Làm chính khách phải thế! 11

11:28 | 26/02/2014

30,508 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phải công nhận là có những ngành như giao thông, y tế, tài chính, công an... thì luôn đối diện với nhiều vấn đề nóng bỏng của xã hội. Đứng đầu các ngành này phải thực sự là những "tư lệnh". Dư luận gọi ghế bộ trưởng các ngành này là "ghế nóng". Nhưng thực tế đã chứng minh, "ghế nóng" hay không cũng bởi người ngồi. Có những người đang làm nguội chiếc “ghế nóng” - nhưng cũng có những người ngồi trên “ghế nóng” mà lại quá nguội!

Đã có lúc người ta bảo ông Đinh La Thăng chỉ đáng làm đốc công ở công trường, không đáng làm “quan” chỉ vì cái gì cũng xộc vào, tự làm. “Chính khách việc gì phải thế, cứ để lính người ta làm, mình chỉ đạo tầm vĩ mô thôi”.

Những ngày qua, dư luận đã thực sự cảm kích trước sự mạnh mẽ của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khi ông có mặt chỉ đạo việc cứu hộ và điều ngay trực thăng chở bác sỹ lên cấp cứu người dân bị nạn trong vụ sập cầu ở Lai Châu. Một việc không quá lớn nhưng thể hiện rằng “dân cần là có mặt”.

 

Bộ trưởng Đinh La Thăng đến bệnh viện thăm hỏi, động viên nạn nhân trong vụ sập cầu ở Lai Châu.

 

Chính khách, họ không nhất thiết phải hiện diện thường xuyên, trên tất cả các mặt trận (thực chất là không thể) nhưng họ phải xuất hiện đúng lúc mà người dân cảm thấy cần nhất. Đinh La Thăng xuất hiện trong những lúc như thế!

Trước đó là vụ ông Đinh La Thăng bỏ cả chuyến công tác để nhanh chóng đến hiện trường vụ lật ca nô ở Cần Giờ, TP.HCM tham gia cứu nạn.

Sự xuất hiện của Đinh La Thăng ở đây không phải là sự xuất hiện của một cá nhân mà là sự xuất hiện của một “người nhà nước”, một bộ trưởng. Ai cũng biết, khi hoạn nạn, người ta cần sự chia sẻ như thế nào và một thành viên Chính phủ đã mang đến sự chia sẻ đó. Đó là điều người dân cần, trước hết là về mặt tinh thần.

Bộ trưởng Thăng vẫn giữ thói quen từ khi còn làm ở công trường là không đón giao thừa ở nhà mà đón giao thừa ở... ngoài đường. Năm thì đón ở công trường này, năm thì ông đón ở công trường nọ.

Năm Giáp Ngọ này, ông đón giao thừa ở ga Hà Nội và lên tàu chúc tết, lì xì cho hành khách trên chuyến tàu cuối cùng của năm cũ. Đây là cử chỉ  đáng trân trọng. Đinh La Thăng xuất hiện trong thời điểm cần thiết - những thời điểm dễ làm cho người dân cảm thấy ấm lòng.

Năm đầu của nhiệm kỳ, Bộ trưởng Thăng đã “gây bão” bằng hàng loạt các quyết định gai góc, quyết liệt, “trảm tướng” liên tục trên công trường. Sự xuất hiện của một bộ trưởng hành động, trong một thời điểm nào đó đã khiến cho không ít người vốn trì trệ khó chịu.

Đương nhiên, một lĩnh vực dân sinh biến động như giao thông thì không bao giờ yên ắng, xe cộ vẫn ngày ngày nườm nượp, 90 triệu con người thì có 90 triệu tư duy khác nhau khi tham gia giao thông, nhưng dường như trật tự đã được lập.

Đường sá đẹp hơn, người dân ra đường đỡ tắc hơn, các “ông công trình” vốn ì ạch thì giờ lụi cụi làm đúng chức phận của mình là làm cầu, làm đường. Cán bộ ngành giao thông cũng hiểu việc của mình hơn, biết tránh xa sân Golf, biết đi xe bus, biết đi máy bay giá rẻ...

Người ta cảm tưởng mọi thứ quanh ông đều nóng, đều gai góc. Tuy nhiên, có lẽ dòng máu nóng trong con người ông đã làm nguội chính cái ghế ông đang ngồi.

Trái ngược với sự “nóng bỏng” của ông Đinh La Thăng là sự nguội lạnh đến khó hiểu của “tư lệnh ngành” khác. Ngành này cũng nhiều vấn đề tồn tại nhưng lại mang tính chất lịch sử và suy cho cùng không thể “nóng” “thời sự” bằng giao thông, tài chính, công an…

Mới đây nhất là vụ sập cầu treo ở Lai Châu, ông Đinh La Thăng lại là người đứng ra… điều bác sỹ từ Hà Nội lên mà không phải là ai khác.

Chính khách phải có mặt ở những nơi, những lúc dân cần. (Ảnh chụp một gia đình đau đớn vì có con chết vì tiêm vắc xin).

 

Hay như vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B tại bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, Quảng Trị ngày 20/7/2013. Có vị tư lệnh ngành đã không không thể bỏ một buổi lễ để đến thăm, xin lỗi 3 gia đình có con bị chết vì tiêm vắc xin. Có lẽ cũng là vì thật thà không muốn lỡ chuyến bay đã lên lịch từ trước. Dù nơi họp chỉ cách những gia đình đang chịu đau đớn chưa đầy 100 km.

Sự thăm viếng của chính khách chẳng thể làm cho người chết sống lại nhưng sẽ là niềm an ủi của gia đình, làm an lòng dân và như một sự nhận trách nhiệm. Trong nỗi đau, người dân cần sự an ủi, chứ đã ai bắt phải xin lỗi, phải đền bù...

Vậy mà, chính khách lại thực hiện đúng bổn phận của một nhà làm chính sách: Chỉ đạo từ xa cho địa phương làm!

Ngay cả vụ ném xác khách hàng ở thẩm mỹ viện Cát Tường, việc xử lý cũng… lờ đờ. Cả một hệ thống quản lý hùng hậu mà chả thấy “tư lệnh ngành” trảm ai.

Vị tướng không trảm ai thì cây thượng phương bảo kiếm trên tay cũng trở nên hoen gỉ. Khi có sự cố làm dân không yên lòng, thấy sợ hãi, vị “tư lệnh” cần làm một việc gì đó. Hoặc ít ra là hét lên một tiếng, hét thật to, cho dân đỡ sợ.

Vậy nên, suy cho cùng, “ghế nóng” hay “ghế nguội”, không bởi vì ghế mà bởi tại người ngồi.

 

Hoàng Chiến Thắng