Cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine:

Nga tôn trọng quyết định của người dân Crimea

22:40 | 07/03/2014

1,026 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 7/3, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) Valentina Matviyenko khẳng định, sẽ không có chiến tranh giữa Moskva với Kiev.

Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin

Bởi theo bà Valentina Matviyenko, điều đó hết sức vô lý và không phản ánh đúng mục đích của Nga - Moskva sẽ không bao giờ để xảy ra chiến tranh giữa hai dân tộc anh em. Tuy nhiên, bà Valentina Matviyenko cũng nhấn mạnh, Quốc hội Crimea có quyền tổ chức trưng cầu dân ý về vị thế tương lai của khu tự trị này và Thượng viện Nga sẽ ủng hộ quyết định của Crimea nếu khu vực này quyết định sáp nhập vào Liên bang Nga. Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Sergei Naryshkin cũng tuyên bố, Quốc hội Nga sẽ tôn trọng "lựa chọn lịch sử" của Crimea khi người dân khu tự trị này đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Liên bang Nga hôm 16/3.

Cũng trong ngày 7/3, Chủ tịch Quốc hội kiêm Tổng thống tạm quyền Ukraine Alexandr Turchynov đã ký sắc lệnh bác bỏ quyết định tiến hành trưng cầu dân ý của Quốc hội Cộng hòa tự trị Crimea về việc sáp nhập vào Nga, dự kiến diễn ra vào ngày 16/3. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng tối cao Cộng hòa tự trị Crimea Vladimir Konstantinov cho biết (7/3), sẽ mời các nhà quan sát viên quốc tế, chủ yếu là từ Nga, tới giám sát cuộc trưng cầu ý dân dự kiến ​​tổ chức vào ngày 16/3.

Cùng ngày 7/3, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cảnh báo, nếu vòng trừng phạt đầu tiên gây sức ép với Nga liên quan đến các hành động can thiệp quân sự tại Ukraine không thành công, vòng trừng phạt thứ 2 sẽ được tiếp tục. Theo đó, sẽ nhằm vào các doanh nghiệp Nga cũng như những người có mối quan hệ gần gũi với Tổng thống Putin. Ông Laurent Fabius cho rằng, bất ổn tại Ukraine có thể là một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh Lạnh tới nay. Hãng Itar-Tass trích dẫn lời Thủ tướng Canada Stephen Harper cho biết (7/3), đã trục xuất 9 binh lính Nga đang đồn trú tại Canada theo khuôn khổ thỏa thuận trao đổi song phương giữa Bộ Quốc phòng hai nước. Ông Stephen Harper còn ra lệnh ngừng mọi mối quan hệ song phương giữa quân đội Nga và Canada, bao gồm cả cuộc tập trận “Đại bàng thận trọng”, cũng như các cuộc gặp gỡ giữa binh lính 2 nước. Trước đó (5/3), Thủ tướng Canada Harper tuyên bố, Ottawa sẽ tạm ngừng việc tham gia vào Ủy ban Kinh tế liên Chính phủ Nga-Canada vốn tập trung vào việc phát triển kinh tế giữa hai nước vì “Moskva đã vi phạm chủ tuyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.

Ngày 7/3, hãng Itar-tass cho biết, thủ lĩnh nhóm dân tộc cực đoan “Khu vực cánh hữu” (Pravyi Sektor) ở Ukraine, ông Dmitry Jaros đã đề nghị chính quyền Kiev cung cấp vũ khí cho các đơn vị của nhóm này. Và nếu chính phủ không chấp thuận, ông Dmitry Jaros sẽ định đoạt số phận Ukraine “theo cách quyết đoán hơn”. Trước đó (5/3), Quốc hội Ukraine đã đề xuất trao cho "Khu vực cánh hữu" qui chế là lực lượng bán quân sự thường trực (của ông Dmitry Jaros). Và vì từ chối ủng hộ đề xuất này, Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseni Yatsenyuk đã cách chức 3 thứ trưởng quốc phòng. Những động thái kể trên của Kiev đã đi ngược lại quyết định trước đó của Moskva. Ngày 7/3, Ủy ban Điều tra Liên bang Nga đã đề nghị Tòa án quận Basmanny của Moskva bắt vắng mặt thủ lĩnh "Khu vực cánh hữu" Dmitry Jaros vì ông này kêu gọi ủng hộ các chiến binh của trùm khủng bố Doku Umarov, đồng thời thúc giục họ đẩy mạnh các hành động chống Nga. Trong khi đó, ông Dmitry Jaros vừa được cánh chính trị này tiến cử là ứng cử viên tham gia tranh cử tổng thống Ukraine trong cuộc bầu cử ngày 25/5.

Về phần mình, Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatseniuk tuyên bố, Kiev sẵn sàng đàm phán với Moskva, nhưng Nga phải rút quân trước, tuân thủ các thỏa thuận quốc tế cũng như ngừng hậu thuẫn "các phần tử ly khai và khủng bố". Về cuộc trưng cầu ý dân của Crimea sắp tới, ông Arseniy Yatseniuk cảnh báo, kết quả này sẽ không được công nhận bởi "phần còn lại của thế giới". Trước đó, khi trả lời câu hỏi của phóng viên về khả năng Ukraine gia nhập NATO, Thủ tướng tạm quyền Arseniy Yatsenyuk cho biết, Kiev không xem xét vấn đề này. Tuyên bố này được ông Arseniy Yatsenyuk đưa ra sau cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Anders Rasmussen. Tuy nhiên, ông Arseniy Yatsenyuk lại đề nghị NATO tổ chức cuộc họp cấp đại sứ tại Kiev vì đây là cách tốt nhất để nước này nhận sự trợ giúp kỹ thuật để cải thiện khả năng quân sự của Ukraine.

Ngày 7/3, hãng tin Reuters cho biết, 30.000 lính Nga đã vào Crimea. Đây là con số do người đứng đầu lực lượng biên phòng Ukraine, ông Serhiy Astakhov đưa ra. Cũng trong ngày 7/3, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, quyết định hạn chế hợp tác của NATO với Moskva đã cho thấy "cách tiếp cận thiên vị và định kiến" về Ukraine. Theo Itar-Tass, Bộ Ngoại giao Nga đã lấy làm ngạc nhiên, thậm chí bị sốc sau khi nhiều thông tin bị bóp méo sự thật của giới truyền thông Ukraine về những phát biểu của Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc xung quanh các cuộc tiếp xúc giữa giới chức chính phủ Nga và đại diện chính quyền đương nhiệm Ukraine. Còn theo kết luận của các nhà điều tra, lời đe dọa khủng bố nhằm vào chuyến bay từ Brussels (Bỉ) tới Vienna (Áo) chở Thủ tướng tạm quyền Arseniy Yatsenyuk chỉ là tin đồn.

 

 

Tân Hồng-Tiên Du