Nên cho loa phường “về hưu”

07:06 | 28/02/2017

558 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau khi có ý kiến của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về việc cần xem xét việc hoạt động của hệ thống đài truyền thanh cơ sở, nếu thấy còn phát huy được thì phải điều chỉnh nội dung, chương trình, hình thức, không còn phù hợp thì thôi, nhiều tờ báo, đài phát thanh đã lên tiếng xung quanh vấn đề này.

Hàng nghìn ý kiến bạn đọc đã tham gia thảo luận. Các ý kiến tập trung vào ba vấn đề chủ yếu: Một, đài truyền thanh cơ sở, người dân thường gọi là loa phường, đã có lịch sử mấy chục năm qua. Không chỉ loa phường mà còn có loa xã, tiếng loa đã trở nên thân thiết và thật sự có tác dụng với người dân ở khắp mọi miền đất nước. Tuy nhiên, thời nay khi công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, khi Internet đã vào đến tận chân tre thì loa phường đã trở nên cổ lỗ sĩ, nên cho “cụ” về hưu.

Hai, loa phường không có chức năng như một cơ quan thông tin đại chúng, nó chỉ là công cụ tuyên truyền, giúp cho việc quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở. Đã là công cụ tuyên truyền thì nên xem xét, điều chỉnh về nội dung, chương trình sao cho hợp lý. Hoặc có thể dẹp loa phường, nhưng loa xã thì nên để, vì người dân nông thôn, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa điều kiện thông tin, liên lạc còn nhiều khó khăn. Ba, giữ lại loa phường, đó cũng là một nét đẹp truyền thống, chỉ cần xem xét, sắp xếp giờ giấc cho hợp lý, thời lượng, âm thanh cho phù hợp.

nen cho loa phuong ve huu

Ý kiến xem chừng khác nhau, cần tiếp tục thảo luận, thậm chí nên có những cuộc tọa đàm, lấy ý kiến người dân nơi xóm thôn, đường phố. Có một thông tin đáng quan tâm qua điều tra dư luận ở Hà Nội, mới công bố hôm 25-2-2017. Theo điều tra này, trong hơn 3.000 góp ý, có tới gần 90% cho rằng, hệ thống loa phường không cần thiết, nên loại bỏ. Chỉ có chưa đầy 4% ủng hộ giữ loa phường và hơn 6% ý kiến cho rằng loa phường là cần thiết nhưng phải đổi mới. Phần lớn ý kiến xác định việc người dân cập nhật thông tin hiện nay chủ yếu qua mạng Internet (45%) và xem tivi (27,53%).

Đem con số điều tra này hỏi chuyện nhiều bạn nghe đài, chúng tôi thấy rằng, phần lớn ý kiến tỏ ra ngán ngẩm với loa phường. Ai cũng bảo, thời trước loa phường thật gần gũi, đáng yêu. Tiếng cô phát thanh viên buổi sớm trong trẻo vang lên, tiếng Hà Nội chuẩn chả thua gì tiếng nói trên đài quốc gia. Rồi tiếng nói trên loa phường giục mọi người xuống hầm trú ẩn tránh máy bay Mỹ ném bom. Tiếng hát của các bạn trẻ thể hiện những bài hát tự biên về cuộc sống chiến đấu và lao động. Đó là chuyện xưa rồi. Nay thì sao? Cực hình nhất là người dân bị tra tấn bởi tiếng ồn. Trên các cột điện, ngọn cây, các tòa nhà chung cư, loa phường thường chĩa thẳng vào nhà với cường độ âm thanh chói gắt. Hòa trong mớ âm thanh ấy là tiếng ồn của ôtô, xe máy, tiếng còi xe inh ỏi, tiếng rao bán báo dạo, tiếng rao bánh mì, mua bán đồng nát. Cụ già hàng xóm nhà tôi mắc chứng mất ngủ nhiều năm than: “Khổ quá bác ạ, đặt lưng xuống mắt cứ chong chong, mãi gần sáng mới thiếp được một lát thì 5 giờ cái loa đầu ngõ đã chọc vào lỗ nhĩ. Chả lẽ ra ngõ cãi nhau với nó à!”. Còn người mẹ trẻ nọ thì ngao ngán: “Chú ơi buổi tối cháu vừa ru con, vừa phải chạy đi đóng hết cả cửa chính, cửa sổ mà vẫn không sao chặn được tiếng ồn”..

Sau chuyện tiếng ồn là nội dung thông tin. Thôi thì tạp-pí-lù. Loa phường ra rả: Lịch gọi thanh niên nhập ngũ, lịch cắt điện, cắt nước, kiểm định công tơ, tiêm phòng bạch hầu cho trẻ, tổng vệ sinh… Ớn nhất là mỗi kỳ bầu đại biểu HĐND các cấp. Giọng nam, giọng nữ xen nhau đều đều nhàm chán khi xướng tên các ứng cử viên. Ông Trần Văn A, sinh năm 197…, trú tại, trình độ văn hóa 12/12, thạc sĩ công nghệ thông tin, dân tộc Kinh, tôn giáo không…; Bà Đặng Thị B, sinh năm 198…, ngày vào Đoàn TNCS, ngày vào biên chế, chức vụ Trưởng phòng… Cứ thế, ra rả trên loa suốt hàng tuần lễ, không cần biết đến dân có quan tâm không, có nghe rõ không, có thắc mắc điều gì không.

Kế đến là chuyện giờ phát, cũng lại mỗi nơi mỗi cách. Nơi phát sớm thì 5 giờ, cái ngọn tre đầu xóm bỗng rung lên bần bật - một bản nhạc ọt ẹt đánh thức dân quê. Buổi trưa, mọi nhà quây quần bên mâm cơm, bỗng lại giật mình: “Đây là đài truyền thanh… Mời bà con lắng nghe những tin chính sau đây. Một: thông báo của Công an xã về việc… Hai…”. Buổi tối, có khi 10 giờ đêm nhà đài vẫn nhiệt tình với “bản tin cuối ngày” về việc tìm trẻ lạc.

Muốn nối dài âm thanh không phải là thời của cái loa sắt tây, anh phát thanh viên thoăn thoắt leo lên cây xoan mà loan tin ta bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường. Nay đụng vào đâu cũng thấy chuyện đầu tư. Mà đầu tư cho loa phường, theo như một cán bộ Văn hóa - Thông tin quận thì phải đấu thầu, mất hàng chục tỉ đồng. Nơi thoáng hơn thì tự tìm mua, chả có cơ chế nào ràng buộc. Chục tỉ đồng là chuyện ở một phường. Cả nước hàng chục nghìn xã, phường, con số chục tỉ ấy nhân lên thấy cũng đáng giật mình.

Đất nước còn nhiều khó khăn. Nợ công, nợ xấu đã chạm vạch đỏ. Tiết kiệm, giảm chi phí, giảm đầu tư công là chuyện được nhắc tới hằng ngày. Nếu còn duy trì đài phường thì nên tính chuyện biên chế mềm, không phải nuôi bộ máy. Và nên xã hội hóa việc đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị cho hệ thống loa phường.

Bàn đi bàn lại vậy thôi, nhưng theo ý kiến nhiều người ví von rằng, khi có các cây cầu lớn bắc qua sông thì con phà tự nó sẽ hết vai trò lịch sử. Tương tự như vậy, khi đã có “cây - cầu - thông - tin” hiện đại thì “con - phà - loa - phường” xem ra cũng sẽ chỉ còn trong ký ức, dù đó là ký ức đẹp.

Thành Nam