Cơ hội phát triển nông nghiệp bền vững từ ứng dụng công nghệ 5.0

10:37 | 24/07/2024

296 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Diễn đàn Nông nghiệp 2024 "Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0" đã góp phần nhận diện các cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, đưa ra giải pháp để ứng dụng công nghệ 5.0, tạo chuỗi sản xuất cung ứng ngành nông nghiệp bền vững…

Ngày 23/7 tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn Nông nghiệp 2024 "Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0". Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí (PVFCCo) đồng hành cùng diễn đàn.

Cơ hội phát triển nông nghiệp bền vững từ ứng dụng công nghệ 5.0
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng phát biểu tại diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng khẳng định, trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết, theo thống kê trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản đạt 3,38%, cao nhất trong nửa đầu năm của 5 năm gần đây. Trong đó, nông nghiệp tăng 3,15%; lâm nghiệp tăng 5,34%; thủy sản tăng 3,76%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, ngành nông nghiệp tự tin nâng mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm lên 57-58 tỷ USD, cao hơn 2-3 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ giao từ đầu năm.

Trong bối cảnh nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức do sự phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhận định nông nghiệp Việt Nam sẽ không thể tiếp tục cạnh tranh trên cơ sở chi phí thấp, thâm dụng lao động và dựa vào tài nguyên. Cần phải thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp, đó là chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã lan tỏa rộng rãi với sự nỗ lực của nhiều quốc gia trong chuyển đổi số dẫn tới sự phát triển nhanh chóng, đồng thời chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu, như xung đột địa chính trị, tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, thu hẹp diện tích canh tác, trái đất nóng lên, xâm nhập mặn… thì việc thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các ngành kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng là rất cấp thiết. Đặc biệt, với ngành nông nghiệp Việt Nam có chủ thể là hàng chục triệu nông dân với quy mô sản xuất còn nhiều hạn chế, trình độ công nghệ chưa cao, năng suất lao động thấp dễ tổn thương và chịu nhiều tác động của sự phát triển như vũ bão của các ngành công nghiệp.

Cơ hội phát triển nông nghiệp bền vững từ ứng dụng công nghệ 5.0
Toàn cảnh diễn đàn

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhận định, cần tiếp cận theo hướng phát triển nông nghiệp hiệu quả cao dựa trên ứng dụng công nghệ cao, chứ không đơn thuần chỉ là phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Cũng chính vì vậy, phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ 5.0 vào nông nghiệp sản xuất hàng hoá đang là một trong những xu hướng được nhiều doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã áp dụng và đã chứng minh được tính hiệu quả, góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp.

Hướng phát triển bền vững kể trên cũng chính là cơ hội được tạo ra trên nền tảng công nghệ 5.0. Trong khi Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự kết hợp giữa robot, trí thông minh nhân tạo, thiết bị kết nối mạng nhanh và dữ liệu lớn trong một môi trường sản xuất, hoạt động hiệu quả, nhanh chóng của các nhà máy công xưởng phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ thì Cách mạng công nghiệp 5.0 lại tập trung vào sự hợp tác giữa con người và máy móc, qua đó nâng cao kỹ năng của người công nhân, cung cấp giá trị gia tăng trong sản xuất dẫn đến tùy biến và cá nhân hóa các sản phẩm hàng hóa.

“Nói cách khác, nông nghiệp ứng dụng công nghệ 5.0 gợi mở tầm nhìn về một nền nông nghiệp hiệu quả, năng suất cao, trong đó sự hợp tác của con người với khoa học - công nghệ được đề cao. Với ngành nông nghiệp khi việc ứng dụng công nghệ 5.0 với khoa học kỹ thuật hiện đại song hành với người sản xuất, hàng chục triệu nông dân sẽ được tiếp cận, đào tạo kỹ năng để thích ứng với công nghệ mới, tạo ra những sản phẩm nông sản đa giá trị cho nền nông nghiệp bền vững”, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Cơ hội phát triển nông nghiệp bền vững từ ứng dụng công nghệ 5.0
Nông nghiệp có cơ hội phát triển bền vững từ ứng dụng công nghệ 5.0

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 5 là cơ hội to lớn đối với ngành nông nghiệp khi việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại song hành với người sản xuất, doanh nghiệp và Nhà nước đầu tư, góp phần nâng cao kĩ năng, trình độ và năng lực đủ để thích ứng với công nghệ mới, tạo ra những sản phẩm đa giá trị.

Do đó ngành nông nghiệp Việt Nam cần sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp và chính các nhà quản lý, các bộ, ngành liên quan. Ứng dụng KHCN và Đổi mới sáng tạo vào hoạt động sản xuất nông nghiệp rất cần sự gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp nông nghiệp và các tổ chức, Doanh nghiệp Khoa học công nghệ. Đó chính là quá trình vừa triển khai, vừa tiếp nhận phản hồi và điều chỉnh liên tục để không ngừng hoàn thiện một hệ sinh thái nông nghiệp xanh - tuần hoàn và bền vững. Chính vì vậy, việc liên kết, bắt tay chặt chẽ giữa các doanh nghiệp nông nghiệp và các tổ chức doanh nghiệp khoa học công nghệ phải được tổ chức như một thiết chế hợp tác đầu tư, sản xuất và kinh doanh trong ngành nông nghiệp.

Cơ hội phát triển nông nghiệp bền vững từ ứng dụng công nghệ 5.0
Các đại biểu chia sẻ tại diễn đàn

Tại diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi, đề xuất một số giải pháp cụ thể như: Cần tăng cường năng lực tiếp cận nông nghiệp thông minh; tiếp tục triển khai sát với điều kiện cụ thể của ngành, địa phương, doanh nghiệp và trang trại của mình để chọn lựa các giải pháp công nghệ phù hợp; các địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao; mở rộng hợp tác quốc tế...

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao Đặng Kim Sơn đề xuất, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng nông nghiệp công nghệ cao gắn với các vùng chuyên canh của các nông sản chủ lực. Áp dụng những chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, nhanh chóng đổi mới cơ chế và hoàn thiện hệ thống tổ chức của các viện nghiên cứu và trường đại học, thực sự gắn kết giữa nghiên cứu và đào tạo, tạo động lực để cán bộ khoa học tập trung vào sáng tạo, quan tâm đến hiệu quả cuối cùng của sản phẩm khoa học...

Phó Trưởng Ban Chính sách tín dụng Agribank Lê Văn Tuấn cho biết, trong chiến lược kinh doanh, Agribank xác định, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là lĩnh vực được ưu tiên và luôn dành nhiều ưu đãi cho khách hàng vay vốn. Ông Tuấn kiến nghị, các bộ, ngành cần nhanh chóng ban hành các khung pháp lý, quy định và hướng dẫn liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tài chính xanh nhằm khơi thông hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp cũng như tổ chức tài chính tham gia vào thị trường nông nghiệp công nghệ cao, tài chính xanh.

N.H

Đến năm 2030, phấn đấu thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 - 3 lần so với năm 2020Đến năm 2030, phấn đấu thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 - 3 lần so với năm 2020
Mở rộng “không gian” kinh tế nông nghiệpMở rộng “không gian” kinh tế nông nghiệp
Khởi nghiệp nông nghiệp xanh: Hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệpKhởi nghiệp nông nghiệp xanh: Hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc