Chiến sự Mali:

Mỹ ra chiêu, Pháp lục đục

19:00 | 29/01/2013

827 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chiến sự tại Mali đã bước sang tuần thứ 3, lúc này Mỹ bắt đầu chính thức can thiệp sâu, trong khi tại Pháp lại đang xảy ra khủng hoảng lòng tin giữa Tổng thống và quân đội.

 

Một chiếc chiến đấu cơ Mirage 2000 D của Pháp được máy bay KC-135 của Mỹ tiếp liệu trên không 

Các quan chức tình báo và quân sự Mỹ đang lên kế hoạch tăng cường vai trò của Mỹ tại châu Phi qua việc cung cấp thông tin tình báo giúp máy bay chiến đấu Pháp định vị và tấn công các mục tiêu quân nổi dậy ở Mali. Quyết định của chính quyền Obama ngày 26/1 cung cấp máy bay tiếp nhiên liệu cho quân đội Pháp cũng đã chính thức đưa nước Mỹ tiến gần đến việc can dự trực tiếp tại Mali, sau những do dự ban đầu vì lo ngại sẽ bị cuốn thêm vào một cuộc chiến mới.

Tuần trước, chính quyền Mỹ đã bắt đầu giúp vận chuyển quân Pháp và trang thiết bị tới Mali bằng các máy bay vận tải của không quân Mỹ. Đây là điều quân Pháp đang mong đợi sau hai tuần Nhà Trắng trì hoãn quyết định của mình để đánh giá mục đích của Paris khi phát động cuộc chiến tại Mali. Bước tiến tiếp đó là quyết định cung cấp dữ liệu mục tiêu tình báo phức tạp cho quân đội Pháp, được giới phân tích đánh giá là đã kéo nước Mỹ sâu hơn vào cuộc chiến. Trước khi đạt được bước tiến này, các quan chức tình báo và quân đội Mỹ đã tranh cãi gay gắt về việc có nên đề xuất Nhà Trắng phê duyệt việc mở rộng cung cấp thông tin tình báo cho Pháp hay không. Mỹ từ lâu đã chia sẻ thông tin tình báo với người Pháp và mức độ hợp tác đã âm thầm được mở rộng từ khi Mỹ tăng cường các chuyến bay giám sát tại Mali từ năm 2012 để thu thập thông tin về các nhóm vũ trang tại đây.

Mức độ hợp tác này đã dẫn đến quyết định của Mỹ ủng hộ việc mở rộng can thiệp vào Mali trước khi triển khai đầy đủ lực lượng châu Phi theo ủy quyền của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Người Pháp đã rất quan tâm đến khả năng thu thập thông tin kỹ thuật do các cơ quan tình báo Mỹ thực hiện trong suốt 11 năm chống lại Al-Qaeda. Trong khi đó, người Pháp lại có mạng lưới tình báo con người tốt hơn tại Mali do mối quan hệ gần gũi với quốc gia này từ thời thuộc địa. Vì vậy, cùng với thông tin tình báo kỹ thuật của Mỹ, Pháp sẽ có lợi thế đặc biệt trong việc truy tìm quân nổi dậy ở Mali.

Thông qua việc phát triển và chia sẻ các gói thông tin mục tiêu, các cơ quan tình báo Mỹ sẽ giúp định hướng máy bay chiến đấu Pháp tấn công trực tiếp các mục tiêu của quân nổi dậy, kể cả nơi ẩn nấp của lực lượng này. Các quan chức tình báo Mỹ đã đắn đo rất kỹ trước khi đề xuất Tổng thống Obama phê duyệt quyết định này vì Nhà Trắng trước đó đã tỏ ra thận trọng với việc can thiệp vào các cuộc xung đột nước ngoài mới sau những thất bại tại cuộc chiến Iraq và Afghanistan. Một quan chức Nhà Trắng cho biết: “'Thận trọng' là ngôn từ đúng vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cuộc xung đột đang xảy ra trên khắp thế giới, chúng tôi phải tìm ra cách giải quyết thông minh nhất”.

