Cần phải thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp

16:12 | 18/07/2024

131 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nông nghiệp Việt Nam sẽ không thể tiếp tục cạnh tranh trên cơ sở chi phí thấp, thâm dụng lao động và dựa vào tài nguyên. Do vậy, đã đến lúc cần phải thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp, đó là chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phát triển nông nghiệp trong tương lai phải dựa vào hiệu quả trên cơ sở giống mới chất lượng hơn, chuyển sang hữu cơ, sản phẩm sạch.

Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại tọa đàm “Cơ hội, tiềm năng của ngành nông nghiệp Việt Nam và khả năng hợp tác Việt Nam - Đài Loan trong phát triển chuỗi nông sản” do Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 17/7.

Cần phải thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp
Toàn cảnh tọa đàm.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt nam tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, nông nghiệp Việt Nam phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao.

Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực trong nông nghiệp còn hạn chế, chưa trở thành động lực chính để tạo đột phá phát triển; nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu.

Thu hút đầu tư cho phát triển nông nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gặp nhiều khó khăn. Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn còn thấp, chiếm khoảng 1,3% tổng số doanh nghiệp, trong đó đa số là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, hạn chế về nhân lực, tài chính, khoa học công nghệ, khả năng phát triển thị trường và vùng nguyên liệu.

Cần phải thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại tọa đàm.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức do sự phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nông nghiệp Việt Nam sẽ không thể tiếp tục cạnh tranh trên cơ sở chi phí thấp, thâm dụng lao động và dựa vào tài nguyên.

"Chúng ta phải thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp, đó là chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Tăng trưởng trong tương lai phải dựa vào hiệu quả trên cơ sở giống mới chất lượng hơn, chuyển sang hữu cơ, sản phẩm sạch", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Ngoài ra, cơ cấu sản xuất và cách thức tổ chức chuỗi cung ứng cũng cần thay đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, bền vững, cuối cùng là nâng cao giá trị kinh tế trên một diện tích đất sử dụng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần tiếp cận theo hướng phát triển nông nghiệp hiệu quả cao dựa trên ứng dụng công nghệ cao, chứ không đơn thuần chỉ là phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đã đến lúc làm nông nghiệp quy mô có thể không cần lớn nhưng cần chú trọng hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao, tiết kiệm được sức lao động, nguồn nước, phân bón... Phải giúp người nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình, không cần phải ly hương, ly nông.

Cần phải thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp
GS, TS Thái Đông Soán chia sẻ về kinh nghiệm phát triển nông nghiệp hiệu quả.

Tại tọa đàm, GS.TS Thái Đông Soán - Trường Đại học Quốc gia Trung Hưng, Đài Loan (Trung Quốc) đã chia sẻ về kinh nghiệm phát triển nông nghiệp hiệu quả tại Đài Loan, đồng thời đưa ra một số gợi mở cho phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay.

GS.TS Thái Đông Soán nhấn mạnh, việc dựa trên các điều kiện khí hậu, vị trí địa lý và thổ nhưỡng của từng vùng miền để quy hoạch thành các vùng trồng cây ăn quả, rau màu khác nhau, như vậy sẽ phát huy được điểm mạnh, lợi thế của từng địa phương.

Ngoài ra, cần phải có các lớp đào tạo, nâng cao kiến thức cho người nông dân với sự song hành của chính quyền và các liên đoàn hợp tác xã, như vậy mỗi người nông dân sẽ có thể trở thành một chuyên gia về nông nghiệp. "Khi người nông dân có kiến thức về nông nghiệp, họ sẽ nhận thức được việc không lạm dụng thuốc trừ sâu và không lãng phí về phân bón", GS Thái Đông Soán nói.

Với nền nông nghiệp Việt Nam, GS.TS Thái Đông Soán gợi mở cần hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu, thay vì lạm dụng thuốc trừ sâu thì có thể phát triển về sinh học y tế để tăng khả năng phòng bệnh cho cây trồng. Việt Nam nên theo hướng phát triển nông nghiệp an toàn thực phẩm, bởi đi theo hướng này không những hỗ trợ vấn đề tiêu thụ quốc tế mà còn bảo vệ môi trường sinh thái trong nước.

Nhận định xu hướng phát triển nông nghiệp của thế giới trong thời gian tới sẽ hướng đến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, GS.TS Thái Đông Soán cho rằng, Việt Nam với lợi thế của khí hậu nhiệt đới cần phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn thực phẩm, hạn chế và kiểm soát tốt dư lượng bảo vệ thực vật, chú trọng sử dụng các loại phân bón vi sinh. Những nông sản xuất khẩu đảm bảo chất lượng từ canh tác an toàn như vậy không chỉ được đón nhận trên thị trường quốc tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường thiên nhiên đã ưu đãi cho Việt Nam. Hơn thế, đây là tiêu chí đạo đức của nhà nông, của doanh nghiệp; đồng thời mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp phụ trợ.

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến đóng góp tích cực, tâm huyết đến từ phía các chuyên gia và doanh nghiệp nông nghiệp trên cả nước với kỳ vọng đưa ra định hướng chiến lược và giải pháp giúp đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng đổi mới sáng tạo và hiệu quả.

Với tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 53 tỷ USD trong năm 2023, xuất siêu đạt mức kỷ lục 12 tỷ USD (tăng 43%), Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có một số mặt hàng xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới, góp phần khẳng định vị thế quan trọng của ngành nông nghiệp và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

N.H

Cơ hội và chính sách trong nông nghiệp công nghệ caoCơ hội và chính sách trong nông nghiệp công nghệ cao
Chuyển đổi số để phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng đa chức năng, kinh tế tuần hoànChuyển đổi số để phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng đa chức năng, kinh tế tuần hoàn
Australia tài trợ cho các dự án đổi mới sáng tạo phát triển nông nghiệp công nghệ caoAustralia tài trợ cho các dự án đổi mới sáng tạo phát triển nông nghiệp công nghệ cao

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc