Một góc nhìn khác về ùn tắc giao thông

14:54 | 11/10/2011

454 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong khi ngành Giao thông đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp chống ùn tắc và giảm tai nạn giao thông thì nhiều người dân cũng tham gia “hiến kế” hết sức sôi nổi. Với trách nhiệm công dân, ông Vũ Tuyên muốn chứng minh đề án mình đưa ra không phải là ý tưởng bột phát mà có tính toán rõ ràng, chi tiết.

Những câu hỏi chưa lời đáp

Các chuyên gia cho rằng khả năng vận chuyển của dòng xe máy trên làn đường rộng 3,5 m là tương đương xe buýt và hơn hẳn xe con. Bạn đọc cho rằng xe máy nhỏ hơn ô tô, lại tiện dụng và thiết thân nên không thể cấm được. Nếu chỉ xét các yếu tố trên thì cũng đúng.

Như vậy có thể kết luận: “lưu thông bằng xe máy hiệu quả hơn ô tô con và cả xe buýt” (chỉ tính hiệu quả vận chuyển).

Lại thêm nữa, theo thống kê của CSGT, số vụ gây tai nạn tính trên 10.000 ô tô cao hơn so với 10.000 xe máy 5 lần. Thế thì dùng xe máy vừa tiện lợi, vừa hiệu quả, lại an toàn.

Có điều chưa biết là CSGT so sánh theo “hệ quy chiếu” nào?

Xe máy đang gây ra quá nhiều lộn xộn trong giao thông (Ảnh: Mạnh Thắng)

Tại sao đường phố các nước, nhất là các nước phát triển lại không nhiều xe máy như Việt Nam? Tại sao Trung Quốc sản xuất rất nhiều xe máy, nhưng từ lâu đã cấm xe máy ở Bắc Kinh, Thượng Hải, nay lại thêm Hàng Châu, Tô Châu. Họ không biết những luận cứ khoa học trên hay họ không vì người nghèo?

Các ý kiến đều thống nhất là “cần phải xây dựng ý thức giao thông để giảm ùn tắc”. Vậy ý thức giao thông tác động như thế nào đến ùn tắc? Nhiều nơi đường rộng, chất lượng tốt mà vẫn tắc?

Người thì bảo do quá tải phương tiện. Người thì bảo do đi lại lộn xộn. Vậy thì quá tải phương tiện và sự lộn xộn tác động tới ùn tắc theo nguyên lý nào?

Có ý kiến đề nghị dãn dân vùng lõi, đưa trường học, bệnh viện ra ngoại thành là hết tắc đường. Đúng, nhưng căn cứ khoa học ở đâu?

Thông lượng dòng phương tiện

Trước hết xin đưa ra khái niệm “Thông lượng dòng phương tiện” (gọi tắt là thông lượng) được định nghĩa như sau: Thông lượng của một dòng phương tiện (cùng loại) qua một quãng đường là số phương tiện đi qua quãng đường đó trong một đơn vị thời gian.

Thông tư 13/2009/TT-GTVT quy định trên đường bộ các xe chạy dưới tốc độ 60 km/h phải cách nhau 30m. Trong đô thị, không có loại xe nào được phép chạy hơn 50 km/h.

Xe máy có chiều dài cơ sở nhỏ nhất, nên khi cùng một tốc độ, thì thông lượng sẽ lớn nhất. Thêm nữa, làn đường rộng 3,5m có thể chia đôi và khoảng cách giữa hai xe có thể nhỏ hơn 30m mà xe máy vẫn chạy an toàn. Rõ ràng khả năng lưu thông của xe máy cao nhất. Tuy số người được phép chở nhỏ hơn xe buýt nhiều lần, nhưng nhờ ưu thế số lượng, dòng xe máy vẫn được xem là có khả năng vận chuyển đáng kể.

Xe buýt có chiều dài cơ sở gấp 5 lần xe máy, nhưng chỉ đi hàng một trên làn đường rộng 3,5m, nên thông lượng sẽ nhỏ hơn xe máy 10 lần. Nhờ ưu thế về số người được phép chở (gấp xe máy 25 lần) nên nó vẫn đóng vai trò chủ đạo trong vận chuyển hành khách.

Xe con dài gấp 2,5 lần xe máy; được phép chở hơn 2,5 lần, nhưng không thể nhân đôi trong làn đường rộng 3,5m, nên khả năng vận chuyển hành khách thấp hơn xe máy một nửa. Nếu trên ô tô chỉ có hai người, thì khả năng đó nhỏ hơn 5 lần.

Căn cứ vào công thức trên, các chuyên gia ủng hộ xe máy, tẩy chay xe con là đúng.

Hệ số suy giảm thông lượng

Có nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động đến dòng phương tiện nên không phải lúc nào nó cũng ở trạng thái vận chuyển tốt nhất.

Tác động của hạ tầng giao thông: các yếu tố như độ rộng, độ dốc, chất lượng mặt đường; khoảng cách giữa các giao cắt; chất lượng của hệ thống thông tin, tín hiệu; khả năng tổ chức giao thông; ảnh hưởng của dân cư ven đường… là những yếu tố thuộc về hạ tầng giao thông.

Tác động của dòng phương tiện lên chính nó: Khi lưu thông, bản thân các phương tiện cũng ảnh hưởng lẫn nhau. Hãy tạm công nhận điều này bằng trực giác: “đường đông và lộn xộn thì không thể chạy nhanh”.

Ta xét hệ ở một tốc độ cố định. Trạng thái lý tưởng nhất là tất cả các phương tiện chuyển động thẳng đều. Gia tốc bằng không, có nghĩa là “không có sự chậm lại”, hay nói khác đi là dòng phương tiện không ùn tắc. Khi dòng phương tiện hoàn toàn ổn định, ta nói nó có độ trật tự cao nhất.

Thực tế, do yếu tố ngẫu nhiên, không thể có dòng phương tiện chuyển động thẳng đều. Khi có sự thay đổi tốc độ phương tiện, bắt đầu mất cân bằng. Mật độ càng cao, ảnh hưởng do sự thay đổi ngẫu nhiên của tốc độ càng lớn, sẽ bị mất cân bằng càng nhanh. Ngoài ra, sự chuyển hướng cục bộ của từng phương tiện làm tăng tính hỗn loạn, kéo theo khả năng va chạm tăng. Các phương tiện bắt buộc phải giảm tốc độ để tạo sự cân bằng mới.

Mật độ phương tiện tăng tới giới hạn (xe nọ sát xe kia), người ta phải tìm cách luồn lách để thoát ra (chuyển hướng) thì đấy là lúc ùn tắc đã xảy ra.

Với quy luật lưu thông phổ biến hiện nay là “lấn lướt và lấp lỗ trống”, sự tăng mật độ, độ mất trật tự do yếu tố con người lớn hơn các yếu tố ngẫu nhiên rất nhiều lần. Đó là nguyên nhân, có thể là quan trọng nhất, gây nên ùn tắc giao thông.

Hiện nay, giao thông ở các đô thị lớn đang có thực trạng như trên: xe máy, ô tô, xe buýt đan xen vào nhau khiến tốc độ tất cả các phương tiện giảm. Khả năng vận chuyển trên đầu phương tiện thấp.

Vì vậy, ông Vũ Tuyên – tác giả đề án “Giờ không xe máy” có kiến nghị hạn chế xe máy trong giờ cao điểm (6h – 8h, 11h – 13h, 16h30 – 18h30) để rộng đường cho xe buýt hoạt động.

Vũ Tuyên – Tác giả đề án “Giờ không xe máy”

Đức Chính (ghi chép)