Mùa Xuân Arập còn gì sau 5 năm?

16:55 | 25/01/2016

1,915 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 25/1/2011, hàng trăm nghìn người Ai Cập đã biểu tình đòi Tổng thống Hosni Moubarak từ chức trong làn sóng cách mạng dân tộc, mà sau này được gọi là “Mùa Xuân Arập” khởi đầu ở Tunisia. 5 năm sau, cuộc cách mạng này không những không còn lại gì mà còn đang gây họa cho thế giới.
tin nhap 20160125165025
Quảng trường Tahrir tại Cairo, Ai Cập, ngày 24/1/2016

Mùa Xuân Arập xuất phát từ Tunisia khi một thanh niên bán hàng rong đã tự thiêu tại Sidi Bouzid để phản đối cảnh sát tịch thu hàng của anh.

Ngày 14/1/2011, sau 23 năm cầm quyền, Tổng thống Ben Ali phải bỏ trốn trước sức ép của người dân. Tunisia là nước duy nhất vượt qua được giai đoạn chuyển tiếp, song thường xuyên trở thành mục tiêu tấn công khủng bố.

Ngày 25/1/2011, hàng trăm nghìn người Ai Cập đã biểu tình đòi Tổng thống Hosni Moubarak từ chức. Gần một tháng sau đó, ngày 11/2/2011, Tổng thống Moubarak, cầm quyền từ năm 1981, phải từ chức và trao lại quyền lực cho quân đội sau 18 ngày dưới sức ép của các cuộc biểu tình của người dân. 5 năm sau, Ai Cập không có gì khác dù chính quyền có mới. Các phe phái vẫn tranh giành quyền lực và đất nước đang đứng trước nguy cơ bị IS tấn công.

Tại quốc gia nhỏ bé Bahrein, làn sóng phẫn nộ bắt đầu từ ngày 14/2/2011 do người Hồi giáo Shia khởi xướng để chống lại chính quyền Sunni, song phong trào nhanh chóng bị bóp nghẹt từ trong trứng nước.

Ngay hôm sau, ngày 15/2/2011, tới lượt người dân Libya vùng dậy chống chế độ của Tổng thống Mouammar Kadhafi. Từ ngày 19/3/2011, theo ủy nhiệm của Liên Hiệp Quốc, liên quân do Mỹ và Anh đứng đầu, đã can thiệp quân sự nhằm lật đổ chế độ Kadhafi. Từ đó, quốc gia trở thành miếng mồi tranh giành giữa các phe phái trong nước và đang dần bị tổ chức IS từng bước xâm chiếm.

Đúng một tháng sau sự kiện tại Libya, tới lượt Tổng thống Syria phải đối mặt với các cuộc biểu tình ôn hòa, song bàn cờ ở đây vẫn chưa ngã ngũ. Cho tới nay, cả nước chìm trong nội chiến với hơn 250.000 người chết và làm mồi cho tổ chức IS.

Ngày hôm nay, 25/1/2016, cuộc đàm phán hòa bình giữa các phe phái ở Syria bắt đầu mở ra tại Geneva dưới sự bảo trợ của LHQ mà chưa biết kết quả sẽ thế nào.

Cuối cùng tới lượt Yemen, người dân xuống đường vào tháng 2/2012. Tổng thống Ali Abdallah Saleh buộc phải từ chức và vị Phó Tổng thống Rabbo Mansour Hadi lên thay.

Hôm qua, 24/1, những người “cách mạng” tại Ai Cập kêu gọi tổ chức kỷ niệm ngày xuống đường nhưng không ai hưởng ứng. Quảng trường Tahrir, ở Cairo, hôm qua không có gì khác biệt.

Trong khi không đem lại được tí “dân chủ” nào như phòng trào mong muốn, Mùa Xuân Arập còn biến thành thảm họa cho khi nó kéo theo “Mùa Đông Hồi giáo cực đoan”. Các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi giờ chìm trong rối loạn. Ngoài chuyện các phe phái tranh giành quyền lực, khủng bố ở khặp nơi khiến người dân hoảng sợ mà bỏ chạy sang châu Âu khiến lục địa này điêu đứng trong hơn một năm qua.

H.Phan

Theo Le Monde