Mỹ sắp hết thuốc độc để tử hình tội phạm?

18:05 | 15/05/2016

867 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có lẽ chính quyền Mỹ đang tìm cách khác để tử hình tội phạm khi mà ngày càng nhiều công ty dược phẩm tuyên bố không bán thuốc độc cho Mỹ.
tin nhap 20160515180150

Mới nhất, hôm 14/5, công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ tuyên bố không cho phép dùng thuốc của họ để thi hành án tử hình.

Người phát ngôn của Pfizer, bà Rachel Hooper, nói rằng trước đây công ty này đã không để cho thuốc của mình được dùng trong những vụ xử tử, nhưng những sự hạn chế mới “sẽ cải thiện” hệ thống hiện nay.

Theo chính sách mới của Pfizer, 7 loại thuốc của họ chỉ được bán với điều kiện người mua không bán lại cho các nhà tù để dùng trong những vụ tiêm thuốc độc cho tử tù.

Trong những năm gần đây, khoảng 20 công ty dược phẩm trên thế giới đã quyết định không để cho thuốc của họ được dùng trong những vụ xử tử.

Theo Tổ chức Ân xá quốc tế, năm 2015 là năm có số án tử hình trên toàn thế giới cao nhất trong 25 năm qua. Trong đó, theo ước tính, Trung Quốc là nước hàng đầu thế giới với hàng ngàn người bị xử tử hình.

Năm 2015, số án tử hình ở Mỹ lại thấp nhất tính từ năm 1991 đến nay với 28 vụ.

Cho đến thời điểm hiện nay, trên thế giới vẫn còn 37 nước duy trì án tử hình, ngoài ra còn có 6 quốc gia khác sử dụng mức án này đối với tội ác chiến tranh đặc biệt nghiêm trọng.

Mỹ là nước phương Tây duy nhất hiện vẫn áp dụng án tử hình. Hình phạt này được coi là hợp pháp cả ở cấp liên bang và tại 32 bang của Mỹ.

Trong giai đoạn 1967-1977 tất cả các tiểu bang của nước Mỹ đã bỏ án tử hình sau vụ án lớn "Furman chống lại tiểu bang Georgia".  Tòa án bang phán quyết rằng Furman đã phạm tội cướp có vũ trang và giết người, vì thế phải bị tử hình. Tuy nhiên, tại tòa, Furman nói rằng khi bị chủ nhà phát hiện, trong lúc bỏ chạy, ông ta đã vô tình bắn trúng chủ nhà do súng bị cướp cò.

Furman kháng cáo lên Tòa án Tối cao, và ở đó các thẩm phán đã có sự bất đồng ý kiến, buộc phải đưa ra phán quyết chung – một trường hợp cực kỳ hiếm gặp. Kết quả, với 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống, Tòa án tối cao đã tuyên bố rằng án tử hình dành cho Furman là "độc đoán và phi lý", vi phạm điều khoản sửa đổi thứ 8 và thứ 14 của Hiến pháp Mỹ về "sự trừng phạt tàn nhẫn và không bình thường". Quyết định này không có nghĩa là Tòa án tối cao về nguyên tắc đã cấm án tử hình, mà chỉ đơn thuần là vạch ra mâu thuẫn trong luật pháp và các thủ tục pháp lý.

37 tiểu bang của Mỹ không hài lòng về phán quyết của tòa án Georgia trong vụ Furman nên sau đó đã thay đổi, bổ sung một số điều khoản luật trong lĩnh vực pháp lý, xóa bỏ hình phạt tử hình trong các trường hợp gây tranh cãi mà Tòa án Tối cao đã chỉ ra.

Tuy nhiên, đến năm 1977, nhiều bang của Mỹ quyết định áp dụng trở lại án tử hình sau khi xảy ra nhiều vụ án nghiêm trọng (chủ yếu liên quan đến tội hiếp dâm trẻ em).

Cũng từ năm 1977, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ cấm hình phạt tử hình đối với các vụ cưỡng hiếp phụ nữ đã trưởng thành, chỉ áp dụng án tử đối với tội giết người ở mức độ nghiêm trọng.

Năm 2008, Tòa án tối cao cho phép các bang sử dụng hình phạt tử hình về tội hiếp dâm trẻ em, các hình thức phạm tội dẫn đến chết người và tội phản quốc.

Tử hình bằng tiêm thuốc độc được coi là nhân đạo hơn những hình thức khác như ngồi ghế điện, xử bắn…

G.K

Theo AP