Ngành nông nghiệp sẽ phải đổi mới tư duy sản xuất
![]() |
Nông nghiệp xanh được xem là mô hình phát triển nông nghiệp chủ đạo trong tương lai |
Theo mục tiêu “Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” vừa được Chính phủ ban hành, Việt Nam phấn đấu sánh vai các nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới. Chiến lược thể hiện rõ tính toàn diện, bao trùm, liên ngành trong định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp và nông thôn để xây dựng nền nông nghiệp bền vững theo hướng sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân tri thức văn minh. Chiến lược lần này tập trung nhiều vào phát triển nông dân, nông thôn bên cạnh phát triển nông nghiệp.
Mục tiêu cụ thể của ngành NN&PTNT đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp đạt bình quân 2,5-3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp đạt bình quân từ 5,5-6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân 5-6%/năm… Đến năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn Việt Nam không còn hộ nghèo và trở thành "nơi đáng sống" văn minh, xanh, đẹp...
Phát biểu tại buổi họp báo công bố Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 17/2, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, chiến lược đưa ra nền tảng tổ chức lại sản xuất để phát triển nông nghiệp, nông thôn, cơ cấu lại nông nghiệp. Ngành nông nghiệp sẽ phải đổi mới tư duy sản xuất, đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp; tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đồng thời, chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị”.
Ngành nông nghiệp sẽ hướng đến nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người. Ngành cũng sẽ hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để đạt được những mục tiêu này, ngành nông nghiệp tiếp tục cơ cấu lại theo 3 trục sản phẩm: Quốc gia, cấp tỉnh và địa phương, theo lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; cùng với đó là tăng cường chế biến, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới tổ chức thể chế của hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hội, hiệp hội, ngành hàng... Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tập huấn, đào tạo nông dân, giúp người nông dân chuyển đổi mạnh mẽ tư duy để làm sao cùng một loại nông sản ấy, bà con bán được giá gấp đôi, gấp ba. "Được mùa được giá không phải là câu chuyện của riêng ai, người nông dân hoảng loạn, bán đổ bán tháo nhưng cũng có những người cùng một trái xoài ấy, đưa lên kệ, đóng gói bao bì đẹp đã cho mức giá khác. Nông dân chỉ có thể làm giàu bằng tư duy kinh tế nông nghiệp", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, Bộ NN&PTNT rất nghiêm túc trong việc xây dựng và đưa chiến lược vào cuộc sống, quan trọng nhất là phải tiếp cận với xu thế tiêu dùng xanh của thế giới. Bộ sẽ ban hành kế hoạch hành động chiến lược; các đơn vị trực thuộc Bộ phải trình lãnh đạo Bộ kế hoạch tiếp cận chuyển đổi tư duy theo chiến lược để sớm hiện thực hóa việc xây dựng và đưa chiến lược đi vào cuộc sống.
Phú Văn
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4
-
Tin tức kinh tế ngày 18/4: Thương mại Việt Nam - Lào lập kỷ lục trong quý I/2025