Luật sư đề nghị trả hồ sơ, điều tra lại vụ án Dương Tự Trọng 2

08:50 | 07/01/2014

6,751 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đúng 7h30 ngày 7/1, đoàn xe chở bị can Dương Tự Trọng và đồng phạm đã có mặt tại trụ sở Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội. Công tác bảo đảm an ninh trật tự được thắt chặt...

Ghi nhận của PetroTimes, cũng giống như phiên sơ thẩm Dương Chí Dũng vào đầu tháng 12/2013, công tác an ninh được thắt chặt. Một chiếc máy soi chiếu an ninh được huy động đến để phục vụ công tác tìm kiếm vũ khí, vật liệu cấm mang vào tòa.

Tất cả những người vào trụ sở tòa phải qua 2 cửa kiểm tra, bước một là qua công tác kiểm tra của lực lượng cảnh sát, bước hai là qua cửa máy soi chiếu. Bên ngoài tòa, đâu đâu cũng thấy lực lượng cảnh sát chốt trực...

7h55, tại hội trường xét xử, Dương Tự Trọng và 6 đồng phạm trong vụ “Tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài trái phép” đã có mặt. Ngoài ra, Dương Chí Dũng cũng có mặt tại phiên tòa trong tư cách là nhân chứng.

Đúng 8h, phiên tòa chính thức bước vào phiên xét xử với phần thẩm tra căn cước các bị cáo và nhân chứng liên quan.

Từ 8h-8h20: HĐXX tiến hành thẩm tra căn cước. Các bị cáo Dương Tự Trọng; Vũ Tiến Sơn; Hoàng Văn Thắng; Đồng Xuân Phong; Trần Văn Dũng; Phạm Minh Tuấn và Nguyễn Trọng Ánh lần lượt khai lý lịch bản thân.

8h20: HĐXX bước sang phần thẩm tra căn cước các nhân chứng liên quan đến vụ án. Bà Phạm Thị Mai Phương (chị dâu Dương Tự Trọng), Nguyễn Thanh Hằng và Dương Chí Dũng có mặt. Các nhân chứng Nguyễn Thế Hưng, Đặng Thái Hòa, Hoàng Văn Cường, Hoàng Kim Nhung vắng mặt. Riêng nhân chứng Hoàng Văn Cường có giấy nhập viện, nhân chứng nào không có lý do, tòa sẽ ra quyết định dẫn giải tới phiên xét xử.

8h30: Chủ tọa phiên tòa bước sang phần giải thích quyền và nghĩa vụ của các bị cáo và nhân chứng liên quan đến vụ án.

8h35: HĐXX bước vào phần xét hỏi. Mở đầu, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đọc bản cáo trạng luận tội các bị cáo.

Dương Tự Trọng khai báo lý lịch trước tòa.

Theo cáo trạng, Vũ Tiến Sơn cùng Đồng Xuân Phong, Trần Văn Dũng gặp nhau để bàn bạc, thống nhất tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn sang Camphuchia bằng đường tiểu ngạch, qua khu vực biên giới cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) rồi từ đó sang Mỹ. Khi Dương Chí Dũng tới TP HCM thì Đồng Xuân Phong và Trần Văn Dũng sẽ đi máy bay vào đón Dương Chí Dũng đưa sang Campuchia.

Ngày 24/5/2012, Đồng Xuân Phong mua vé máy bay cùng Dương Chí Dũng từ Campuchia sang Singapore để Dương Chí Dũng làm thủ tục xuất cảnh đi Mỹ. Do không được phép nhập cảnh vào Mỹ nên Dương Chí Dũng đành quay về Campuchia lẩn trốn. Ngày 4/9/2012, Dương Chí Dũng bị cơ quan chức năng Campuchia và Việt Nam bắt giữ đưa về Việt Nam điều tra.

Dương Chí Dũng là nhân chứng ở phiên xét xử này.

Theo Viện Kiểm sát Nhân dân, hành vi tổ chức người khác trốn đi nước ngoài là đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội có tổ chức do Dương Tự Trọng chủ mưu, cầm đầu. Vũ Tiến Sơn là người tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của Trọng, với nhiều thủ đoạn tinh vi như sử dụng sim rác, thường xuyên thay đổi số điện thoại, thay đổi địa điểm, phương tiện đưa đón, cung cấp tiền, giao cho các đồng phạm thực hiện từng phần việc khác nhau, nhằm che giấu hành vi phạm tội của Dương Chí Dũng và của cả nhóm này.

Hành vi của nhóm do Dương Tự Trọng cầm đầu, được nhận định là đã cản trở, gây khó khăn rất lớn đến quá trình điều tra vụ án.

Đúng 9h: HĐXX kết thúc phần đọc bản cáo trạng tóm tắt nội dung vụ án và bước vào phần xét hỏi các bị cáo. Chủ tọa phiên tòa hỏi các bị cáo về nội dung bản cáo trạng đúng hay sai. Tất cả các đồng phạm của Dương Tự Trọng đều trả lời là đúng, riêng bị cáo Dương Tự Trọng trả lời không có ý kiến.

Bị cáo đầu tiên đứng trước vành móng ngựa trong phần xét hỏi là Hoàng Văn Thắng (nguyên cán bộ Phòng PC45, Công an Hải Phòng). Hoàng Văn Thắng kể về quá trình phạm tội của mình và khai nhận: Bị cáo có tham gia vào việc đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước nước ngoài. Trong quá trình đưa đi trốn, bị cáo có quen biết với tất cả các bị cáo và Dương Chí Dũng. Riêng Dũng “Bắc Kạn” không biết.

Khoảng 18h ngày 17/5/2012, bị cáo Hoàng Văn Thắng nhận được một cuộc điện thoại nói lên phòng làm việc của anh Trọng để bàn việc. Hoàng Văn Thắng xác định đó là Phó Giám đốc Công an  Dương Tự Trọng. Khi lên chỉ gặp Trọng và vị cấp trên này nói anh  Dũng bị bắt và nhờ chở đi giải quyết.

Trước khi lái xe lên Hà Nội, Dương Tự Trọng sai Hoàng Văn Thắng đi đón Phạm Minh Tuấn ở Xí nghiệp Bạch Đằng. Quá trình đi, Hoàng Văn Thắng lại nhận được một cuộc điện thoại bảo đến Phố Nối (Hưng Yên) thì dừng lại gặp Dương Tự Trọng và Vũ Tiến Sơn. Khi gặp, Sơn đưa cho Hoàng Văn Thắng 1 chiếc túi nilon và bảo đưa cho Dương Chí Dũng.

Sau khi nhận túi nilon, Hoàng Văn Thắng tiếp tục chở Phạm Minh Tuấn lên Hà Nội đón Dương Chí Dũng. Khi đến nhà Hoàng Kim Nhung theo địa chỉ Dương Tự Trọng đưa cho, Hoàng Văn Thắng đỗ xe ngoài đợi còn Phạm Minh Tuấn vào nhà đón Dũng. Khi đón được Dương Chí Dũng thì chiếc xe khởi hành về Quảng Ninh. Khi đến nhà ông Hoàng Văn Cường thì Phạm Minh Tuấn đưa Dương Chí Dũng vào. Khoảng 30 phút sau thì Phạm Minh Tuấn ra và cả 2 về Hải Phòng.

Đến ngày 21/5/2012, Dương Tự Trọng nhờ Hoàng  Văn Thắng đưa Dương Chí Dũng vào Miền Nam và dặn để điện thoại ở nhà, mua điện thoại mới dùng sim rác. Trong có nói với Thắng là sẽ đi cùng Nguyễn Trọng Ánh vì người này lo xe đi lại. Sau đó, cả hai đi xuống Quảng Ninh đón Dương Chí Dũng để đưa vào miền Nam theo Quốc lộ 1.

