Máy bay Malaysia mất tích: Mất bò mới lo làm chuồng

21:41 | 10/03/2014

1,651 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 10/3, cổ phiếu của Malaysia Airlines đã tụt dốc 18%, xuống mức thấp kỷ lục sau vụ mất tích của chiếc Boeing 777-200.

Hành khách xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur

Và tình hình này vẫn chưa dừng lại ở đây. Năm 2013, Malaysian Airline System, hãng vận hành Malaysia Airlines đã báo lỗ 1,17 tỷ Ringgit (360 triệu USD) so với mức lỗ 432 triệu Ringgit năm 2012. Cũng trong ngày 10/3, phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã hối thúc Malaysia tăng cường nỗ lực tìm kiếm và điều tra vụ chiếc Boeing 777-200 bị mất tích. Cùng ngày 10-3, ông Hà Kiến Trung, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, đồng thời là người đứng đầu Trung tâm tìm kiếm và cứu nạn trên biển Trung Quốc cho biết, nước này đã lên kế hoạch tìm kiếm và cứu hộ chiếc Boeing 777-200 chở 239 người của Malaysia Airlines. Theo đó, ngoài 4 tàu tuần tra và cứu nạn cùng 2 tàu chiến, trong đó có tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn, còn có thêm 3 tàu 115, 31 và 101 được triển khai ra vùng biển được cho là nơi mất tín hiệu liên lạc với chiếc máy bay bị mất tích.

Tối 10/3, một quan chức Malaysia xác nhận, vệt dầu loang ngoài khơi nước này không phải từ chiếc máy bay mất tích của Malaysia Airlines. Tổng Giám đốc Cơ quan thực thi hàng hải Malaysia (MMEA) Amdan Kurish cho biết, mẫu xét nghiệm được lấy từ vệt dầu loang dài 2km, cách bang Kelantan ở bờ biển phía Đông Malaysia khoảng 185km về phía Bắc. Và tới nay giới chức Malaysia vẫn chưa tìm thấy bất kỳ vật thể nào có thể là các mảnh vỡ của chiếc máy bay mất tích. Trong khi đó, giới truyền thông Trung Quốc đã chỉ trích chính quyền Malaysia và hãng hàng không Malaysia Airlines lẩn trốn trách nhiệm trong vụ máy bay mất tích. Trung Quốc cũng đã yêu cầu giới truyền thông trong nước không độc lập phân tích hay bình luận về sự mất tích của chuyến bay MH370. Theo đó, thông tin đăng tải phải phù hợp với thông tin của Cục hàng không dân dụng quốc gia Trung Quốc, Tân Hoa Xã và phải có kiểm chứng trước khi đăng tải.

Cảnh sát Malaysia cho biết, đã nhận dạng được một trong những hành khách đã lên trên chuyến bay MH370 bị mất tích bằng hộ chiếu ăn cắp. Trước đó, Bộ Nội vụ Malaysia cho biết, ít nhất 2 hành khách sử dụng hộ chiếu ăn cắp, một của Italia và một của Áo, đều có đặc điểm nhận dạng là "có khuôn mặt mang đặc trưng châu Á". Nhưng trong tuyên bố tối 10/3, Cơ quan Hàng không Dân dụng Malaysia cho biết, 2 người đàn ông sử dụng hộ chiếu đánh cắp trên chiếc máy bay mất tích "không giống người châu Á". Tính đến nay cơ quan chức năng đã điểm danh được 4 hành khách bị nghi ngờ sử dụng hộ chiếc giả để lên chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines bị mất tích rạng sáng 8/3. Tuy nhiên, Phó chủ tịch điều hành của Malaysia Airlines Hugh Dunleavy cho rằng, họ không có trách nhiệm phải xác thực hộ chiếu.

Ngày 10/3, chính phủ Philippines thông báo, sẽ đánh giá lại các biện pháp an ninh hàng không sau vụ chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích với 2 hành khách lên máy bay bằng hộ chiếu đánh cắp. Theo đó, Cục Nhập cư Philippines sẽ rà soát lại các thủ tục đối với hành khách. Cũng trong ngày 10-3, phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng Giám đốc Cục Hàng không Dân dụng Malaysia Azharuddin Abdul Rahman cho biết, an ninh tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur tuân thủ theo các tiêu chuẩn và nguyên tắc quốc tế mặc dù đã có 2 hành khách sử dụng hộ chiếu ăn cắp để đi trên chuyến bay MH370. Ông Azharuddin Abdul Rahman cũng bác bỏ thông tin về việc tìm thấy cửa của chiếc máy bay mất tích.

Ngày 10/3, trao đổi với phóng viên tờ New Straits Times, thương nhân Alif Fathi Abdul Hadi (29 tuổi), sống tại Ketereh, bang Kelantan (Malaysia) khẳng định, đã nhìn thấy một ánh sáng trắng được cho là máy bay mất tích đang hạ thấp độ cao và bay về phía Biển Đông vào 1h45 ngày 8-3 (theo giờ địa phương). Tờ Strait Times của Singapore đã đưa ra 5 giả thuyết có thể xảy ra đối với chiếc máy bay bị mất tích. Đó là bị khủng bố, nổ trên không, hỏng động cơ, mất lực nâng đột ngột và lỗi phi công. Trong khi đó hãng tin AP đưa ra 8 kịch bản có thể dẫn tới vụ mất tích của chuyến bay MH370. Đó là khung máy bay vỡ, thời tiết xấu, phi công mất phương hướng, cả hai động cơ đều hỏng, bị đánh bom, cướp máy bay, phi công tự sát và quân đội một quốc gia bắn nhầm máy bay.

Ngày 10/3, tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng, cách đây 2 năm (2012-2014), một tòa án tại New Zealand đã tuyên phạt Malaysia Airlines 4.645 USD vì để một hành khách lên máy bay, bất chấp lệnh cấm từ cơ quan xuất nhập cảnh tại Wellington. Trước đó (2007), Malaysia Airlines từng bị xét xử về một trường hợp tương tự. Theo tờ The USA Today, dù có hàng triệu hộ chiếu được liệt kê là bị mất cắp, bị mất hay thất lạc, nhưng chỉ có vài quốc gia kiểm tra hộ chiếu một cách có hệ thống tại các cửa sân bay. Ông Michael Greenberger, Giám đốc trung tâm y tế và an ninh nội địa trường đại học Maryland cho rằng, hộ chiếu là một mắt xích rất lỏng lẻo trong hệ thống an ninh đi lại toàn cầu.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 10/3, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc Chu Cường đã cam kết, sẽ trừng phạt nghiêm khắc những phần tử khủng bố như vụ tấn công nhà ga Côn Minh tối 1/3.

Anh-Trang-Cường

 

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc