Tấn công Syria:

Chia rẽ và phản đối

11:00 | 04/09/2013

816 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Khả năng tấn công Syria đang gây chia rẽ và phản đối ở khắp nơi, từ Mỹ cho tới các đồng minh châu Âu, giờ lan sang cả các nước láng giềng Syria.

 

Tổng Thống Obama và ban tham mưu an ninh quốc gia họp với giới lãnh đạo Quốc hội tại tòa Nhà Trắng sáng 3/9 về vấn đề Syria

Mỹ chia rẽ

Bất chấp việc nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Hạ viện, khả năng tấn công Syria của chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục gây chia rẽ trong các nhà lập pháp. Hôm qua, Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner - một nghị sĩ đảng Cộng hòa, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện Eric Cantor và lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ Viện Nancy Pelosi đã cùng tuyên bố ủng hộ lời kêu gọi tấn công quân sự nhằm vào Syria của Tổng thống Barack Obama.

Trước đó một ngày, hai thượng nghị sĩ thuộc phe diều hâu John Mc Cain và Lindsey Graham cũng lên tiếng ủng hộ giải pháp quân sự của chính quyền Obama vào Syria nhưng với điều kiện: phải có một kế hoạch cụ thể về chính trị và phải buộc TT Bachar al Assad ra đi.

Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ khác thì còn nhiều thắc mắc. Nữ dân biểu Janice Hahn của đảng Dân chủ nói: "Phải chăng việc vũ khí hóa học được sử dụng tại Syria là một lý do để tuyên chiến? Mục tiêu tham chiến là gì? Chúng ta thực sự giao quyền gì cho tổng thống của chúng ta?”

Bà Hahn nói Mỹ không nên hành động một mình: “Cộng đồng quốc tế ở đâu, nếu như đây là một tội ác tầy đình như thế, nếu đây là điều thực là kinh tởm đối với tất cả mọi người?”

Dân biểu Scott Rigell của đảng Cộng hòa ca ngợi quyết định của tổng thống là mưu tìm sự chấp thuận của quốc hội, nhưng cho biết ngay lúc này, lá phiếu của ông là một lá phiếu chống. Dân biểu Rigell nói ông không tán thành bởi vì chưa rõ được mọi việc sẽ đi đến đâu, định nghĩa cụ thể của sứ mạng là gì vẫn còn là điều chưa rõ ràng đối với ông.

Trước tình hình này, phát biểu trước báo giới ngày hôm qua, Tổng thống Obama nói rằng ông tin là Quốc hội sẽ chấp thuận cho sử dụng vũ lực ở Syria.

Một người dân xông vào một cuộc điều trần của Thượng viện Mỹ  về Syria để phản đối chiến tranh ở quốc gia Trung Đông này

Anh bỏ cuộc, Pháp chia rẽ

Thủ tướng Anh David Cameron hồi cuối tháng 8 vừa qua tuyên bố sẽ cùng Mỹ tham gia đánh Syria, nhưng mong muốn của ông đã bị quốc hội nước này bác bỏ. Báo chí Anh hiện đang chia rẽ sâu sắc về quyết định của ngành lập pháp nước này.

Về phía Pháp, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Obama đẩy quả bóng trách nhiệm sang cho nghị viện, thì các chính khách Pháp đang chia rẽ về biện pháp can thiệp quân sự vào Syria.

Hầu hết các tờ của Pháp ngày hôm qua đều có bài phản ánh sự chia rẽ của chính khách Pháp về hồ sơ Syria. Các tờ báo đều nhắc lại việc Tổng thống Mỹ Obama đã tạm dừng việc tấn công Syria để chờ quyết định của nghị viện, thủ tướng Anh thì đã không thể tham gia cuộc chơi vì quốc hội nước này đã bỏ phiếu từ chối. Trong bối cảnh đó, Pháp bị rơi vào cảnh đơn thương độc mã, nhà cầm quyền Pháp không khỏi phần lúng túng.

Hôm qua, Thủ tướng Pháp, ông Jean-Marc Ayrault đã tiếp các nghị sĩ Pháp để trình cho họ xem những bằng chứng mà mật vụ Pháp thu thập được về việc chính phủ Assad đã sử dụng chất hóa học sarin thảm sát dân thường. Thế nhưng, các tờ báo ghi nhận, không khí hiện tại của Pháp là: giới chính khách không có tiếng nói chung về hồ sơ này, có nghị sĩ còn yêu cầu mang vấn đề ra bỏ phiếu trước quốc hội, có người tỏ ra nghi ngờ tính hiệu quả của việc tấn công quân sự vào Syria khi chưa có lệnh Liên Hiệp Quốc.

Biểu tình phản đối Mỹ can thiệp quân sự vào Syria trước Nhà Trắng

Các nước láng giềng của Syria cũng chia rẽ

Không chỉ có phương Tây đang tỏ ra ngập ngừng, mà các nước lân cận Syria cũng tỏ ra lưỡng lự. Đó là nhận định của bài viết đăng trên nhật báo Le Monde.

Bài viết đề cập trước tiên đến Liên đoàn Arập. Liên đoàn này đã lên tiếng kêu gọi quốc tế có hành động “răn đe” đối với chính quyền Damas, nhưng lại không dám thẳng thừng kêu gọi sự can thiệp quân sự của phương Tây.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan, thì đã không ngần ngại kêu gọi phương Tây can thiệp quân sự một cách mạnh mẽ để lật đổ TT Assad. Tuy vậy, các đảng đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối Erdogan và phản đối việc can thiệp quân sự vào Syria.

Đối với Israel, dù muốn lật đổ chính quyền Assad, nhưng đến giờ này vẫn giữ thái độ dè dặt không để bị lôi vào cuộc xung đột tại Syria. Đối với Jordani, CIA của Mỹ đang huấn luyện ở đây các lực lượng Hồi giáo Sunni để chiến đấu chống chính quyền Assad. Nước này cũng đang hứng chịu dòng người tản cư ồ ạt từ Syria. Tuy nhiên, đến hiện tại, Jordani vẫn chưa công khai lập trường chính thức. Một nước láng giềng khác của Syria là Liban thì cũng đã lên tiếng phản đối các biện pháp “leo thang bạo lực”.

Về phần mình, Algeri phản đối sự can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Syria. Iran thì luôn đứng bên cạnh ủng hộ TT Assad. Chính phủ lâm thời Ai Cập thì tuyên bố phản đối can thiệp quân sự vào Syria, dù rằng không cấm tàu chiến Mỹ tiến vào khu vực kênh đào Suez.

Người dân Anh biểu tình phản đối cuộc chiến tại Syria ngày 28/8

Nga và Trung Quốc phản đối can thiệp quân sự vào Syria

Bàn về hai nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là Nga và Trung Quốc, nhật báo L’Humanité có bài: “Các chính phủ hoạt động sôi nổi”.

Tờ báo cho biết, tranh thủ lúc Mỹ, Anh và Pháp đang do dự, một số nước có liên quan đã tăng cường những động thái phản đối can thiệp quân sự và Syria. Nga đã lên tiếng cho rằng, bằng chứng mà Mỹ đưa ra về việc chính phủ Damas sử dụng vũ khí hóa học sát hại thường dân, là thiếu cơ sở. Về phần mình, Trung Quốc cũng đã phản đối mọi biện pháp can thiệp từ bên ngoài, và cho rằng “chỉ có giải pháp chính trị mới có thể giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria”.

Th.Long

Tổng hợp