Mang thai hộ - niềm vui khó thành hiện thực

07:00 | 24/04/2015

803 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nghị định số 10/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc cho phép mang thai hộ đi vào cuộc sống thực sự là niềm vui đối với những cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh. Thế nhưng, khi triển khai những quy định này, thực tế cho thấy có rất nhiều khó khăn đang chờ trước mắt với cả “tiền” và “hậu” mang thai hộ. Phóng viên Báo Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, chuyên viên cao cấp, Bộ Y tế về vấn đề này.

Năng lượng Mới số 413

PV: Thưa ông, quy định về việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15-3-2015. Việc này mang lại những thuận lợi và khó khăn gì?

TS Nguyễn Huy Quang: Đây sẽ là vấn đề mà theo hình dung của tôi rất phức tạp do liên quan đến đạo đức, con người. Ở nhiều quốc gia phát triển khi mang thai hộ trở thành luật và đưa vào cuộc sống thì cũng đã bộc lộ những khó khăn.

PV: Cụ thể những khó khăn đó là gì, thưa ông?

TS Nguyễn Huy Quang: Cái khó khăn đầu tiên và lớn nhất mà ai cũng nhìn thấy kể từ khi Luật Cho phép mang thai hộ có hiệu lực chính là ngăn ngừa tình trạng thương mại hóa trong việc này. Ngay như cái tên của Luật “Cho phép mang thai hộ” cũng thấy rõ “tuyên ngôn” của luật: Cấm đẻ thuê. Các quy định của luật theo đó cũng được xây dựng dựa trên cơ sở đó, vừa bảo đảm mục đích nhân đạo, vừa ngăn chặn tình trạng tiêu cực có thể xảy ra, trong đó có thương mại hóa…

Mang thai hộ - vẫn khó!

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế

PV: Trong Hội thảo Phổ biến Nghị định số 10/2015/NĐ-CP của Chính phủ có ý kiến cho rằng, những quy định vẫn chưa rõ ràng, dẫn đến khó khăn cho những bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Theo ông có cần quy định lại?

TS Nguyễn Huy Quang: Với đối tượng được nhờ mang thai hộ, nghị định quy định phải là họ hàng trong vòng 3 đời của chồng hoặc vợ nhờ mang thai hộ nhưng phải cùng hàng. Khi làm thủ tục hồ sơ xin phép mang thai hộ, bên cạnh việc thẩm định của ngành y tế (bệnh viện nơi được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ) thì chính quyền địa phương, cụ thể cấp phường, xã phải chứng nhận mối quan hệ của họ.

Thế nhưng, chúng tôi cũng đặt ra vấn đề, nếu người được nhờ mang thai hộ hay người nhờ mang thai lại ở hai tỉnh khác nhau từ đời trước và thậm chí không biết mặt nhau thì làm thế nào? Trong trường hợp đó cơ quan tư pháp phải vào cuộc xác nhận mối quan hệ của họ. Bởi vậy, theo những người làm nghề chúng tôi, vai trò của người xác nhận ở đây rất cao, đòi hỏi phải làm việc cẩn thận, trách nhiệm… nếu không hoặc là thiệt thòi cho người nhờ mang thai hoặc là dẫn đến hậu quả khôn lường về mặt xã hội…

PV: Thưa ông, quy định chỉ được phép mang thai hộ một lần duy nhất? Vậy làm thế nào để có thể xác nhận người này đã từng mang thai hộ lần nào chưa?

TS Nguyễn Huy Quang: Đối với những trường hợp mang thai hộ, khi thực hiện thủ tục, các bệnh viện phải báo cáo lên Bộ Y tế để từ đó lập danh sách và quản lý bằng phần mềm. Cho nên đối với người từng mang thai hộ một lần nếu muốn gian dối, mang thai hộ lần thứ 2 trái với quy định thì khó có thể thực hiện được.

 Nhân đây, tôi cũng nói thêm, hiện Chính phủ đang xây dựng mã số định danh cho công dân, một khi có mã số thì thông tin mang thai hộ cá nhân sẽ được cập  nhật và dễ dàng quản lý, tránh tình trạng ồ ạt mang thai hộ nhiều lần vì mục đích thương mại

PV: Nghị định có quy định, những cặp vợ chồng đã có con chung thì không được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Thế nhưng, trong thực tế có những cặp vợ chồng đã có con chung nhưng đứa con này bị dị tật, tâm sinh lý bất thường, trong khi người mẹ không còn khả năng sinh đẻ thì có thể xin mang thai hộ hay không?

