Ngành dầu khí Nga có thể vượt qua khủng hoảng?

09:00 | 02/06/2020

893 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chuyên gia Marcel Salikhov, Chủ tịch Viện năng lượng và tài chính Nga đã đưa ra những nhận định về vai trò của ngành công nghiệp dầu mỏ đối với nền kinh tế Nga, trong bối cảnh khủng hoảng đại dịch Covid-19 toàn cầu và sự cần thiết phải xây dựng lại hệ thống chính sách hiện đại hóa nền kinh tế.
nganh dau khi nga co the vuot qua khung hoangNgân hàng Đầu tư Maybank duy trì đánh giá tích cực đối với ngành dầu khí Malaysia
nganh dau khi nga co the vuot qua khung hoangIran bác bỏ các cáo buộc viện trợ cho ngành dầu khí Venezuela

Nền kinh tế Nga vừa chỉ mới bắt đầu bước ra khỏi những hạn chế cách ly, song ai cũng hiểu rằng một trong những lĩnh vực kinh tế bị thiệt hại nặng nề nhất chính là dầu khí. Hơn nữa, các công ty năng lượng của Nga có thể phải trải qua thời gian khó khăn hơn so với nhiều đối thủ cạnh tranh quốc tế. Điều này đặt ra mối đe dọa đối với tham vọng chính sách đối ngoại của Nga, trong khi Chính phủ đang tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế trong nước. Nga cũng khó có thể đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong tam giác năng lượng Mỹ - Arab Saudi - Nga.

nganh dau khi nga co the vuot qua khung hoang

Lợi ích của toàn cầu hóa

Mô hình kinh tế LB Nga sau năm 2014 được xây dựng trên cơ sở chính sách thay thế nhập khẩu, tự chủ vào nguồn lực tài chính tự có và hạn chế gia tăng nợ công và nợ của các tập đoàn kinh tế nhà nước. Đồng thời, Chính phủ Nga đã cố gắng tạo ra một hệ thống kinh tế độc lập. Đó là phát triển Liên minh kinh tế Á - Âu dưới vai trò chi phối của Nga.

Nga cũng tăng dự trữ vàng trong kho dự trữ quốc tế của ngân hàng trung ương và nhiều chính sách khác. Tất cả điều này được cho là để bảo vệ nền kinh tế khỏi những cú sốc bên ngoài. Tuy nhiên, lĩnh vực nguyên liệu thô vẫn là động cơ bên trong của mô hình kinh tế này, được kích thích mạnh mẽ nhất để phát triển nhờ sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong giai đoạn từ 2014 đến nay.

Một mô hình kinh tế như vậy không thể đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, song đã cố gắng duy trì sự ổn định và tích lũy dự trữ cho ngân sách và cho các công ty nguyên liệu thô. Nền kinh tế Nga được hưởng lợi từ sự tăng trưởng toàn cầu nhưng không thể chuyển hóa chúng thành kết quả kinh tế quan trọng. Bất chấp mọi nỗ lực hiện đại hóa, sự phụ thuộc của nền kinh tế vào các lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên không giảm trong những năm gần đây.

Điều này dẫn đến thực tế là cả giới doanh nghiệp và nhà nước đều chưa chuẩn bị cho sự thay đổi mạnh mẽ của kinh tế thế giới do tác động của đại dịch Covid-19. Đại dịch đã tấn công ngành công nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực nguyên liệu thô của Nga - ngành công nghiệp dầu mỏ. Xét cho cùng, dầu trước hết đáp ứng nhu cầu đi lại cá nhân và thương mại giữa các quốc gia, châu lục. Thế giới càng gia tăng toàn cầu hóa và sự giàu có, càng cần nhiều dầu.

Trong một thời gian dài, nền kinh tế Nga với vai trò chủ đạo của ngành dầu mỏ đã nhận được những lợi ích to lớn từ quá trình toàn cầu hóa, mặc dù chính thức phản đối "sự thống trị của các giá trị phương Tây". Đại dịch Covid-19 có thể dẫn đến sự dịch chuyển toàn cầu khỏi quỹ đạo đi lên dài hạn để chuyển sang trạng thái cân bằng mới. Vấn đề không chỉ là sự sụp đổ về giá nhiên liệu mà là những thay đổi cơ bản trong nhu cầu.

