Mỹ - Nhật sẽ phong tỏa Biển Đông để "trị" hải quân Trung Quốc? (Kỳ 1)

09:37 | 06/06/2014

48,921 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau vụ Trung Quốc ngang ngược kéo giàn khoan 981 vi phạm chủ quyền Việt Nam, các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản cũng đã nhận ra được ý đồ của nước này. Liên minh Mỹ, Nhật đang đau đầu với câu hỏi: Làm thế nào để kiềm chế sức mạnh quân sự, trong đó có sức mạnh hải quân của Trung Quốc?

Khi vừa nhậm chức, trong chuyến thăm hạm đội Tam Á, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thị sát các tàu chiến mới nhất của hải quân Trung Quốc là các tàu khu trục lớp 052C, các tàu frigate lớp Tpye 054А, các tàu tên lửa lớp 022 và tàu sân bay trực thăng-đổ bộ lớp Type 071.

Hải quân Mỹ và lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản thường xuyên luyện tập hiệp đồng tác chiến.


Ông Tập cũng thăm tàu ngầm nguyên tử tên lửa Trường chinh 9 lớp Type 094. Tại đài chỉ huy của tàu ngầm này, Tập Cận Bình đã cho phép các phóng viên truyền hình ghi hình ông bên cạnh ống kính tiềm vọng.

Chuyến thăm này đã đổ dầu vào lửa những cuộc thảo luận ở các nước phương Tây, Viễn Đông và Đông Nam Á về sự bành trướng gia tăng trên biển của Trung Quốc. Nhưng nếu như trong giới chức chính phủ và quân sự cao cấp, người ta nói về chuyện này thường là khá kiềm chế thì trong cộng đồng khoa học và giới phân tích thì không có hạn chế nào. Làm thế nào để kiềm chế sức mạnh quân sự, trong đó có sức mạnh hải quân của Trung Quốc - Đó chính là chủ đề thảo luận chính.

Về vấn đề này, những ý kiến thường gặp khá cực đoan. Ví dụ, tạp chí uy tín của Anh-Mỹ The Journal of Strategic Studies đã đăng tải bài báo của Sean Mirski với tiêu đề không úp mở “Bóp nghẹt: Bối cảnh, ứng xử và hậu quả của một phong tỏa hải quân Mỹ đối với Trung Quốc” (Stranglehold: The Context, Conduct and Consequences of an American Naval Blockade of China) đã gây tiếng vang xã hội lớn.

Tác giả coi phong tỏa hải quân đối với Trung Quốc là phương án tối ưu gây áp lực lên Bắc Kinh nhằm phá hủy tiềm lực kinh tế của họ, sẽ buộc Trung Quốc thừa nhận thất bại trong chiến tranh. Và bây giờ, khi mà cả thế giới đang căng thẳng theo dõi những dao động tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở nước này và hy vọng Trung Quốc sẽ lại trở thành đầu tàu giúp thoát khỏi cuộc khủng hoảng thế giới. Tuy nhiên, những tính toán kinh tế không phải luôn luôn trùng với các tính toán địa-chiến lược, trong mọi trường hợp là về thời gian.
 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên tàu ngầm nguyên tử Trường Chinh 9.

Nếu nền kinh tế Trung Quốc trên thực tế sẽ bắt đầu dậm chân tại chỗ hay tồi tệ hơn là suy thoái thì quả thực khả năng Bắc Kinh động đến gươm đao nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội và nội chính là có thể xảy ra. Mà khả năng đó thì mỗi năm một nhiều hơn.

Chính trường hợp đó được Sean Mirski xem xét. Ông ta cho rằng, việc phong tỏa là có thể khi giữa Mỹ và đồng minh với Trung Quốc bắt đầu nổ ra chiến sự “quy mô lớn”.

Sean Mirski, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Chicago vào năm 2011 và học vị cử nhân kinh tế và khoa học chính trị, cũng như học vị thạc sĩ quan hệ quốc tế, nay đang tiếp tục học tại Đại học Tổng hợp Harvard và có lẽ cũng quen thuộc với học thuyết của Robert McNamara. Ông ta đã hiện đại hóa và điều chỉnh đôi chút để hướng vào chống Trung Quốc.

Thuyết phong tỏa đường biển đối với Trung Quốc của Sean Mirski dựa vào cái gì và những bước đi cụ thể nào, theo ông ta, cần làm để thực hiện nó? Nhà khoa học trẻ người Mỹ này có lý khi chú ý vào sự phụ thuộc của kinh tế Trung Quốc vào vận chuyển đường biển. 90% ngoại thương của Trung Quốc đang được thực hiện bằng đường thủy. Trung Quốc buộc phải nhập khẩu gần 60% dầu mỏ tiêu thu, một phần đáng kể trong số đó được vận chuyển bằng tàu chở dầu.

Tại 10 cảng lớn nhất Trung Quốc tập trung hơn 80% tổng lưu lượng container. Chính vì thể mà Sean Mirski cho rằng, việc phong tỏa dài và dù cho là không phải 100% cũng sẽ có những hậu quả chết người đối với kinh tế Trung Quốc.

Về nguyên tắc thì có thể thực hiện được việc phong tỏa đường biển như thế. Mirski quan niệm nó gồm 2 vành đai. Vành đai ngoài là phong tỏa từ xa, nằm sau chuỗi đảo quốc bao quanh Trung Quốc từ hướng đông và chạy dài từ Hokkaido ở phía bắc đến Singapore ở phía nam. Các quốc gia này hoặc là đồng minh của Washington, hoặc là nghiêng về phía Mỹ. Bởi vậy, trong một cuộc xung đột Trung-Mỹ, họ sẽ đứng về phía Mỹ.

Trong vành đai ngoài sẽ tiến hành chặn dừng, khám xét và bắt giữ tất cả các tàu hàng chạy đến các cảng Trung Quốc hoặc chạy ra từ đó. Nhiệm vụ này sẽ do các tàu chiến nổi của Hải quân Mỹ và đồng minh tiến hành bằng cách triển khai các binh đoàn tàu của mình tại các khu vực nằm ngoài tầm với của máy bay và các hệ thống tên lửa bờ biển Trung Quốc.
 

Tàu ngầm nguyên tử tên lửa lớp Tấn Type 094 hiếm khi rời bến cảng Tam Á dù chỉ trong thời gian ngắn

Vành đai trong là vành đai “sát thương” theo cách gọi của Mirski, liên quan đến các vùng biển tiếp giáp trực tiếp bờ biển Trung Quốc. Ở đó, luật “đánh chìm tất cả chúng đi!” sẽ có hiệu lực. Chức năng này được giao cho các tàu ngầm Mỹ và Nhật mà số lượng ở khu vực này hiện giờ có thể được tăng lên đến 71 chiếc, cũng như máy bay triển khai trên bờ và hoạt động rải thủy lôi tích cực.

Quả thực là liên quan đến thủy lôi, Sean Mirski có nhấn mạnh “sự teo biến” thực tế về khả năng của Hải quân Mỹ trong việc thực hiện các hoạt động rải thủy lôi tiến công mà cụ thể là tính đến đầu tài khóa 2013, vẫn không có các loại thủy lôi có thể sử dụng từ tàu ngầm.

Không thể không thấy là sự xuất hiện của tàu ngầm nước ngoài gần bờ biển Trung Quốc đang làm Bắc Kinh lo ngại. Trả lời phóng vấn đài truyền hình trung ương Trung Quốc, chuẩn đô đốc hải quân Trung Quốc Yin Zhuo đã nói rằng, sự cần thiết củng cố lực lượng chống ngầm ở Biển Đông do sự gia tăng hoạt động của tàu ngầm nước ngoài đã chín muồi.

Tất cả là như thế. Nhưng mặt khác, hải quân Trung Quốc hôm nay hiển nhiên đang là người dẫn đầu thế giới về tăng cường sức mạnh chiến đấu. Họ đang ồ ạt đóng và đưa vào biên chế các tàu tên lửa, frigate, corvette, tàu ngầm thông thường và tàu đổ bộ.

Các chuyên gia Trung Quốc rõ ràng đã hoàn thiện được các tàu khu trục lớp Type 052С với các hệ thống chỉ huy chiến đấu tương tự hệ thống Aegis của Mỹ và sắp tới, dường như họ sẽ triển khai đóng hàng loạt các tàu khu trục cải tiến lớp Type 052D.

Trong biên chế hải quân Trung Quốc cũng đã xuất hiện cả tàu sân bay là tàu Liaoning được cải tạo từ tàu sân bay Varyag đóng dở của Liên Xô.

 

Tàu mặt nước của hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật.



Sự kiện này thu hút nhiều sự chú ý cả ở Trung Quốc và bên ngoài nước này vì nó dường như cho thấy sự nhảy vọt về chất trong sự phát triển của hạm đội Trung Quốc và sự mở rộng khả năng giành ưu thế trên đại dương thế giới của nó.

Sự phấn khích này rõ ràng không đúng với thực tế. Một là, Liaoning sẽ không thể gia nhập lực lượng sẵn sàng chiến đấu trước năm 2017, nghĩa là còn khá lâu nữa. Hai là, phi đội máy bay trên tàu sẽ chỉ gồm 22 tiêm kích bom J-15, biến thể làm nhái tiêm kích Su-33 của Nga, tức là quá ít so với các máy bay tương tự triển khai trên các tàu sân bay Mỹ.

Ba là, kể cả các tàu sân bay lớn hơn dự kiến đóng cho hải quân Trung Quốc trong tương lai cũng sẽ khó, nếu như là không thể, xông ra được không gian hoạt động đại dương vì như đã nói, Trung Quốc bị bao vây bởi một chuỗi “các tàu sân bay không thể đánh chìm” - đó là các quốc đảo đồng minh hoặc thân thiện với Mỹ, mà ở một số nước trong số đó hiện đã có các căn cứ không quân Mỹ.

Có cảm tưởng Mỹ và các đồng minh gần gũi cố tình làm ồn ào về chuyện tàu sân bay Trung Quốc là để kích động Bắc Kinh. Để họ tiếp tục bỏ những nguồn lực tài lực và vật lực khổng lồ vào việc đóng các con tàu dễ dàng bị phát hiện và tiêu diệt.

(Còn tiếp)

 

 

Theo Vietnamdefence

(Ảnh và tiêu đề do PetroTimes đặt lại)