Dự án Nhà ga hành khách T2 thuộc Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài được khởi công ngày 4-12-2011 với mức đầu tư gần 1 tỉ USD từ nguồn vay ODA của Nhật Bản. Sau gần 3 năm xây dựng, công trình được đưa vào hoạt động đúng tiến độ”.

Ngành giao thông vận tải “bội thu” nhiều “siêu dự án”

Nhà ga hành khách T2 Nội Bài về đích đúng hẹn

Nhà ga T2 đi vào hoạt động sẽ khắc phục được tình trạng quá tải nghiêm trọng trong thời gian qua tại Nhà ga hành khách T1. Nhà ga có công suất phục vụ ngày cao điểm đáp ứng phục vụ 30.000 hành khách với 230 lượt cất hạ cánh. Giờ cao điểm đáp ứng phục vụ 3.000 hành khách với 23 lượt cất hạ cánh. Công suất đáp ứng 10 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2015-2020) và 15 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2020-2030).

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh: “Nhà ga hành khách T2 là công trình hiện đại nhất trong các nhà ga hàng không Việt Nam, sử dụng tất cả những thiết bị tiên tiến nhất, được kỹ sư tư vấn của Nhật Bản cũng như nhà thầu nước ngoài thi công, làm tới đâu thử nghiệm tới đó. Hiện, các hạng mục cơ bản đáp ứng thiết kế ban đầu. Bộ Giao thông Vận tải đã cho chạy thử 2 chuyến đi quốc tế và một chuyến từ quốc tế về Việt Nam tại Nhà ga hành khách T2.

Để tránh tình trạng thất lạc hành lý của khách, nhân viên nhà ga đã được đào tạo, thử thách trước 1 năm trước khi Nhà ga hành khách T2 đưa vào sử dụng.

Ông Đỗ Tất Bình - Phó tổng giám đốc kiêm Trưởng ban Quản lý Dự án Nhà ga hành khách T2 cho biết: Nhà ga mới được trang bị thiết bị xử lý hành lý hiện đại bậc nhất thế giới. Hành khách lên máy bay thì hành lý cũng ở trên máy bay. Đây là lần đầu tiên một nhà ga của Việt Nam áp dụng hình thức này và nhiều sân bay thế giới chưa có. Cụ thể, khi hành lý được xác nhận ở điểm đi thì thông tin gửi về điểm kiểm soát an ninh. Hành khách làm thủ tục xong thì tới máy quét, nếu hành lý chưa tới điểm kia và chưa có thông tin báo về thì máy sẽ từ chối xác nhận. Khi đó, một là hành khách phải chờ để có xác nhận hoặc khâu thủ tục đã bị lỗi và phải quay lại làm thủ tục.

Liên quan đến vấn đề thu hồi vốn cho các dự án trọng điểm này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói: “Cầu Nhật Tân và đường nối sân bay Nội Bài không đặt vấn đề thu hồi vốn do dự án được ngân sách Nhà nước đầu tư. Riêng Nhà ga hành khách T2, vốn đầu tư bằng nguồn vốn ODA do Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam vay và sẽ trả dần. Dịch vụ thu qua Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam sẽ để hoàn vốn cho dự án”.

Nói về giá cả dịch vụ các mặt hàng thiết yếu tại sân bay, ông Lê Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam thẳng thắn : “Dù có nhiều nỗ lực nhưng chất lượng phục vụ và giá cả tại sân bay Nội Bài vẫn còn nhiều vấn đề. Để chuẩn bị cho Nhà ga hành khách T2 vào khai thác, tổng công ty đang hướng tới việc cho các nhà cung cấp dịch vụ có thương hiệu, đẳng cấp vừa đảm bảo chất lượng lẫn an toàn vệ sinh thực phẩm…”.

Sau 3 năm xây dựng, sáng ngày 25-12-2014, Nhà ga hành khách T2 chính thức làm thủ tục cho những hành khách đi chuyến bay VN661 của Hãng hàng không Vietnam Airlines với lộ trình Hà Nội đi Singapore. Cùng ngày, cũng tại nhà ga lớn nhất Việt Nam này đã đón chuyến bay quốc tế đầu tiên mang ký hiệu VN660 có lộ trình Singapore về Hà Nội. Theo kế hoạch, từ ngày 26 đến 30-12, Vietnam Airlines sẽ đi vào khai thác các chuyến bay quốc tế từ Hà Nội đi Singapore; Cao Hùng, Đài Bắc (Đài Loan) và Kuala Lumpur (Malaysia) sang khai thác tại nhà ga mới T2. Đến ngày 31-12, hãng này sẽ triển khai tất cả các chuyến bay quốc tế đi và đến sân bay quốc tế Nội Bài tại nhà ga T2.

 

Quang Dương