Minh bạch có điều kiện

12:36 | 14/10/2012

704 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hình thức trao quyền quyết định vào tay khán giả qua hình thức tin nhắn, thường dao động từ 3.000-15.000 đồng/tin, được du nhập cùng lúc với thể loại truyền hình thực tế.

Tuy nhiên, từ trước đến nay, từ “Sao Mai điểm hẹn”, “Vietnams Idol”, “Cặp đôi hoàn hảo”, “Bước nhảy hoàn vũ”... đều chỉ công bố tỉ lệ phần trăm bầu chọn cho từng người mà không thấy sự có mặt của đơn vị kiểm toán độc lập nào.

Thế nhưng mới đây, sau những ngày gây ra cơn sóng ầm ĩ trong dư luận về nghi án dàn xếp kết quả, “The Voice” sẽ công khai số lượng tin nhắn bầu chọn. Động thái này, về mặt nào đó, ít nhiều đã mang lại sự hân hoan cho khán giả, nhưng đồng thời lại đặt ra câu hỏi khác cho Ban Tổ chức (BTC) các chương trình truyền hình lấy tin nhắn làm một phần nguồn thu này.

Trước “The Voice”, giải thưởng “HTV Awards 2012” cũng công khai số lượng tin nhắn với một đơn vị thống kê độc lập là GAPIT, riêng phần thống kê qua phiếu bầu giấy, đơn vị chịu trách nhiệm là Công ty Trương Đoàn. Đây cũng là mùa giải đầu tiên HTV Awards thực hiện điều này, trước đó, dù cũng được gọi là công khai nhưng việc công khai đó chỉ là những con số được xướng lên trong đêm trao giải mà không có một sự bảo chứng nào. Điều đáng nói là, cũng giống như “Giọng hát Việt”, “HTV Awards” chỉ minh bạch tin nhắn khi có scandal diễn ra. Nếu với HTV Awards là sự hoài nghi của fan Mỹ Tâm khi số lượng tin nhắn cho cô thấp hơn cho Hồ Ngọc Hà, dẫn đến việc náo loạn khán đài đêm trao giải và những trận khẩu chiến nảy lửa sau đó thì với “The Voice”, đó là nghi án ưu ái “gà nhà” của Giám đốc âm nhạc Phương Uyên. Việc minh bạch tin nhắn này, dù phần nào có thể dẹp yên những nghi ngờ về kết quả, thì cũng để lại một câu hỏi khác. Bởi, nó cho thấy việc công khai bầu chọn, với sự có mặt của một đơn vị kiểm toán độc lập, hoàn toàn là sự lựa chọn của BTC, không hề bị giới hạn bởi những điều khoản của format. Vậy thì, tại sao trước nay, dù khán giả đã nhiều lần yêu cầu, việc công khai này vẫn không được thực hiện?

Năm 2010, khán giả nhắn tin cho “Sao Mai điểm hẹn” thậm chí còn gặp nỗi uất ức hơn khi nhắn tin cho thí sinh này nhưng kết quả lại “nhảy” sang thí sinh kia, hoặc tin nhắn rơi vào hư vô. Nhà cung cấp đầu số tin nhắn là Công ty TNHH Dịch vụ Truyền hình - Viễn thông Việt Nam thừa nhận, những điều đó là có thật, vì tổng đài gặp sự cố. Tuy nhiên, cho đến hết mùa giải, khán giả vẫn không nhận được một lời xin lỗi nào từ BTC. Tiền của khán giả, lòng tin của khán giả đã bị phớt lờ một cách trắng trợn.

Trở lại với động thái lần này của The Voice, thực chất, việc minh bạch tin nhắn chỉ bởi vì chương trình muốn vớt vát lòng tin của khán giả vốn đã giảm xuống tận đáy sau scandal vừa qua, dẫn đến nguy cơ khán giả sẽ không bỏ tiền nhắn tin và BTC sẽ mất đi một nguồn thu đáng kể. Hóa ra, sự minh bạch này, dù là yêu cầu chính đáng của khán giả, nhưng chỉ được thực hiện... có điều kiện.

Võ Hà