Mỹ nên ngừng việc xây dựng dân chủ ở các nước Hồi giáo?

07:10 | 30/03/2016

1,119 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một cuộc thăm dò của tờ báo Rasumssen tiết lộ vào hôm 28/3 rằng: Đa số người Mỹ đã trở nên căng thẳng về những nỗ lực của chính phủ Mỹ để thúc đẩy dân chủ ở các quốc gia Hồi giáo.  

Theo báo cáo này: Trong khi 58% số người được hỏi nói rằng Hoa Kỳ nên chấm dứt các nỗ lực của mình để thúc đẩy dân chủ ở các nước Hồi giáo. Thì gần một phần ba người Mỹ (tương đương 28%) ủng hộ việc hỗ trợ xây dựng nền dân chủ ở các quốc gia này.

nguoi my my nen ngung viec xay dung dan chu o the gioi hoi giao
 Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Trung Đông là hình ảnh khá quen thuộc với thế giới.

Các sáng kiến xây dựng dân chủ, kết hợp với chính sách “thay đổi chế độ chính trị” hay chính phủ ở các quốc gia mà Hoa Kỳ phản đối đã là một trung tâm của chính sách đối ngoại có lịch sử từ khi chính quyền của Tổng thống Bill Clinton ra đời.

Chẳng hạn như cuộc xâm lược của Mỹ ở Iraq và những nỗ lực tiếp theo để tổ chức một nền dân chủ kiểu phương Tây, cái mà nhiều chuyên gia chính sách quốc tế đổ lỗi cho sự mạnh lên của IS và các nhóm khủng bố khác.

Mặc dù có những nỗ lực tương tự tại Afghanistan, nhưng lực lượng chống chính quyền hiện nay tại nước này là Taliban vẫn đang kiểm soát phần lãnh thổ nhiều hơn phe chính phủ từ khi Mỹ xâm chiếm vào năm 2002.

Theo nhiều nhà phân tích, sự hỗ trợ của Mỹ cho việc lật đổ Tổng thống Ai Cập, Hosni Mubarak, nhà lãnh đạo Libya, Muammar Gaddafi và sự hậu thuẫn rõ ràng của Washington đối với cái gọi là “mùa xuân Ả Rập” cũng là nguyên nhân khiến bạo loạn nổi lên khi IS và nhiều tổ chức khủng bố Hồi giáo khác “được đà” lấn tới.

Ngày nay, trọng tâm của chính quyền Obama về việc lật đổ Tổng thống Syria, Bashar al-Assad thường là chỉ trích và cản trở những nỗ lực để tiêu diệt tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng IS; tuy nhiên, kể từ khi có được sự hậu thuẫn từ cuộc không kích của Nga, các lực lượng Syria đã chứng minh sự hiệu quả trong cuộc chiến này hơn là sự hỗn độn mà Mỹ tạo ra với cái cớ cũng để tiêu diệt IS.

Đồng thời, Mỹ cũng nỗ lực thúc đẩy dân chủ và thay đổi chế độ đến các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là các nước vùng Balkans. Theo cáo buộc của các phương tiện truyền thông Macedonia, Mỹ đã tích cực hiện diện để thay đổi chính phủ hợp pháp của Macedonia bằng cách hỗ trợ các tổ chức Hồi giáo cực đoan Albania cũng như các đảng đối lập và các tổ chức phi chính phủ.

Nói đi cũng phải nói lại, hiện nay, nội tại nước Mỹ có thể nói thẳng thắn là khá rối ren với tình trạng kinh tế “ì ạch”, nạn thất nghiệp không hề suy giảm, bạo lực gia tăng… đồng thời chính phủ sắp mãn hạn của ông Obama còn phải đối phó với rất nhiều các chính sách đối nội và đối ngoại đau đầu.

Thiết nghĩ, tỷ lệ 58% người dân Mỹ có chính kiến như vậy cũng là điều hiển nhiên, khi thực tế họ thấy rằng giới chức Mỹ nên hoàn thiện sự dân chủ của mình “cho đàng hoàng” rồi mới nên đi xây dựng dân chủ cho thế giới.

Tiến Đạt

Sputniknews