Lý Xuân Hải tức giận khi biết "bầu" Kiên mua cổ phiếu ACB

18:34 | 03/12/2014

2,085 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiều ngày 3/12, HĐXX Tòa án Nhân dân Tối cao tập trung làm rõ hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm.

>> “Bầu” Kiên không tin “bầu” Long tố cáo

>> Đã khắc phục hậu quả không có nghĩa “bầu” Kiên thoát tội

Mở đầu, HĐXX thẩm vấn các bị cáo để làm rõ hành vi đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB gây thiệt hại cho đơn vị này số tiền hơn 687 tỉ đồng. Theo bị cáo Lê Vũ Kỳ - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, ngày 5/11/2009, thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ra thông báo về kết luận tại cuộc họp ngày 2/11/2009 với nội dung: “Giá cổ phiếu ở thị trường chứng khoán đang diễn biến thuận lợi cho việc đầu tư để sinh lợi. Thường trực HĐQT chấp thuận cấp hạn mức 700 tỉ đồng cho hội đồng đầu tư để mua một số ít cổ phiếu có giá tốt và tính thanh khoản cao. Uỷ quyền cho Nguyễn Đức Kiên - Chủ tịch Hội đồng đầu tư chỉ đạo trực tiếp việc đầu tư này".

Theo bị cáo Lê Vũ Kỳ, cuộc họp ngoài Nguyễn Đức Kiên còn có các bị cáo Lý Xuân Hải - nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB; Phạm Trung Cang - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB; Trịnh Kim Quang - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB; Huỳnh Quang Tuấn - nguyên thành viên HĐQT ACB và ông Trần Xuân Giá - nguyên Chủ tịch HĐQT ACB.

Nguyễn Đức Kiên và Lý Xuân Hải tại phiên phúc thẩm.

Thực hiện kết luận này, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Công ty ACBS tiến hành đầu tư cổ phiếu ACB. Do biết pháp luật không cho phép Công ty ACBS mua cổ phiếu ACB vì Công ty ACBS là công ty chứng khoán do ngân hàng này sở hữu 100% vốn điều lệ. Ngoài ra, điều 29 - Quyết định 27/2007/QĐ-BTC của Bộ Tài chính quy định “Công ty chứng khoán không được đầu tư vào cổ phiếu hoặc góp vốn của công ty sở hữu trên 50% vốn điều lệ của công ty chứng khoán”.

Vì vậy, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Công ty ACBS ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Cổ phần đầu tư Á Châu (ACI) và Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội (Công ty ACI-HN) do Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch HĐQT, kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên để đầu tư mua cổ phiếu ACB.

Hai Công ty này đã tiến hành vay nhiều ngân hàng khác nhau để đầu tư vào trái phiếu của ACB rồi lại dùng chính cổ phiếu của ACB làm tài sản đảm bảo cho các vay nợ hoặc trả nợ cho các ngân hàng. Quá trình mua đi bán lại nhiều lần này làm cho Ngân hàng ACB thiệt hại 687 tỉ đồng.

Bị cáo Lê Vũ Kỳ khai, cuộc họp thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ngày 2/11/2009, bị cáo Kiên có nói về việc đầu tư cổ phiếu. Bàn một số cổ phiếu Ngân hàng Eximbank, Vietcombank… là những cổ phiếu tốt, có giá trị thanh khoản cao. Trong đó có cả cổ phiếu của ACB.

Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm.

Về lời khai của bị cáo Lê Vũ Kỳ, bị cáo Trịnh Kim Quang xác nhận đúng và cho rằng: “Khi có ý kiến đề nghị đây là thời điểm tốt để đầu tư, có vài ý kiến nhận định nên đầu tư chứng khoán. Có ý kiến nói là sao không mua cổ phiếu của ACB. Nhưng ý kiến này bị bác bỏ vì sẽ làm hệ số an toàn vốn bị ảnh hưởng và vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước".

Còn bị cáo Lý Xuân Hải khai, bị cáo Nguyễn Đức Kiên thời điểm đó có đưa ra một số nhận định, đánh giá. Bị cáo Kiên khái quát chưa đầy 1 phút về các nhóm cổ phiếu và kết luận là đầu tư vào cổ phiếu hiện nay rất tốt. Chỉ đưa ra hạn mức đầu tư 700 tỉ chứ không bàn mua loại cổ phiếu nào. Không có một lời nói nào ACBS mua cổ phiếu của ACB.

Bên cạnh đó, bị cáo Lý Xuân Hải cũng cho biết, bản thân hoàn toàn không biết bị cáo Nguyễn Đức Kiên đầu tư vào cổ phiếu ACB cho đến khi được Công ty Kiểm toán PWC thông báo có tình trạng mua bán này.

"Nhận được thông tin, ngay lập tức bị cáo gọi điện cho ông Trần Xuân Giá và Trần Mộng Hùng. Theo tôi cảm nhận thì các ông này không biết. Tôi bày tỏ qua điểm là không nên đầu tư vì có hàng trăm loại cổ phiếu có thể đầu tư. Lúc này thì bị cáo Nguyễn Đức Kiên đi nước ngoài, không nghe điện thoại. Sau khi tham vấn các nhà đầu tư nước ngoài, họ đều nói là nên chấm dứt. Và tôi yêu cầu phải chấm dứt trước 30/6” - bị cáo Lý Xuân Hải nói.

Còn đại diện Công ty Kiểm toán PWC cho biết, trong thời gian đó công ty này đã thực hiện việc kiểm toán ACBS rà soát báo cáo tài chính 6 tháng. Trong quá trình rà soát, PWC phát hiện một hợp đồng hợp tác giữa ACBS và ABCI. Ngay sau đó, kiểm toán viên yêu cầu gặp ông Lý Xuân Hải là để hiểu bản chất giao dịch giữa hai đơn vị này.

"Rõ ràng, trong buổi gặp đó, ông Hải không biết nội dung này và rất ngạc nhiên, tức giận. Kiểm toán viên có hỏi một số câu hỏi và ông Hải nói sẽ tìm hiểu và làm việc sau" - đại diện PWC nói.

Thiên Minh