Nếu người tiêu dùng thay đổi hành vi trong một thời gian dài (ngay cả khi dỡ bỏ các biện pháp kiểm dịch) và các công ty giảm sự phụ thuộc vào những nguồn cung bên ngoài ít tin cậy hơn, thì việc phục hồi thị trường sẽ mất một thời gian dài. Điều này có nghĩa là sẽ phải mất nhiều năm để khôi phục nhu cầu dầu trở lại mức trước khủng hoảng. Nhu cầu dầu toàn cầu có thể giảm 7-9% trong năm 2020. Đây sẽ là cú sốc tồi tệ nhất trong ít nhất 80 năm qua. Sau đó, tăng trưởng sẽ quay trở lại, nhưng không biết mất bao lâu để khép lại sự thất bại của năm 2020.

Hạn chế của OPEC++

nganh dau khi nga co the vuot qua khung hoang

Trong khuôn khổ thỏa thuận OPEC++, Nga đã cam kết cắt giảm mạnh sản xuất dầu từ 9-10% trong năm nay. Lần cuối cùng Nga ghi nhận cắt giảm sản xuất lớn như vậy là trong giai đoạn 1992 -1994. Sau đó, do cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nga và Đông Âu, nhu cầu dầu giảm mạnh và những hạn chế về hậu cần không hỗ trợ đáng kể nguồn cung cho các thị trường khác. Hiện tại, để khôi phục sản xuất về mức trước khủng hoảng sẽ mất 3-4 năm.

Hạn ngạch cắt giảm trong thỏa thuận OPEC++ sẽ duy trì cho đến cuối năm 2021 và các công ty dầu khí chắc chắn sẽ giảm đầu tư trong những năm tới. Các công ty dầu khí Nga đã tuyên bố giảm chi phí đầu tư ít nhất 20% trong năm nay. Nếu hạn chế sản xuất vẫn tiếp tục trong một năm rưỡi thì việc thực hiện các dự án đầu tư lớn sẽ không có ý nghĩa. Hạn ngạch cắt giảm được phân bổ giữa các nhà sản xuất tỷ lệ thuận với sản lượng khai thác hiện tại.

Nguyên tắc này có vẻ công bằng, nhưng lại có lợi cho những công ty dầu khí đang suy giảm sản lượng khai thác như "Lukoil" và "Surgutneftegaz". Sản lượng của hai công ty này tại các mỏ trưởng thành đã suy giảm hàng năm từ 5-8% và sẽ dễ dàng hơn để đạt được mức cắt giảm theo cách tự nhiên. Trong khi đó, các công ty đầu tư vào các dự án lớn mới và tăng cường sản xuất - chủ yếu là Rosneft và Gazprom Neft - sẽ phải trả giá ở một mức độ nhất định cho sự tăng trưởng của mình.

Ngoài ra, hai nhà khai thác khác là "Bashneft" và "Tatneft" đang gặp nhiều khó khăn bởi tỷ lệ sản xuất thấp nên sẽ phải đóng thêm nhiều giếng để đạt được mức giảm sản lượng 10%. Trong những năm gần đây, Tatneft đã đầu tư nhiều vào tăng sản lượng tại mỏ Romashkinskoe và để vận hành khai thác dầu có độ nhớt cao. Bây giờ thì hãng phải xem xét lại kế hoạch. Giá dầu tăng nhanh trong tháng 5/2020 cho thấy thỏa thuận OPEC++ giúp ổn định thị trường dầu toàn cầu. Tuy nhiên, do bản chất của thuế, không phải các công ty khai thác dầu khí mà chính ngân sách liên bang mới được hưởng lợi chính của việc tăng giá này.

Khí thiên nhiên tại thị trường nội địa

Phân ngành khí không bị ràng buộc bởi các hạn chế bên ngoài đối với sản xuất và không phụ thuộc nhiều vào nhu cầu toàn cầu trong lĩnh vực vận tải, nhưng cũng gặp những khó khăn nhất định do đại dịch. Giá khí tại châu Âu đã giảm 40-50% trong năm 2019 trước khi giá dầu giảm. Lý do chính là sự gia tăng nguồn cung, đặc biệt là tăng trưởng quá mức sản xuất LNG toàn cầu.

Các biện pháp kiểm dịch tại các nước châu u giáng một đòn mạnh vào nhu cầu tiêu thụ khí. Kết quả là giá khí bán buôn ở châu Âu trong tháng 5 đã giảm xuống còn 50-60 USD/1000 m3. Con số này thấp hơn 70% so với năm 2018. Hậu quả là giá khí xuất khẩu của Nga đang thấp hơn giá khí tại thị trường nội địa. Theo ước tính của Viện năng lượng và tài chính Nga, sản xuất khí đốt của Nga có thể giảm từ 7-8% trong năm 2020.