TS Nguyễn Huy Quang: Luật quy định rất rõ: “Với những cặp vợ chồng đã con chung, dù bị bất thường nhưng theo luật, họ không được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ”.

 Tương tự, những cặp vợ chồng bị bệnh lý di truyền, không được phép xin noãn và tinh trùng để thực hiện mang thai hộ. Vì theo luật, chỉ có những trường hợp tinh trùng của chồng, noãn của vợ bình thường nhưng người vợ không thể mang thai được mới được phép nhờ mang thai hộ. Vì kỹ thuật mang thai hộ là lấy trứng của mẹ (hoặc của người hiến tặng trứng) và tinh trùng của người cha để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó chuyển phôi cho một phụ nữ khác nhờ mang thai hộ để bảo đảm đứa trẻ sinh ra vẫn mang gene di truyền, nhóm máu của cha hoặc mẹ chứ không phải của người mang thai hộ.

Riêng đối với trường hợp người bị bệnh lý mà không thể được phép mang thai như bệnh tim, thận, gan phổi… hoặc người vợ không có tử cung không thể mang thai được thì cũng được chỉ định mang thai hộ. Thực hiện như vậy là để bảo đảm sức khỏe, quyền lợi của đứa trẻ được sinh ra, đặc biệt là tinh thần.

PV: Ông có nghĩ rằng, luật bỏ quên một số đối tượng không?

TS Nguyễn Huy Quang: Thực ra, như tôi đã nói, cho phép mang thai hộ là một vấn đề phức tạp khi thực hiện. Nó sẽ nảy sinh nhiều vấn đề, trong đó có những vấn đề chúng ta hình dung ra được, nhưng cũng có vấn đề không tưởng được trước. Ngay cả luật cũng vậy, cho nên trong quá trình thực hiện, thừa thiếu như thế nào, chúng ta sẽ điều chỉnh, bổ sung đến đó để hoàn thiện bảo đảm lợi ích những đối tượng của luật cũng như sự công bằng, mục đích luật đề ra.

PV: Trong quá trình mang thai, hoặc khi sinh nếu có biến chứng xảy ra, ai là người chịu trách nhiệm; Đứa trẻ sinh ra, chẳng may bị dị tật hoặc bất thường thì bên mang thai hộ hay bên nhờ mang thai chịu trách nhiệm? Hay trong quá trình thực hiện kỹ thuật mang thai, nếu cơ quan y tế nhầm phôi thì đứa trẻ sinh ra sẽ ra sao, thưa ông?

TS Nguyễn Huy Quang: Đây là những vấn đề chúng tôi đã lường trước và phải đặt ra yêu cầu trong quy trình thực hiện mang thai hộ là giữa bên mang thai hộ và nhờ mang thai phải có văn bản thỏa thuận như kiểu hợp đồng là cơ sở ràng buộc pháp lý giữa hai bên.

Ở đây tôi cũng muốn nhấn mạnh lại một lần nữa vai trò của người xác nhận quan hệ giữa bên nhờ mang thai và mang thai hộ, nếu họ xác nhận thiếu trách nhiệm, vì mục đích trục lợi… thì trong trường hợp nếu đứa con được sinh ra không đúng theo quy định mà lại xảy ra trường hợp đứa trẻ không được nhận, thì hậu quả sẽ là sự sống, tinh thần của đứa trẻ ấy sẽ ra sao, xã hội sẽ như thế nào… khi có những đứa trẻ như vậy.

Cho nên đây là khâu quan trọng nhất không chỉ trong việc bảo đảm sự trong sáng, minh bạch của luật mà còn đối với cuộc sống của một con người.

PV: Ông có lời khuyên gì đối với những cặp vợ chồng có ý định nhờ mang thai hộ?

TS Nguyễn Huy Quang:  Đừng bất chấp luật pháp, đạo đức để có bằng được đứa con. Phải suy nghĩ thật kỹ, thực hiện đúng pháp luật khi nhờ người mang thai hộ nếu không sẽ xảy ra hậu quả khôn lường. Và phải nhớ đừng để rơi vào tình trạng: “Mình có được đứa con nhưng cả xã hội phải đi giải quyết từ việc có được đứa con đó”.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Theo ông Hồng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế Bộ Tư pháp, Luật Mang thai hộ của Việt Nam chỉ áp dụng cho người Việt. Bộ luật Hình sự đã quy định rõ hình thức xử phạt đối với người tổ chức mang thai hộ, khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù; bác sĩ tiếp tay cho hoạt động mang thai hộ khi không đủ các điều kiện cho phép của pháp luật sẽ bị tước giấy phép hành nghề trong vòng 5 năm.

Tú Anh (thực hiện)