Lương khủng ở doanh nghiệp công ích: Lỗi tại ai?

06:00 | 19/09/2013

1,774 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Liên tiếp thời gian gần đây, sau vụ việc lãnh đạo 4 doanh nghiệp (DN) công ích trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hưởng lương tiền tỉ/năm, một loạt các sai phạm trong việc thực hiện chi trả lương thưởng cho người lao động cũng được phát giác. Dư luận xã hội đang tự đặt ra câu hỏi, liệu rằng, có hay không “lỗi hệ thống” trong công tác quản lý Nhà nước bởi rõ ràng, hoạt động của những DN này phải chịu sự kiểm tra, giám sát và có liên quan không chỉ một mà nhiều sở, ban, ngành của thành phố.

Nhập nhèm thu chi

Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, nếu đúng việc chi trả lương thưởng lên tới hàng tỉ đồng/năm ở 4 DN công ích của thành phố Hồ Chí Minh là do các kết quả kinh doanh mang lại và được phân bổ một cách hợp lý cho người lao động thì rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra, lãnh đạo những đơn vị này đã dùng “thủ đoạn” để được hưởng mức lương khủng như trên và càng đáng lo ngại hơn khi những “thủ đoạn” đó lại được thực hiện trên “mồ hôi nước mắt” của người lao động. Cái lý mà những vị này đưa ra là do làm ăn có lãi vì thế cũng thật khó chấp nhận.

Ông Phạm Đình Soạn - nguyên Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho rằng, đây là chuyện không thể chấp nhận được, đặc biệt là trong bối cảnh cả nền kinh tế vẫn còn đang khó khăn. Phản bác ý kiến “vì biết cách làm ăn nên có lương khủng”, ông Soạn thẳng thắn chỉ ra rằng: Những DN này hoạt động chủ yếu dựa trên nguồn vốn ngân sách, trong khi đó dòng vốn này cũng đang gặp không ít khó khăn, đầu tư công bị siết chặt thì mức lương lên tới cả tỉ đồng là điều không tưởng. Khoản doanh thu thu được trên cơ sở vốn ngân sách bao cấp nếu có phải được dùng để chi trả công việc công ích, chi trả để bù đắp cho chi phí sản xuất, trong đó có quỹ tiền lương… thì nay lại bị lạm dụng thay vì trả đúng, trả đủ lương cho người lao động lại chỉ “đổ” vào túi một vài cá nhân. Và đây chính là lỗ hổng lớn trong hoạt động giám sát tài chính tại không ít DN Nhà nước.

Công nhân thoát nước đang làm việc dưới cống ngầm Hà Nội

Đồng tình với quan điểm trên, TS Nguyễn Minh Phong chỉ ra rằng, đây là những DN công ích, nguồn thu chủ yếu là từ ngân sách, dù hiệu quả kinh doanh có cao cũng không thể có chuyện lương của cán bộ quản lý cao đến như vậy. Vấn đề đặt ra ở đây là nguồn chi lương lấy ở đâu ra? Căn cứ vào đâu để chi mức lương cao như thế? Nếu DN công ích có nguồn thu khác từ các hoạt động kinh doanh thì cũng phải chia lợi nhuận đều cho công nhân chứ không thể có chuyện lãnh đạo lương cao đến 200 triệu/tháng.

Trả lời cho câu hỏi trên, trong một thông báo mới đây, lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Để có thể trả lương “trên trời” cho bộ phận lãnh đạo, hai công ty (Thoát nước đô thị và Công trình giao thông Sài Gòn) đã vi phạm quy định của Luật Lao động với 732 người lao động như chỉ ký hợp đồng mùa vụ (thời hạn dưới 3 tháng) với lao động thường xuyên và chỉ ký hợp đồng có thời hạn với hàng trăm người đủ điều kiện ký hợp đồng không xác định thời hạn.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Năng lượng Mới, với những DN công ích, hoạt động chủ yếu bằng tiền ngân sách thì hằng năm, những DN này đều phải xây dựng bảng dự toán ngân sách thu chi. Con số cuối cùng được đưa ra sẽ được tính dựa trên nhu cầu đầu tư, chế độ lương thưởng… Và ở đây, với cách làm chỉ ký hợp đồng lao động mùa vụ dưới 3 tháng, những DN này không chỉ “trốn” được các nghĩa vụ như chế độ bảo hiểm cho người lao động mà còn có “cớ” để cắt giảm thu nhập của họ, giảm tiền chi cho người lao động, quỹ lương vì thế “dư thừa” và được đem phân bổ cho lãnh đạo.

Lại một chuyện nữa là những căn cứ để tính toán các khoản thu - chi của những DN công ích cũng rất “mù mờ” bởi có ai kiểm soát nổi một ngày có bao nhiêu xe rác được vận chuyển đi? Bao nhiêu m2 đường được quét?... Đó là chưa kể về cách tính định mức khi đưa ra những con số này kiểu như tiền ngân sách cấp cho tính theo m2 thì DN lại đi tính định mức với người lao động bằng km2, bằng tuyến phố hay đoạn đường…

Hay như chuyện thu các loại phí môi trường, phí vệ sinh, phí rác thải… tại các khu dân cư cũng rất xác định và vì thế con số thu chi của các DN công ích là rất “ảo”, rất dễ bị làm “trò”.

Sai đã rõ, trách nhiệm tới đâu?

Chúng ta hoàn toàn khuyến khích mở rộng SXKD  tăng nguồn thu ở các DN Nhà nước, đặc biệt là DN công ích vốn dĩ đang sống chủ yếu bằng nguồn ngân sách, đời sống của người lao động còn nhiều khó khăn nhưng nó phải đúng luật, đúng quy định. Vậy nên cách làm dù cho có đúng là như thế tại những DN công ích mà lãnh đạo lĩnh lương tiền tỉ/năm vẫn không thể chấp nhận. Và theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân: Với những quy định về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu quy định, mức trần tối đa tại các tập đoàn kinh tế Nhà nước của chủ tịch hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty chuyên trách là 36 triệu đồng/tháng; tổng giám đốc hoặc giám đốc 35 triệu đồng/tháng; phó tổng giám đốc, phó giám đốc 32 triệu đồng/tháng và kế toán trưởng là 29 triệu đồng/tháng. Nếu áp đúng theo các quy định sẽ không thể nào có mức lương gấp 7 lần mức lương tối đa được.

Nói vậy để thấy rằng, chế độ lương thưởng tại các DN công ích đã được quy định rất cụ thể và để xảy ra tình trạng này rõ ràng có lỗi không nhỏ của các cơ quan kiểm tra, giám sát. Ông Mai Đức Chính - Phó tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khi trả lời báo chí cũng cho rằng, lỗi và trách nhiệm của các sở, ngành liên quan trong vụ việc là không hề nhỏ, ví như chuyện khai thuế thu nhập chẳng hạn, giám đốc DN đã tìm cách lách luật và thực tế họ có nhiều cách lách. Hay như việc ký các hợp đồng lao động dưới 3 tháng (mùa vụ) đối với lao động của mình để cắt xén chế độ của họ cũng vậy.

“Tôi được biết các cơ quan này duyệt định mức lương và cũng là cơ quan giám sát việc họ thực hiện. Tôi cho rằng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng có trách nhiệm trong việc để xảy ra chuyện lương “khủng” này” - ông Chính nhấn mạnh.

Từ đó để thấy rằng, đằng sau câu chuyện lãnh đạo DN công ích nhận lương khủng đặt ra không ít vấn đề đòi hỏi các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương cần làm rõ, đặc biệt là vấn đề thu chi, thanh toán lương thưởng... với người lao động. Dư luận xã hội cũng đang rất mong các cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh làm rõ là tại sao một sai phạm “hai năm rõ mười” như vậy lại có thể diễn ra trong một thời gian dài? Ngoài cái gọi là “lỗ hổng” pháp luật thì có hay không những “khuyết tật” trong hệ thống công tác kiểm tra, giám sát hay cụ thể hơn là có sự tiếp cho những sai phạm này?

Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh vừa ra Quyết định: Cách chức Đảng ủy viên Đảng ủy công ty, thành viên HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH Chiếu sáng công cộng đối với ông Trần Minh Hùng; Cách chức Đảng ủy Công ty, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Công viên cây xanh đối với ông Phạm Văn Hiếu; Cách chức Đảng ủy viên Đảng ủy Công ty, Thành viên HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH Công viên cây xanh đối với ông Trần Thiện Hà; Cách hết chức vụ trong Đảng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Công trình giao thông Sài Gòn với ông Nguyễn Nhật Tân; Cách hết chức vụ trong Đảng, cách chức Thành viên HĐTV và Giám đốc Công ty TNHH Công trình giao thông Sài Gòn đối với ông Phạm Văn Vĩnh.

Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành ủy cũng quyết định khai trừ Đảng, buộc thôi việc với các ông Lê Thanh Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Thoát nước đô thị và Trần Trọng Huệ, Đảng ủy viên Đảng ủy Sở GTVT TP HCM, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Chiếu sáng công cộng; Khai trừ Đảng, cách chức Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thoát nước đô thị đối với ông Nguyễn Trọng Luyện.


Thanh Ngọc