Trong 4 tháng đầu năm 2020, sản xuất khí đã sụt giảm tới 8%. Xuất khẩu khí đường ống cả năm có thể giảm từ 11-12% do nhu cầu giảm, mùa đông ấm áp, và lưu trữ khí ở mức cao. Sau năm 2020, sản xuất và giá khí có thể phục hồi song quá trình này có thể mất vài năm. Do doanh thu giảm mạnh, Gazprom sẽ phải tính toán lại các ưu tiên đầu tư của mình. Chương trình đầu tư cho năm 2020 ban đầu được lên kế hoạch thấp hơn 16% so với năm 2019, song có thể được xem xét giảm hơn nữa. Ưu tiên chiến lược của hãng rất có thể là hoàn thành toàn bộ dự án đường ống khí đốt "Dòng chảy phương Bắc -2" . Tuy nhiên, các dự án lớn mới sẽ phải trì hoãn.

Đánh giá

Cuộc khủng hoảng dầu mỏ có thể khiến Nga nghiêm túc sửa đổi cả chính sách đối nội và tham vọng địa chính trị của Nga trong những năm gần đây chủ yếu dựa trên sự thống trị năng lượng và tầm ảnh hưởng quốc gia với tư cách là một trong những nhà xuất khẩu năng lượng quan trọng của thế giới.

Nhưng nếu thế giới cần ít dầu hơn trong những năm tới thì vai trò của Nga cũng sẽ bị suy giảm một cách khách quan. Một ví dụ gần đây: do sợ các lệnh trừng phạt mới của Mỹ, Rosneft đã quyết định từ bỏ tài sản của mình ở Venezuela, vốn là phương hướng chủ chốt trong hoạt động của hãng ở nước ngoài. Nhà nước cũng sẽ phải chịu tổn thất rất lớn do giá dầu thấp.

Theo ước tính của Viện năng lượng và tài chính, với giá dầu Urals trung bình là 30 USD/thùng trong năm 2020, nguồn thu ngân sách sẽ sụt giảm 3.600 tỷ Rúp so với tăng trưởng 7.900 tỷ Rúp trong năm đối ngoại. Ở phạm vi toàn cầu, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã cho thấy các nền kinh tế toàn cầu dễ bị tổn thương như thế nào, nơi mà nền kinh tế phần lớn được định vị bởi một vài lĩnh vực như du lịch, nông nghiệp hay sản xuất dầu khí.

Với quy mô của Nga, nguồn nhân lực hiện tại đủ sức đảm bảo một cấu trúc kinh tế đa dạng bền vững hơn nhiều. Chính quyền Nga sẽ cần thực hiện các biện pháp thực tế hơn để hiện đại hóa nền kinh tế. Bội chi ngân sách nhà nước có thể lên tới 5-7% GDP. Các biện pháp chống khủng hoảng để hỗ trợ nền kinh tế sẽ đòi hỏi thêm kinh phí từ nguồn ngân sách.

Lúc đầu, Chính phủ Nga tự giới hạn các biện pháp hỗ trợ ở mức gián tiếp như gia hạn thuế, bảo lãnh nhà nước cho các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng. Sự hỗ trợ trực tiếp đáng kể cho người dân chỉ xuất hiện trong gói hỗ trợ thứ ba. Hơn nữa, khi quy mô thiệt hại kinh tế ngày càng rõ ràng. Chính phủ Nga sẽ phải gia tăng các khoản hỗ trợ nền kinh tế.

Điều này cho thấy trọng tâm trước mắt của chính quyền sẽ là tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế trong nước. Do đó sẽ có ít nguồn lực và cơ hội mở rộng chính sách đối ngoại. Nhiều ý kiến kỳ vọng rằng, trong điều kiện mới, Nga, Arab Saudi và Mỹ có thể cùng nhau tạo ra "bộ ba dầu khí" sản xuất dầu lớn nhất thế giới, trở thành một công cụ điều tiết lớn của thị trường dầu toàn cầu.

Tuy nhiên, không nên đánh giá cao khả năng tồn tại của định dạng này khi sự ngờ vực vẫn còn tồn tại giữa tất cả những người tham gia thị trường và họ có những lợi ích khách quan khác nhau. Arab Saudi sẵn sàng giảm giá bán dầu thô so với các đối thủ cạnh tranh để duy trì vị thế của mình trên các thị trường xuất khẩu chính. Mỹ đã không thực sự đưa ra bất kỳ cam kết chính thức nào về cắt giảm sản xuất bắt buộc theo thỏa thuận OPEC++ và thậm chí đang xem xét khả năng cung cấp hỗ trợ tài chính của chính phủ cho ngành công nghiệp dầu mỏ của mình. Do vậy mà Nga có rất ít không gian để vận động và phải đồng ý với vai trò của một đối tác nhỏ trong những điều kiện này.

PHẠM TT

Theo: Trung tâm Carnegie Mátxcơva

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc