Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị giao hạn mức tín dụng cho các ngân hàng
![]() |
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú |
Trả lời báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022 về vấn đề chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp của các ngân hàng hàng và vấn đề hạn mức tín dụng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay: Trước hết nói về lãi suất, chúng ta đang không phải là nguy cơ mà đang tích cực ngăn chặn lạm phát, chống lạm phát. Theo nguyên lí như các nước đã và đang triển khai thì rõ ràng việc chống lạm phát là tăng lãi suất để hạn chế đầu tư. Đấy là nguyên lý và giải pháp của các nước phát triển nhất trên thế giới. Chúng ta cũng đang thực hiện giải pháp đó.
Đưa dẫn chứng về việc này, đại diện ngân hàng nhà nước đã đề cập đến việc Fed thay đổi nâng lãi suất liên tục, sau 4 lần nâng thì đến nay mức lãi suất đã tăng lên đến 2,25-2,5% một năm, tổng mức tăng là 2,25 điểm phần trăm. Ngân hàng châu Âu, ngân hàng có tính chất chi phối nền kinh tế lớn, cũng tăng rất cao lên 0,5%, chấm dứt 11 năm vừa qua duy trì lãi suất âm. Nhiều quốc gia khác cũng đang tăng lãi suất.
Đối với Việt Nam, lạm phát cũng là câu chuyện rất được quan tâm và Chính phủ đang chỉ đạo rất nhiều biện pháp để ngăn chặn lạm phát. Trong vài tháng gần đây, đặc biệt là tháng 7, tháng 8 vừa qua, giá xăng cũng giảm nên chỉ số lạm phát có dương nhưng không nhiều. Chính vì thế chúng ta tiếp tục duy trì được mức lạm phát 2,88%. Những yếu tố về tiền tệ cùng một số nguyên nhân khác nữa cũng là những vấn đề cần được kiểm soát chặt chẽ. Chính vì thế, việc điều hành lãi suất của Ngân hàng Trung ương lúc này cũng là vấn đề cần được tính toán rất chặt chẽ.
“Từ năm 2021, kể cả năm 2022 này, đáng nhẽ các nước phải tăng lãi suất rất cao, nhưng ngân hàng Trung ương vẫn duy trì ổn định lãi suất điều hành, không thay đổi. Điều này nếu xét về mức tốc độ tương đối của đất nước thì rõ ràng Việt Nam đang giảm giá, giảm lãi suất so với các nước đang tăng nhanh”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tiếp cận với nguồn vốn hợp lí với giá rẻ hơn so với nguồn vốn đi vay ở nước ngoài, thì đây cũng là một trong những chính sách của Ngân hàng Nhà nước.
Thứ nữa, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, thời gian vừa qua, ngành Ngân hàng phải đáp ứng được nhiều nội dung, nhiều nhu cầu, nhiều bài toán đặt ra. Đó là vấn đề kiểm soát lạm phát nhưng vừa hỗ trợ việc tăng trưởng kinh tế cũng như đảm bảo khôi phục nhanh nền kinh tế, nhất là sau dịch. Hai vấn đề này đặt ra bài toán Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục điều hành lãi suất hết sức linh hoạt và đảm bảo được mục tiêu đó. Chính vì thế, đối với ngân hàng thương mại, thời gian qua cũng có biến động tăng nhẹ, kể cả lãi suất huy động cho vay, nhưng có thể nói ở mức rất nhẹ, huy động là 0,25%, cho vay là 0,24%. Có thể nói là thấp nhất trong tất cả các nước khu vực và châu Á.
Hiện nay lãi suất cho vay bình quân chỉ khoảng 7,9-9,3%, kể cả dư nợ cũ và mới, lãi suất huy động bình quân từ 6,3-6,8% đối với kì hạn trên 1 năm. Mức lãi suất cho vay này so với mấy năm gần đây có thể nói duy trì ở mức khá ổn định. Tuy nhiên, để kiểm soát lạm phát nhưng lại đảm bảo khôi phục nhanh nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thì thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chỉ đạo và lời kêu gọi của Thủ tướng.
“Chúng tôi cũng sẽ cùng Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tìm các biện pháp bằng nội lực của mình, nguồn lực của mình để hỗ trợ doanh nghiệp. Giống như 2 năm vừa qua chúng ta thực hiện chống dịch COVID-19 thì nguồn lực giảm lãi suất để hỗ trợ cho doanh nghiệp là 52 nghìn tỷ. Lần này chúng tôi tiếp tục kêu gọi, vận động các ngân hàng thương mại bằng việc cắt giảm chi phí trong hoạt động của mình, thứ hai là cắt giảm một phần lợi nhuận để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn trong thời gian tới”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
![]() |
Khách hàng giao dịch tại Agribank |
Về câu chuyện lợi nhuận cao, cả chục nghìn tỷ, nhìn chung thì chúng ta có thể đánh giá là cao nhưng xét về góc độ tỉ lệ lợi nhuận trên tỉ lệ vốn của các ngân hàng thì không cao so với nhiều ngành khác.
Về hạn mức tín dụng, một trong những yêu cầu cao nhất đặt ra là tránh việc lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền và ổn định kinh tế vĩ mô. Đây không chỉ là chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội mà còn là Nghị quyết của Trung ương bởi vì ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện quan trọng để tiếp tục ổn định kinh tế xã hội của đất nước, tiếp tục đổi mới phát triển. Chính vì thế, nhiệm vụ duy trì tỉ lệ lạm phát theo mục tiêu được đặt ra từ đầu năm là dưới 4% và chỉ tiêu tăng trưởng đặt ra là từ 6-6,5%. Ngân hàng Nhà nước cũng đặt ra mức tăng trưởng tín dụng khoảng 14% tùy điều kiện thực tế để linh hoạt trong điều hành. Để thực hiện việc này, ngay từ đầu năm, trong điều kiện nền kinh tế không có những biến động, đặc biệt là giá cả xăng dầu, một số hàng hóa ảnh hưởng đến giá cả chung trong nước như hiện nay thì 14% này có thể nói được tính toán tương đối đầy đủ. Từ đầu năm cũng đã giao chỉ tiêu hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng để triển khai. Đến hiện nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng 9,91% là rất cao so với cùng kỳ năm ngoái và có thể nói cơ bản đã sử dụng hết hạn mức giao đầu năm.
“Phần còn lại Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giao đầu mối cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong 1-2 ngày tới, với quan điểm tạo điều kiện cho các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng có chỉ số hoạt động tốt, lành mạnh, hệ số an toàn cao”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin.
Hải Anh
-
[E-Magazine] Giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong các quý tiếp theo?
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng