Muốn làm ca sĩ, trước hết phải có văn hóa!

07:31 | 15/10/2013

2,769 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thật là điều thảm hại khi người ta sẵn sàng từ chối lòng tự trọng, văn hóa của mình để cố chen lấn, la hét, đạp đổ cả hàng rào chắn để được vào thi hát, để có cơ hội làm người nổi tiếng!

Rất đông thí sinh đến tham gia vòng Thử giọng  của Vietnam idol

Chương trình Thần tượng âm nhạc Việt Nam - Vietnam idol đã bước sang mùa thứ 5 và ngày 14/10 là ngày đầu tiên vòng của Thử giọng tại TP HCM, đây cũng chính là địa điểm thử giọng cuối cùng trong hành trình xuyên Việt của chương trình. Theo ghi nhận thì từ sáng sớm, ở bên ngoài Khách sạn Tân Sơn Nhất Sài Gòn, hàng ngàn thí sinh đã rồng rắn xếp hàng chờ để được vào phòng thi thử giọng.

Nhưng sự lộn xộn, nhốn nháo đã xảy ra khi ánh nắng bắt đầu rọi xuống, lòng kiên nhẫn của những thí sinh trẻ đang đứng chờ như tan mất, dù ban tổ chức có bố trí dù, bạt để che. Họ bắt đầu la hét, chen lấn nhau và cuối cùng là đạp đổ hàng rào, tạo nên một cuộc hỗn chiến với cách bảo vệ. Không ít thí sinh đã tỏ ra hoảng loạn, lo sợ trước cảnh chen lấn ấy, một số đành bỏ cuộc ra về…

Đó là tất cả diễn biến của vòng Thử giọng tại Sài Gòn, ngày 14/10.

Hình ảnh ấy nói lên điều gì? Ngày càng có nhiều bạn trẻ đam mê âm nhạc, muốn thể hiện đam mê của mình trên sân khấu các cuộc thi. Đó là một nhu cầu bình thường của tuổi trẻ; hơn thế, việc có khát vọng và đam mê với nghệ thuật còn là một điều đáng hoan nghênh. Đương nhiên sự đam mê nghệ thuật ấy phải khác với sự chạy theo những giá trị phù phiếm, hào quang ảo.

Nhưng điều gì đã xảy ra khi đám đông chen lấn, xô đẩy nhau đến đổ cả hàng rào chắn để vào thi hát? Nếu như các bạn trẻ ấy cho rằng việc được thi thố trên sân khấu của cuộc thi này là một cách để thể hiện tài năng, đam mê với nghệ thuật ca hát thì chắc chắn họ sẽ không thể có những hành vi phản nghệ thuật, văn hóa đến như thế!

Đám đông nhốn nháo 

Xô đổ cả hàng rào chắn

Không thể phủ nhận rằng ngày nay nhiều bạn trẻ có đam mê nghệ thuật và chủ động tìm đến các gameshow đang nở rộ trên sóng truyền hình để tìm cơ hội “tỏa sáng”. Và trong hàng ngàn, hàng chục ngàn những bạn trẻ ấy có những bạn có bản lĩnh thật sự và có những gương mặt đã được đăng quang, tỏa sáng nhờ tài năng.

Nhưng cũng có một sự thật rằng, trong hàng ngàn đến hàng chục ngàn thí sinh ấy, số đông vẫn là những bạn trẻ đi thi chỉ với khát khao với lấy những ánh hào quang ảo được tạo ra từ các cuộc thi, còn tài năng thì chẳng có gì! Đó là điều đã được minh chứng qua cả 4 mùa trước đây. Hàng loạt thí sinh chỉ đến để… gây cười chứ không phải thi hát. Thế nên sau mỗi vòng Thử giọng, BTC đều có được một đĩa hậu trường tập hợp những tiết mục đặc biệt. Đây vốn là một "món đặc sản" của Vietnam idol mà khi xem, người ta có thể cười đến vỡ bụng dù đây không phải là cuộc thi tấu hài!

Và một điều dễ thấy là chất lượng của các “thần tượng” ngày càng tụt giảm nghiêm trọng. Gần nhất là Idol mùa thứ 4 vừa qua, những người vào đến vòng cuối cùng đều nhợt nhạt phong cách lẫn giọng hát; chương trình thì chủ yếu thu hút bằng những câu chuyện yêu đương bên lề của một thí sinh chuyển giới. Và đôi khi chương trình còn làm khán không khỏi bực mình vì "chiêu" chọn người khó hiểu của ban giám khảo: giọng ca “thảm họa” được ở lại, người tốt hơn lần lượt ra về!

Còn quán quân Ya Suy, một chàng trai người dân tộc Chu Ru đã chiến thắng cuộc thi năm rồi nhưng hoàn toàn không phải vì giọng hát mà là vì sức mạnh của nghị lực, niềm tin, sự chân chất hiếm có của một thí sinh "nhà quê"…

Câu hỏi đặt ra là vì sao ngày nay giới trẻ ngày càng mong muốn với việc trở thành “người của công chúng” đến thế? Ngoài một số ít đam mê và có năng lực thật sự thì nhiều nhất vẫn là vì họ bị cuốn theo những gì lung linh, hào nhoáng trên các sân khấu; họ bị hấp dẫn với sự nổi tiếng, được đám đông tung hô. Và những hình ảnh về cuộc sống xa hoa với nhà tiền tỉ, xe sang, trang sức nghìn đô… mà đàn anh, đàn chị đã cố tình tô vẽ lên cũng đã lôi cuốn họ, cho dù thực tế thì đó chỉ là những món đồ mượn!

Nhưng có lẽ những điều đó chưa phải là điều thảm hại hơn so với việc người ta sẵn sàng từ chối lòng tự trọng, văn hóa của mình khi cố chen lấn, la hét, thậm chí đạp đổ cả hàng rào để được vào thi hát, để có cơ hội làm người nổi tiếng! Nếu như những con người đó sau cuộc thi này mà “may mắn” trở thành “thần tượng” thì showbiz sẽ có thêm những người nổi tiếng nhưng phi văn hóa kiểu như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng - một ca sĩ sẵn sàng xúc phạm bậc tiền bối, phản cảm khi hôn môi nhà sư trên sân khấu chẳng hạn!

Lê Vân