Mỹ đứng ra "bảo kê" cho châu Âu về nguồn cung LNG
![]() |
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) trong cuộc gặp với Ngoại trưởng EU Josep Borrell |
Sau cuộc chiến tại Ukraine, Washington và Brussels "đã hợp tác nhiều hơn bao giờ hết để giúp châu Âu an toàn hơn về năng lượng", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong cuộc họp với người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU - Josep Borrell.
Mỹ đã xuất khẩu khoảng 56 tỷ mét khối LNG sang EU trong năm 2022, tăng từ 22 tỷ mét khối năm 2021, ông Blinken cho biết.
Trong một tuyên bố chung, Mỹ và EU đã cam kết "nỗ lực duy trì nguồn cung LNG ở mức cao cho châu Âu vào năm 2023, ít nhất là 50 tỷ m3".
"Điều này là cần thiết trong bối cảnh tình hình nguồn cung khó khăn và cần đảm bảo lấp đầy kho dự trữ cho mùa đông 2023-2024", tuyên bố cho biết.
Dự trữ khí đốt của người châu Âu hiện được lấp đầy ở mức 56%, Brussels cho biết hôm thứ Ba (4/4), phù hợp với dự báo khoảng 50% dự kiến vào cuối mùa đông và ở mức cao gần gấp đôi so với mức thường thấy vào thời điểm này trong năm.
27 nước châu Âu đã đặt mục tiêu lấp đầy kho dự trữ của họ ở mức 90% vào tháng 11/2023.
Các cuộc đàm phán hôm thứ Ba được mô tả bằng "cảm giác nhẹ nhõm" khi kết luận rằng "những nỗ lực quân sự hóa năng lượng của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thất bại", một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
"Mọi thứ đã diễn ra nhanh hơn dự kiến về sự phụ thuộc của EU vào khí đốt của Nga", ông nói thêm.
"Tôi nghĩ rằng đây không phải là một giải pháp tạm thời mà nó đã đánh dấu một thay đổi cấu trúc trong triển vọng năng lượng và định hướng thương mại của châu Âu", Ủy viên Năng lượng EU Kadri Simon cho biết.
Về mức giá khí đốt mà châu Âu mua từ Mỹ, tháng 11 năm ngoái, Ủy viên cho biết, nhóm công tác về năng lượng của họ được thành lập với Washington nhằm "đảm bảo nguồn cung và lấp đầy kho dự trữ vào năm 2023 với mức giá phản ánh các nguyên tắc kinh tế cơ bản".
Ngoài việc đa dạng hóa nguồn cung, người châu Âu đang cố gắng cắt giảm nhu cầu của họ: tiêu thụ khí đốt ở EU đã giảm 19% trong khoảng thời gian từ tháng 8/2022 đến tháng 1/2023, so với mức từ năm 2017 đến năm 2022, cao hơn nhiều so với mục tiêu 15% mà 27 nước châu Âu đặt ra.
Nh.Thạch
AFP