Ngành Dệt may đón sóng đầu tư từ Hàn Quốc

19:00 | 06/07/2018

368 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một làn sóng đầu tư lớn từ Hàn Quốc dự kiến sẽ đổ vào ngành dệt may Việt Nam trong thời gian tới.

Bộ Công Thương đã nhanh chóng định hướng điểm nóng thu hút nguồn vốn, tạo cơ chế hỗ trợ hấp dẫn giúp ngành vững vàng đón nhận.

nganh det may don song dau tu tu han quoc
Đầu tư của Hàn Quốc sắp đổ mạnh vào ngành Dệt may

62% số doanh nghiệp Hàn Quốc muốn mở rộng sản xuất

Từ năm 2015 tới nay, xuất khẩu (XK) hàng dệt may của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng rất nhanh. Nguyên do, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam – Hàn Quốc được thực thi, dệt may là ngành được hưởng lợi khá nhiều khi có 24 dòng sản phẩm được hưởng ưu đãi về thuế thấp hơn so với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN. Vì vậy trong 3 năm qua, XK của nhiều mã hồ sơ tăng từ 3-4%/năm. Đến nay, hàng dệt may chiếm khoảng 17,8% trong tổng kim ngạch XK của Việt Nam sang Hàn Quốc.

Tuy nhiên, hàng dệt may của Việt Nam mới chiếm khoảng 30% thị phần tại Hàn Quốc. Như vậy, vẫn còn nhiều dư địa cho dệt may Việt Nam XK sang thị trường này.

Mặt khác, sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương được ký kết, doanh nghiệp Hàn Quốc đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội và tích cực chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam. Kết quả khảo sát của Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc cho thấy, số lượng doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư trong lĩnh vực dệt may tại Trung Quốc hiện nay đang có xu hướng chuyển dịch sang Việt Nam và sẽ diễn ra mạnh mẽ trong 2-3 năm tới.

“Không những vậy,62% số doanh nghiệp dệt may Hàn Quốc tại Việt Nam đang có mong muốn mở rộng quy mô từ sản xuất hàng may mặc cho đến nguyên phụ liệu như sợi, vải”, ông Lê An Hải- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- châu Phi (Bộ Công Thương) thông tin.

Như vậy trong tương lai gần, sẽ có một làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc đổ vào dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, làm thế nào để đón được làn sóng này là vấn đề các chuyên gia lo lắng,nhất là khi không ít địa phương đã từ chối các dự án sản xuất sợi, dệt nhuộm hoàn tất do lo ngại vấn đề môi trường. Cùng đó, cơ chế thu hút và khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực dệt may chưa có nhiều hấp dẫn.

Tạo cơ hội thuận lợi thu hút đầu tư

Ông Lê An Hải cho biết, để có thể đón được làn sóng đầu tư này, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp, Thương mại, Năng lượng Hàn Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có dệt may. Theo đó, 2 bên cùng hợp tác xây dựng chính sách nhằm có cơ chế khuyến khích cho doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào ngành hiệu quả nhất. Định hướng cụ thể từng cung đoạn đầu tư khá toàn diện, từ sản xuất nguyên liệu, thiết kế sản phẩm đến kết nối thị trường. Thiết kế cấu trúc hợp tác mới nhằm khai thác tốt thị trường 2 nước và thị trường liên quan trên cơ sở FTA Việt Nam và Hàn Quốc đã ký kết và thực thi.

Bộ Công Thương Việt Nam cũng khuyến nghị, doanh nghiệp Hàn Quốc nên ưu tiên đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là trong lĩnh vực dệt nhuộm hoàn tất và khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận đất đai, lao động, thủ tục liên quan trong lĩnh vực này. Qua đó, giúp dệt may Việt Nam chuyển dần từ sản xuất gia công sang các hình thức sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn, sử dụng nguyên liệu trong nước để tăng giá trị XK, giảm nhập siêu từ Hàn Quốc.

Ngoài ra, trong thời gian tới, Chính phủ 2 nước sẽ tiếp tục thực hiện chương trình đối thoại chính sách, kết nối hiệp hội ngành hàng để tăng cường đầu tư vào ngành dệt may. “Dự kiến một kế hoạch chung trong lĩnh vực dệt may sẽ được đưa ra bàn bạc giữa Chính phủ 2 nước trong tháng 9 tới”, ông Lê An Hải cho biết thêm.

Trong thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp, Thương mại, Năng lượng Hàn Quốc, sẽ có 15 lĩnh vực mũi nhọn được lựa chọn, trong đó có dệt may để xây dựng những cơ chế chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc và Việt Nam tận dụng tốt cơ hội thị trường, thúc đẩy sản xuất, XK.

Theo Enternews.vn

Kỳ vọng xuất khẩu đạt 35 tỷ USD có "vừa sức" với dệt may?
Ngành dệt may: Hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
Doanh nghiệp dệt may lao đao vì hàng giả, hàng nhái
Dệt may Việt Nam trên đà trở lại thời hoàng kim