Trên đường đi, Đồng Xuân Phong gọi điện cho Nguyễn Trọng Ánh hướng dẫn đi về địa phận huyện Củ chi. Khi đi tới trung tâm TP Hồ Chí Minh, bị cáo Hoàng Văn Thắng, Dương Chí Dũng, Nguyễn Trọng Ánh, Đồng Xuân Phong và một người tên Vinh đổi sang chiếc xe 4 chỗ để đi về Củ Chi. Tối ngày 23/5/2013, chiếc xe của Hoàng Văn Thắng vào tới Củ Chi. Sau đó, Dương Chí Dũng xuống xe, bị cáo và Nguyễn Trọng Ánh đi đến khách sạn nghỉ. Sáng hôm sau quay về Hải Phòng.

“Trong quá trình vào miền nam, Dương Chí Dũng không nói gì mà chỉ nằm nghỉ ngơi trên xe. Trong quá trình đi, bị cáo mua 2 sim rác, Vũ Tiến Sơn có biết và thường xuyên gọi điện vào 2 số này. Còn việc, Dương Tự Trọng có biết hay không thì bị cáo không hay” – Hoàng Văn Thắng nói.

Đối chiếu lời khai của Hoàng Văn Thắng, Nguyễn Trọng Ánh khẳng định: “Bị cáo được đưa 1 chiếc điện thoại và có sim sẵn trong đó. Trong quá trình vào miền Nam, bị cáo chủ yếu ngủ. Khi có người gọi thì bị cáo đưa cho anh Hoàng Văn Thắng nhưng không nghe của ai cả".

Kết thúc phần xét hỏi bị cáo Hoàng Văn Thắng, HĐXX bước sang xét hỏi đối với Phạm Minh Tuấn. Toàn bộ lời khai của bị cáo này trùng khớp với bị cáo Hoàng Văn Thắng. Tuy nhiên Phạm Minh Tuấn khẳng định: “Khi đi vào nhà ông Cường để gửi Dương Chí Dũng, bị cáo không nói đi Móng Cái mà chỉ giới thiệu với chủ nhà rằng, đây là anh Dũng - anh trai anh Trọng".

Phạm Minh Tuấn nói: “Tôi và anh Trọng học cùng với nhau ở từ khi ở Trường Đại học Bách khoa. Gia đình tôi và gia đình anh Trọng chơi thân thiết với nhau. Từ lâu anh Dương Tự Trọng đã coi tôi là thành viên trong gia đình nên chuyện của anh Trọng cũng là chuyện của gia đình tôi”.

Chiều ngày 17/5/2012, Phạm Minh Tuấn nhận được điện thoại của Hoàng Văn Thắng nói lên Hà Nội chơi. Khi xuống cổng thì thấy xe đỗ ở cổng. Vì anh em chơi với nhau lâu nên cũng không hỏi lên Hà Nội làm gì. Tuấn cho biết: Không hỏi vì biết, kiểu gì lên Hà Nội cũng có việc gì đó, nếu Thắng không nói thì mình cũng không nên hỏi.

Bị cáo Hoàng Văn Thắng và Phạm Minh Tuấn.

9h50: HĐXX tiếp tục xét hỏi bị cáo Nguyễn Trọng Ánh (cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về TTXH – Công an Hải Phòng).

Ánh trình bày: “Bị cáo rất ngưỡng mộ anh Trọng về cách sống, trong công việc và gia đình. Bây giờ bị cáo cũng ngưỡng mộ”.

Thế nhưng trong quá trình khai báo, bị cáo Ánh khai báo quanh co và không đúng sự thật. Chủ tọa phiên tòa nhận định: “Bị cáo rất tinh ranh trong lời khai để trốn tội và không đúng sự thật”.

Trước những lời khai quanh co này, HĐXX bắt Nguyễn Trọng Ánh khai lại từ đầu. Nguyễn Trọng Ánh khai: Từ ngày 17/5/2012 đến ngày 20/5/2012, Ánh lấy xe của Đặng Thái Hòa để phục vụ đưa Dương Chí Dũng xuống Quảng Ninh. Còn việc đưa Dương Chí Dũng vào miền Nam thì Nguyễn Trọng Ánh không hề hay biết. “Bị cáo mới về Phòng PC45 làm việc khoảng 4-5 tháng nên không đủ tin tưởng để anh Trọng giao trọng trách này. Anh Trọng giao gì thì bị cáo làm vậy.”

Ánh khẳng định trên đường vào TP HCM không nghe và nhận bất kỳ cuộc điện thoại nào. Thế nhưng, chủ tọa phiên tòa lại đưa ra bút lục chứng minh việc Nguyễn Trọng Ánh có nhận điện thoại của Vũ Tiến Sơn hỏi thăm tình hình sức khỏe. Trước bản hỏi cung này, Nguyễn Trọng Ánh mới cúi đầu nhận hành vi có liên lạc qua điện thoại trong quá trình đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn.

“Bị cáo nhận thức được việc làm của mình là sai và vi phạm pháp luật. Nếu mọi người đặt vào cương vị của bị cáo mới thấy khó. Mới về làm việc, được một vị phó giám đốc nhờ việc nhà có làm hay không. Bị cáo hành động không vì vụ lợi cá nhân nên mong HĐXX xem xét” – Nguyễn Trọng Ánh nói.

10h15: Đồng Xuân Phong bước ra vành móng ngựa trả lời HĐXX

Bị cáo quen anh Trọng qua một người ở cơ quan. Ngày 18/5, Vũ Tiến Sơn gọi điện hỏi thăm sức khỏe và bảo nói chuyện với Dương Tự Trọng. Sau đó, Vũ Tiến Sơn nói chuyện về việc Dương Chí Dũng muốn bỏ trốn và hỏi có quen ai đưa anh trai của anh Trọng ra nước ngoài được không. Phong cho biết: Anh liên hệ với anh Dũng “Bắc Kạn”.

Sáng ngày 19/5/2012, Phong và Dũng “Bắc Kạn” đến nhà bố mẹ Vũ Tiến Sơn để bàn chuyện. Tại đây, tất cả bàn bạc việc đưa Dương Chí Dũng vào miền Nam và sang Campuchia. Thấy vậy, Phong hỏi sao không đi máy bay thì Sơn nói không đi được đường chính ngạch và không nói Dương Chí Dũng phạm tội gì.

Vũ Tiến Sơn đưa cho anh Dũng “Bắc Kạn” và Phong điện thoại đã gắn sim. Sau đó các bị cáo ra về và hẹn nhau ở TP HCM. Khi Phong bay vào miền Nam thì Sơn cho số điện thoại của Hoàng  Văn Thắng để liên lạc. Khi gặp nhau ở Củ Chi, các bị cáo gặp nhau và đưa Dương Chí Dũng sang Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh).

Phong cùng với Dũng trực tiếp đưa Dương Chí Dũng sang Campuchia và Singapore. Bị cáo Phong nhập cảnh vào Singapore và chơi ở đó 2 ngày rồi về Việt Nam.  Toàn bộ lời khai của Đồng Xuân Phong không nhận là biết Dương Chí Dũng phạm tội nên bỏ trốn.

Khi về Việt Nam được vài hôm, bị cáo Phong nhận được thông tin của Sơn cho biết, anh Dương Chí Dũng không sang Mỹ được nên quay lại Campuchia nên nhờ Phong sang gặp. Khi sang, Phong đưa cho Dương Chí Dũng 4.000 USD để lấy chi phí ăn tiêu. Mấy lần sau sang, bị cáo không đưa thêm gì cả.

