Mở lại kênh cho vay ngoại tệ
TS Nguyễn Minh Phong
Theo Thông tư số 07/2016/TT-NHNN của NHNN ban hành ngày 27-5-2016 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định hoạt động cho vay bằng ngoại tệ (sau khi bị khép lại từ ngày 1-4-2016) thì kể từ 1-6-2016 đến hết ngày 31-12-2016, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối lại được tiếp tục xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ nếu có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay. Đồng thời, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay này cho bên cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ.
![]() |
Khách hàng vay ngoại tệ tại Vietcombank |
Việc điều chỉnh mở lại kênh cho vay bằng ngoại tệ lần này là lần thứ ba kể từ năm 2012 đến nay, nhằm trực tiếp hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các DN xuất khẩu trong bối cảnh mức lãi suất tín dụng tiền VNĐ cao, gây khó khăn trong cạnh tranh xuất khẩu.
Thu hẹp tín dụng ngoại tệ là chủ trương hướng tới việc chuyển dần quan hệ cho vay bằng ngoại tệ, sang “mua đứt - bán đoạn” ngoại tệ; thống nhất sử dụng một đồng tiền VND trên lãnh thổ Việt Nam; ngăn chặn tình trạng mua bán cho vay lòng vòng ăn chênh lãi suất, giảm thiểu áp lực đầu cơ ngoại hối và cả rủi ro tỷ giá cho DN trong hoạt động tín dụng ngoại tệ.
Tuy nhiên, khi lãi suất tiền gửi USD trong nước xuống còn 0% khiến huy động ngoại tệ của các ngân hàng có xu hướng giảm, trong khi lượng tiền ngoại tệ gửi ra nước ngoài lại có xu hướng tăng, còn các DN phải vay tiền đồng với lãi suất cao. Nghịch lý này gây thiệt hại cho cả DN và ngân hàng.
Mở lại kênh cho vay ngoại tệ, các NHTM cũng có thể đối diện với gia tăng áp lực giảm, trong khi cầu ngoại tệ được dự báo sẽ tăng mạnh sau ngày 1-6 nên có thể xảy ra căng thẳng ngoại tệ.
Thực tế cho thấy, các DN được vay ngoại tệ sẽ có lợi vì bán ngoại tệ để mua vào tiền đồng thực hiện hoạt động kinh doanh với lãi suất vay rẻ hơn ít nhất 50% so với vay trực tiếp bằng tiền đồng. Nhưng các DN vay ngoại tệ này cũng sẽ đối diện rủi ro khi đến hạn trả nợ ngoại tệ. Nếu các DN không chủ động được nguồn thu ngoại tệ, thì họ sẽ phải mua USD của ngân hàng với giá cao để trả lại các khoản vay đó. Rủi ro cho việc vay - trả nợ ngoại tệ này sẽ gia tăng gắn với biến động mất cân đối cung - cầu và tỷ giá ngoại tệ vay tăng lên là khá cao, nhất là trong bối cảnh đồng tiền vay có xu hướng lên giá và xuất khẩu trở nên khó khăn, giảm nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu. Trong bối cảnh NHNN thực hiện chính sách tỷ giá trung tâm và điều chỉnh linh hoạt tỷ giá ngoại tệ từ đầu năm 2016 thì rủi ro càng cao nếu DN không chủ động và sử dụng linh hoạt các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá, nhất là coi nhẹ các hợp đồng mua bán ngoại tệ tương lai và các nghiệp vụ (hoán đổi, mua bán quyền chon…) chống rủi ro tỷ giá thông thường khác trên thị trường ngoại hối.
Với tinh thần giảm thiểu rủi ro, giữ ổn định chung trên thị trường tín dụng đó, trong một động thái ít nhiều có liên quan, ngày 27-5-2016, NHNN đã ban hành Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng (NH) nước ngoài. Theo đó, từ ngày 1-7 đến 31-12-2016, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tại NHTM và chi nhánh NH nước ngoài, NH hợp tác xã là 60% (mức hiện nay đang áp dụng), TCTD phi NH là 100%. Và từ ngày 1-1-2017 đến 31-12- 2017, tỷ lệ này tại NH thương mại, chi nhánh NH nước ngoài, NH hợp tác xã xuống 50%, TCTD phi NH xuống 90%. Từ ngày 1-1-2018, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tại NH thương mại, chi nhánh NH nước ngoài, NH hợp tác xã tiếp tục giảm xuống 40%; TCTD phi NH xuống 80%.
Ngoài ra, Thông tư điều chỉnh hệ số rủi ro các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản theo hướng tăng từ 150% hiện nay lên 200% kể từ ngày 1-1-2017; Đồng thời, tăng tỷ lệ đầu tư trái phiếu Chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn của chi nhánh NH nước ngoài từ 15% lên 35%, NHTM Nhà nước từ 15% lên 25%.
Mở rộng hay thắt chặt tín dụng nói chung và tín dụng ngoại tệ nói riêng luôn có tính hai mặt. Bởi vậy, chủ động khai thác các tác động tích cực và kiểm soát các tác động mặt trái là cần thiết và cần được xử lý trên cơ sở phù hợp quy luật thị trường và hài hòa lợi ích các bên liên quan, cả bên vay và bên cho vay…
Năng lượng Mới 538
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chủ động làm việc với phía Hoa Kỳ về các vấn đề đàm phán
-
Tin tức kinh tế ngày 29/4: Giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm ước đạt hơn 14%
-
Bộ Công Thương công bố Quy hoạch điện VIII điều chỉnh
-
Tiêu thụ vàng của Trung Quốc giảm gần 6% trong quý I/2025
-
Liên minh Trung Quốc - EU bù đắp khoảng trống của Mỹ trong cuộc chiến về khí hậu