Chính quyền Obama đã chờ vài ngày trước khi cung cấp cho quân Pháp máy bay vận tải và chờ tới hai tuần trước khi đồng ý cấp ba máy bay tiếp dầu KC-135 đang đóng tại căn cứ không quân Morón ở Tây Ban Nha. Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo quyết định này cuối tuần qua sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean- Yves Le Drian. Giới luật sư và các nhà hoạch định chính sách tại Nhà Trắng cũng mất vài ngày để đánh giá những điểm quan trọng về nhiệm vụ của Pháp. Họ muốn quyết định về mức độ mà quân đội Mỹ cần hỗ trợ, kể cả cùng tham chiến với Pháp trong những chiến dịch nguy hiểm ở Mali.

Những người chỉ trích việc chia sẻ thông tin tình báo mục tiêu với Pháp lập luận rằng điều này sẽ làm thay đổi cách nhìn về bản chất của cuộc chiến ở khu vực khi tới nay chúng đều được nhìn nhận là chiến dịch của Pháp. Số này cũng lo ngại rằng quyết định này sẽ dẫn tới việc nước Mỹ lại lún sâu vào một cuộc xung đột mới. Người ủng hộ thì cho rằng việc chia sẻ thông tin tình báo với Pháp sẽ giúp xóa bỏ được các mối đe dọa khủng bố đối với phương Tây, nhất là tại khu vực rất cần có sự can dự trực tiếp từ Mỹ. Tuy nhiên, rõ ràng với sự hỗ trợ của Mỹ, chiến dịch quân sự của Pháp sẽ được đẩy nhanh hơn và có khả năng đem lại chiến thắng dễ dàng cho phương Tây.

Sợ rằng quân đội có thể ám sát Tổng thống, khi Tổng thống Hollande phát biểu trước các lực lượng vũ trang Pháp tại căn cứ Cuirassiers d’Orléans ngày 9/1 vừa qua, Điện Elysée đã yêu cầu vô hiệu hóa toàn bộ vũ khí- một biện pháp chưa từng diễn ra kể từ sau cuộc khủng hoảng Algeria 60 năm trước đây.

Trong khi đó, Theo mạng tin Nghiên cứu toàn cầu ngày 28/1, các Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và François Hollande đang sử dụng quân đội Pháp để thỏa mãn các lợi ích của cá nhân hoặc của các nước khác. Họ đã cử quân đội Pháp tham gia những sứ mạng đầy chết chóc để "cướp bóc" ca cao của Bờ Biển Ngà, trữ lượng vàng của Libya, khí đốt của Syria và urani của Mali.

Niềm tin của các tướng lĩnh và binh lính Pháp, tham gia quân đội để bảo vệ tổ quốc, đang bị đổ vỡ. Các cuộc phiêu lưu quân sự của các ông Sarkozy và Hollande tại Afghanistan, Bờ Biển Ngà, Libya, Syria và giờ đây là Mali đang được thảo luận một cách nóng bỏng trong quân đội Pháp và sự phản đối của quân đội hiện đến mức báo động.

 Ví dụ, năm 2008, Tổng thống khi đó là Sarkozy chỉ thay đổi nhiệm vụ của binh lính Pháp tại Afghanistan thành lực lượng bổ sung cho sự chiếm đóng của Mỹ, Tổng tham mưu trưởng liên quân Pháp hồi đó là Tướng Bruno Cuche đã từ chối điều động xe tăng Leclerc đến Afghanistan. Cuộc khủng hoảng này nghiêm trọng đến mức ông Sarkozy đã lợi dụng ngay cơ hội đầu tiên để buộc Tướng Cuche phải từ chức. Năm 2011, đến lượt Đô đốc Pierre-François Forissier, khi Tham mưu trưởng Hải quân Pháp công khai bày tỏ nghi ngờ về hoạt động tại Libya, mà theo ông là khiến các lực lượng Pháp xa rời nhiệm vụ chính của họ là bảo vệ tổ quốc. Năm 2012, Tướng Jean Fleury, cựu Tham mưu trưởng Không quân Pháp, còn thẳng thừng hơn khi nói rằng Pháp không có "tâm nguyện" hay phương tiện để tấn công Syria.

Trong 5 năm qua, các tướng lĩnh cao cấp nhất của Pháp ngày càng tin rằng sức mạnh của quân đội Pháp đang được các Tổng thống Sarkozy và Hollande chuyển hướng để phục vụ cho các lợi ích cá nhân hoặc các lợi ích của Mỹ và Israel. Điều này được xác nhận bởi việc tổ chức các chiến dịch ở nước ngoài gần đây của quân đội Pháp. Từ năm 2010, các hoạt động này hầu như không nằm dưới sự chỉ huy của Tổng tham mưu trưởng liên quân Pháp là Đô đốc Edouard Guillaud, để dồn về đặt dưới sự chỉ huy của Tướng Benedict Puga từ Điện Elysée.

Cả ông Sarkozy và ông Hollande đều không muốn tiếp xúc với quân đội. Vì thế, khi Tổng thống Pháp Hollande tới Liban để thúc giục Tổng thống nước chủ nhà Michel Suleiman hỗ trợ cuộc chiến bí mật tại Syria vào ngày 4/11 vừa qua, ông Hollande đã quyết định không gặp các binh lính Pháp đang phục vụ trong Lực lượng tạm thời của LHQ tại Liban (UNIFIL) chỉ vì sợ phải tiếp xúc với họ.

Cuộc khủng hoảng lòng tin đã lên tới mức mà cơ quan an ninh Điện Elysée sợ rằng quân đội có thể ám sát Tổng thống. Vì thế,  ngày 9/1 vừa qua, khi Tổng thống Hollande phát biểu trước các lực lượng vũ trang Pháp tại căn cứ Cuirassiers d’Orléans, Điện Elysée đã yêu cầu vô hiệu hóa toàn bộ vũ khí, đạn dược bị tịch thu và giữ trong các túi niêm phong, chốt an toàn của các loại súng trường, súng máy và súng lục bị gỡ bỏ. Một biện pháp như vậy là chưa từng diễn ra kể từ sau cuộc khủng hoảng Algeria 60 năm trước đây.  

Tại buổi lễ mừng Năm mới theo truyền thống trên, Tổng thống Hollande đã tuyên bố rằng "Quân đội là một gia đình, với các đơn vị đang hoạt động và dự bị. Tôi biết sự ổn định, đoàn kết và tôi cũng đánh giá cao tinh thần kỷ luật, gắn kết và thận trọng của quân đội". Nhưng hành vi của cơ quan an ninh Điện Elysée đã đi ngược lại lời nói của ông Hollande. Tổng thống Pháp đang sợ các lực lượng vũ trang của mình. Tổng thống không tin tưởng những người lính của mình bởi vì ông biết rằng không thể biện minh về những nhiệm vụ mà ông đang giao cho họ.

Cuộc khủng hoảng này chắc chắn sẽ trở nên sâu sắc hơn nếu Tổng thống Pháp tiếp tục cam kết mở rộng các hoạt động bí mật tại Algeria. Hơn nữa, kể từ sau khi Pháp đình chỉ luật nghĩa vụ quân sự và chuyên nghiệp hóa các lực lượng vũ trang, nhiều quân nhân Pháp xuất thân từ các gia đình Hồi giáo gốc Algeria. Có lẽ những binh lính Pháp này sẽ phản ứng với việc "tái thuộc địa hóa" quê hương của cha mẹ họ.

H.Phan (Tổng hợp)