10h25: HĐXX tuyên bố nghỉ giải lao 5 phút.

10h30: Bị cáo Dũng Bắc Kạn tiếp tục với phần xét hỏi

Ngày 18/5/2012, bị cáo đang ở Hà Nội thăm người ốm thì Dương Tự Trọng gọi điện bảo về Hải Phòng có việc nhờ và bảo có người anh trai muốn trốn ra nước ngoài.  Sau cuộc nói chuyện, Trọng hỏi “Mày có dám vì anh không...?”.

Nghe Trọng nói vậy, Dũng “Bắc Kạn” gật đầu. Khi về Hải Phòng thì Đồng Xuân Phong đón tới nhà Vũ Tiến Sơn. Gọi điện trao đổi với anh Trọng thì hay tin, có người anh muốn sang Campuchia lánh mặt một thời gian và hỏi có làm được hộ chiếu không thì Dũng “Bắc Kạn” nói đi bằng đường tiểu ngạch.  

Sau đó, Dũng “Bắc Kạn” vào TP Hồ Chí Minh, khi đón được Dương Chí Dũng ở Củ Chi thì thuê người đưa sang bằng tiểu ngạch.  Còn Dũng “Bắc Kạn” và Đồng Xuân Phong đi bằng cửa chính ngạch sang Campuchia. Khi sang Campuchia, Dương Chí Dũng bảo sẽ sang Singapore để nhập cảnh vào Mỹ. Sau đó Dũng “Bắc Kạn” và Đồng Xuân Phong về Việt Nam. Được ít hôm thì bị cáo nhận tin, Dương Chí Dũng không nhập cảnh được vào Mỹ nên quay lại Campuchia.

Trước sự việc trên, Dương Tự Trọng nhờ Dũng “Bắc Kạn” sang lo cho Dương Chí Dũng nơi ăn, chốn ở. Khi sang, Dũng “Bắc Kạn” đưa cho Dương Chí Dũng số tiền 20.000 USD (lời khai của Trọng là 30.000USD). Tuy nhiên, Dũng “Bắc Kạn” không muốn đi ngay vì con bị tai nạn nhưng Trọng bảo cứ đi còn con có người lo.

Bị cáo Vũ Tiến Sơn.

Gần 11h: Bị cáo Vũ Tiến Sơn trả lời xét hỏi

Tối ngày 17/5/2012, bị cáo được anh Trọng gọi sang phòng làm việc báo tình hình anh Dương Chí Dũng rất xấu và bảo lên Hà Nội lo việc. Rồi hai người hẹn nhau đến 18h thì xuất phát. Khi gặp nhau ở Phố Nối, anh Trọng đưa cho Sơn túi nilon có chứa điện thoại bảo chuyển cho Hoàng Văn Thắng để Thắng đưa cho Dương Chí Dũng.

Sáng ngày 19/5/2012, Sơn hẹn Phong gặp ở nhà bố mẹ đẻ ở Kiến An để nhờ đưa Dương Chí Dũng sang Mỹ tạm lánh một thời gian. Nguyên nhân Trọng không liên lạc trực tiếp là vì sợ lộ nên nhờ Sơn liên lạc cho mọi người.

Còn về quá trình đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn, Vũ Tiến Sơn khai nhận giống như các bị cáo đã khai trước đó tại tòa. Nói về người chủ mưu trong vụ án, Vũ Tiến Sơn khai nhận, phạm tội do quan hệ tình cảm.

“Tôi và anh Trọng bao năm chinh chiến, sống chết với nhau nên việc đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn là việc nặng về tình cảm. Bị cáo xin HĐXX xem xét lại, bản thân không có vai trò chủ mưu” - Vũ Tiến Sơn nói.

Bị cáo Dương Tự Trọng.

