Mở rộng “không gian” kinh tế nông nghiệp

11:00 | 14/02/2024

1,752 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Phải lan toả và làm sâu sắc tư duy kinh tế nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo không gian phát triển, nâng cao giá trị cho nông nghiệp”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Năm 2023, ngành Nông nghiệp đã tăng trưởng tích cực với 3,83%, mức tăng cao nhất trong 10 năm qua, thể hiện được vai trò “trụ đỡ” nền kinh tế, điều gì tạo nên thành quả trên thưa Bộ trưởng?

Đó là sự chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp của ngành. Như tôi thường nói: “Mọi sự thay đổi đều khó khăn nhưng nếu không thay đổi còn khó khăn hơn”, chúng ta hay nói về sự cân nhắc cho “cái giá của sự thay đổi”, nhưng lại ít cân nhắc về “cái giá của sự không thay đổi”. Thế giới không đứng yên, người tiêu dùng không chỉ mua sản phẩm mà mua cách tạo ra sản phẩm đó, mua câu chuyện sản phẩm đó của người nông dân, của đất nước, như câu chuyện rượu vang Bordeaux nổi tiếng thế giới chẳng hạn.

Tuy nhiên, để thay đổi một người đã khó, thay đổi cả triệu hộ nông dân còn khó gấp bội. Do đó, sự thay đổi cũng cần vừa đủ, không thể cùng lúc thay đổi quy mô thành nông nghiệp công nghệ cao ngay. Công nghệ cần “vừa đủ”, phù hợp cho từng tầng, nhóm đối tượng người nông dân, phù hợp với quy mô doanh nghiệp. Qua đó, từng khâu trong chuỗi được thay đổi. Kinh nghiệm thế giới cũng đi theo từng tầng như vậy. Nhà nước sẽ dẫn dắt quy hoạch, những câu chuyện lớn còn nông dân hay doanh nghiệp trong chuỗi cũng phải thay đổi tư duy sản xuất và xây dựng thị trường của mình.

Từ khoá “nông nghiệp xanh” đã được nhắc tới rất nhiều, vậy trong năm 2024 và giai đoạn tới, thông điệp này sẽ được thể hiện như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Trước đây, môi trường vốn dĩ xanh, chúng ta phát triển kinh tế làm tài nguyên cạn kiệt, biến đổi về đa dạng sinh học, vô hình khiến môi trường tổn hại. Như vậy, “xanh” hiện nay là sự trở lại để giữ gìn, cân bằng giữa phát triển kinh tế và môi trường tự nhiên. Bằng khoa học công nghệ và cách tiếp cận mới chúng ta có thể không phải “đánh đổi” môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Ví dụ như trước đây, trồng lúa làm tăng phát thải khí nhà kính, nuôi trồng thuỷ sản gây phát thải khí mê-tan. Nhưng nay, bằng khoa học công nghệ chúng ta có Đề án 1 triệu héc- ta lúa chất lượng cao giảm phát thải, Dự án phát triển thuỷ sản bền vững... Điều đó chứng tỏ Việt Nam đã chủ động tham gia vào “thị trường xanh” và đây là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược.

Mở rộng “không gian” kinh tế nông nghiệp

Cụ thể, Bộ NN&PTNT có kế hoạch như thế nào để hiện thực các mục tiêu phát triển bền vững, thưa Bộ trưởng?

Đó là tiếp tục làm sâu sắc và lan toả hơn nữa tư duy “kinh tế nông nghiệp”. Chúng ta nói nhiều tới chuyển đổi từ tư duy nhưng thực tế quán tính quá lớn. Từ quán tính sức ép mùa vụ trong cách sản xuất của người nông dân, quán tính sức ép thương vụ của người doanh nghiệp, tới quán tính trong cơ chế vận hành của Nhà nước. Do đó, phải làm lan toả và sâu sắc tư duy này, từ đó thay đổi hành động, nâng cao hiệu quả.

Thứ hai, cùng nhau thống nhất rằng nông nghiệp không chỉ là nông nghiệp mà đã tích hợp với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, cộng hưởng tạo giá trị. Chúng ta không giới hạn không gian phát triển của nông nghiệp, không chỉ là sản xuất mà phải biết kể câu chuyện cho sản phẩm. Đơn cử như làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) không chỉ bán hoa ngày Tết, ngày rằm như trước kia. Hiện nay, đã có nhiều mô hình thu hẹp một chút không gian sản xuất, làm thêm điểm dừng nghỉ cho du khách tạo giá trị lớn hơn.

Chúng ta phải thay đổi để tạo ra không gian giá trị cho ngành Nông nghiệp, du lịch nông nghiệp, nông nghiệp giải trí, nông nghiệp thông minh... Chúng ta phải tạo ra hiệu ứng truyền thông lan toả những thông điệp mới này.

Năm 2024 dự báo còn nhiều khó khăn bất ổn, vậy ngành Nông nghiệp có kế hoạch như thế nào để hiện thực mục tiêu xuất khẩu đạt 55 tỷ USD?

Đó là kế hoạch cụ thể, nhưng nếu tư duy chúng ta cứ từng mùa, từng năm thì chúng ta chỉ nhích thêm một chút. Những thay đổi về tư duy, hành động, tạo không gian cho nông nghiệp phải xa hơn, 5-10 năm tới. Mà nếu không làm từ hôm nay thì chúng ta sẽ không có được nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ. Do đó, tôi mong muốn chúng ta có tầm nhìn dài hạn hơn.

Trước mắt, cần liên kết các chuỗi ngành hàng bền vững hơn, tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại thị trường, liên kết người sản xuất và doanh nghiệp tạo ra thị trường, ứng dụng khoa học cao hơn nữa. Về lâu dài, có những điều có thể không đong đếm hiệu quả ngay tức thì trong năm 2024 như liên kết chuỗi hay đẩy mạnh thị trường nội địa, nhưng đó là quá trình sắp xếp cơ cấu lại để thay đổi dài hạn. Bộ NN&PTNT cũng đang xây dựng thang chỉ số để đo đếm Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Cùng nông dân làm kinh tế nông nghiệp - Những tín hiệu vuiCùng nông dân làm kinh tế nông nghiệp - Những tín hiệu vui
Việt Nam mới “thiên” về giám sát mà chưa chú trọng về đánh giá trong kinh tế nông nghiệpViệt Nam mới “thiên” về giám sát mà chưa chú trọng về đánh giá trong kinh tế nông nghiệp
Ngành nông nghiệp sẽ phải đổi mới tư duy sản xuấtNgành nông nghiệp sẽ phải đổi mới tư duy sản xuất
Phấn đấu đến năm 2023, giá trị xuất khẩu các mặt hàng ngành nghề nông thôn đạt trên 6,0 tỷ USD/nămPhấn đấu đến năm 2023, giá trị xuất khẩu các mặt hàng ngành nghề nông thôn đạt trên 6,0 tỷ USD/năm

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc