Vụ kiện Chủ tịch Bình Dương: “Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”

07:00 | 31/10/2013

10,972 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vụ việc ông Huỳnh Uy Dũng, giám đốc công ty Đại Nam tố cáo ông Lê Thanh Cung, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương những ngày qua đã làm nóng dư luận. Dù vụ việc đang được Thủ tướng chính phủ xem xét giải quyết theo đúng lộ trình, tuy nhiên giữa người tố cáo và người bị tố cáo vẫn tranh cãi gay gắt, ai cũng có lập luận riêng.

Nhìn lại diễn tiến sự việc, ông Huỳnh Uy Dũng sau khi có đơn gửi đến Thủ tướng chính phủ tố cáo ông Lê Thanh Cung, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương về việc không  phê duyệt quy hoạch 1/500 dự án Khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần 3 gây thiệt hại cho doanh nghiệp của ông Dũng hàng nghìn tỉ đồng trong 7 năm. Sau khi vụ việc được công khai trên báo chí, dưới áp lực của dư luận, văn phòng  UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức họp báo và làm rõ những vấn đề mà dư luận quan tâm. Cũng trong buổi họp này, UBND tỉnh Bình Dương nêu ra những nguyên nhân khiến dự án của ông Dũng không được chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phê chuẩn.

https://cdn-petrotimes.mastercms.vn/stores/news_dataimages/dothuytrang/102013/30/18/IMG_1777.jpg

Ông Huỳnh Uy Dũng

Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương cho rằng trong quá trình thực hiện dự án KCN Sóng Thần 3 là vì nó không thuộc thẩm quyền phê duyệt của lãnh đạo tỉnh. Bởi đề án quy hoạch của công ty ông Dũng đã làm phá vỡ quy hoạch chung của dự án. Vì phá vỡ quy hoạch chung nên UBND tỉnh cũng không đề bạt quy hoạch này lên cấp Trung ương xem xét phê duyệt.

Lý luận về lý do này, ông Dũng lại cho rằng, khi doanh nghiệp đầu tư vào dự án thì họ sẽ mua để xây nhà ở cho công nhân, cán bộ công nhân viên cũng có thể xây nhà trọ làm sao đảm bảo được kiến trúc, đúng được mục đích phục vụ cho công nhân ở đó. “Dự kiến khu đất đó có khoảng 30-50 ngàn người lao động làm việc do vậy phải có chỗ ở kèm theo. Tôi đâu có làm nhà cho giới nhà giàu đâu, nhà giàu qua thành phố mới ở, còn tôi đi vào đối tượng người nghèo, người lao động thu nhập thấp. Sau khi có bản chi tiết 1/500, tôi đi tìm những người dân bị thiệt hại, bị đền bù ở đó. Tôi không biết họ, bởi tôi mua của tỉnh mà. Tôi giải quyết cho họ có khi một hai lô đất, có khi một nhà trọ. Họ dùng tiền trích ra xây nhà để phục vụ cho công nhân, để có nguồn thu nhập” - ông Dũng biện minh cho hành động của mình.

Phản bác về lập luận này, ông Lê Thanh Cung lại đưa quy định của pháp luật ra để “đe” ông Dũng. Theo ông Cung thì bất kể một doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân hoạt động kinh doanh thì cũng phải  tuân thủ theo quy định của pháp luật. “Trong khu công nghiệp tập trung, theo Luật thì không được cho phép hình thành khu dân cư. Dưới Luật có hai Nghị định khẳng định việc này, đó là Nghị định 36 và Nghị định 29, do đó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương từ chối không cho thành lập khu dân cư trong khu công nghiệp Sóng Thần 3 là đúng pháp luật” - ông Cung dẫn chứng quy định cụ thể của luật để chứng minh việc làm của mình là đúng đắn.

Nhìn vào những tranh cãi này, dễ dàng thấy được việc tố cáo của ông Dũng là xuất phát từ vấn đề có thật của công ty Đại Nam và nhiều doanh nghiệp khác hiện nay. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao ông Dũng không thực hiện việc làm này từ cách đây mấy năm mà lại chờ đợi đến tận bây giờ sau 7 năm dự án nằm chờ mới dám lên tiếng. Mặt khác, việc ông Dũng chỉ tố cáo riêng chủ tịch tỉnh Bình Dương không đơn thuần là riêng cá nhân ông Cung mà đây cũng là sự việc gây ảnh hưởng cho hệ thống quản lý nhà nước ở tỉnh Bình Dương.

https://cdn-petrotimes.mastercms.vn/stores/news_dataimages/dothuytrang/102013/30/18/IMG_1888.jpg

Ông Lê Thanh Cung

Xét ở góc độ ông Lê Thanh Cung, những lý lẽ của ông Cung đưa ra hoàn toàn hợp lý. Với tư cách là Chủ tịch tỉnh, chịu trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước trước Chính phủ, ông Cung không thể đưa ra phán quyết mà không xem xét được những hậu quả có thể sẽ xảy ra. Khi đó lại là việc phê duyệt quy hoạch một dự án KCN lớn, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của tỉnh. Bởi trong tình cảnh kinh tế khó khăn, có không ít KCN trong cả nước xây dựng rồi bỏ hoang hoặc không đạt hiệu quả kinh tế cao, lãng phí đất đai và tài nguyên.

Đặc biệt hơn là ở KCN Sóng Thần 3, UBND tỉnh Bình Dương đã họp và phát hiện sai phạm của chủ đầu tư (công ty của ông Dũng). Cụ thể là vào thời điểm tháng 6/2006 Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 đối với KCN Sóng Thần 3. Theo quy hoạch này, thì 61,5 ha đất ở trong KCN này là đất dành để xây các tầng nhà lưu trú cho công nhân, chuyên gia, nhân viên của KCN. Tuy nhiên, ông Dũng đã tự ý phân lô bán nền khu đất trên nhưng mượn danh nghĩa là huy động vốn. Tính đến tháng 10/2009 đã bán được hơn 400 tỉ đồng. Thời điểm phân lô bán nền diễn ra vào năm 2007 đến 2008 lúc mà nhà đất ở Bình Dương đang thời kỳ sốt nóng.

Đến thời điểm này, bài toán vẫn chưa có lời giải, vì phải chờ kết luận của Thủ tướng chính phủ theo đúng quy định. Tuy nhiên, dù có kết luận như thế nào thì sự việc cũng phải được giải quyết đúng theo quy định của pháp luật và hợp tình hợp lý.

Những ngày qua, đôi bên đều dành cho nhau những lời lẽ gai góc, theo kiểu "hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại", dường như đôi bên đều không giữ được sự tỉnh táo của mình...

Thùy Trang