 11h10: Dương Tự Trọng trả lời xét hỏi

“Những bị cáo Hoàng Văn Thắng, Vũ Tiến Sơn, Phạm Minh Tuấn, Nguyễn Trọng Ánh tôi coi như anh em trong gia đình. Dũng "Bắc Kạn" tôi chỉ biết qua các mối quan hệ xã hội và ít giao tiếp. Tôi không phản đối lời khai của các bị cáo đã khai trước.”

Nói về người thông báo cho Dương Chí Dũng tạm lãnh, bị cáo Trọng không có ý kiến: “Gia đình tôi nhiều việc, khi tâm trạng rơi vào trạng thái quá mệt mỏi và quên hết mọi thứ. Hãy xem tất cả lời khai tại cơ quan an ninh điều tra là lời khai của tôi ngày hôm nay. Tôi xin không khai thêm bất cứ điều gì”.

11h35: Phiên tòa tạm nghỉ

13h30: Phiên xử buổi chiều bắt đầu với việc Hội đồng xét xử đối chất lời khai của các bị cáo và của các nhân chứng liên quan để làm rõ các vấn đề.

15h05: Sau giờ giải lao, các luật sư tham gia hỏi các bị cáo. Mở đầu phần xét hỏi, Luật sư Nguyễn Đình Hưng (Luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Tự Trọng). Hỏi về các tình tiết giảm nhẹ tội, bị cáo Trọng nói: “Tôi đã nêu rồi và nhờ luật sư công bố hộ".

Tiếp đó, Luật sư Hưng hỏi nhân chứng Dương Chí Dũng về việc, ý thức trốn đi nước ngoài có từ khi nào? Bị cáo Dương Chí Dũng cho biết: “Sau khi được một người trên Hà Nội khuyên tránh đi một thời gian nên cứ thế đi chứ không ý thức được bản thân. Còn quá trình đi, tôi định đi Trung Quốc bằng cửa khẩu ở Móng Cái. Đi trên đường, xuống Quảng Ninh tôi lại đổi ý và muốn qua Campuchia rồi sang Mỹ. Việc các bị cáo chỉ là người giúp tôi xe đi lại trên đường bỏ trốn. Khi bỏ trốn, tôi không ý thức được hậu quả trong vụ án xảy ra ở Vinalines”.

Luật sư Hưng hỏi: "Từ cửa khẩu Mộc Bài đi Campuchia đi bằng còn đường nào?".

Dương Chí Dũng: “Tôi đi sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch và hợp pháp bằng hộ chiếu của tôi”.

Dương Chí Dũng trả lời câu hỏi của các luật sư.

15h15: Luật sư Đặng Việt Hùng (LS bào chữa cho Vũ Tiến Sơn). Luật sư Hùng hỏi Sơn rằng: Khi được nhờ giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn, có biết hậu quả mà người này gây ra không?

Bị cáo Vũ Tiến Sơn: Tôi chỉ biết anh Dũng có liên quan đến pháp luật và có người khuyên tránh mặt. Bị cáo cũng không biết chuyện Dũng gây ra rất nghiêm trọng. Việc tham gia giúp Dũng bỏ trốn là do anh em quen và chơi với nhau từ rất lâu và cũng là cấp dưới nên phải làm.

Sau khi hỏi Vũ Tiến Sơn, Luật sư Hùng hỏi bị cáo Hoàng Văn Thắng rằng, ai là người chỉ huy vụ giúp Dũng bỏ trốn. Bị cáo Hoàng Văn Thắng khẳng định do Dương Tự Trọng chủ mưu

15h38: Bị cáo Dương Tự Trọng khai báo: Sơn, Ánh, Thắng và tôi nếu khi làm án thì phải chấp hành theo cấp trên. Anh em làm án thường chấp hành yêu cầu của tôi từ nhiều năm là để điện thoại ở nhà. Và bất kể vụ án nào khi anh em đi làm đều phải bỏ điện thoại ở nhà không được hỏi nhiều. Vậy, việc các bị cáo để điện thoại ở nhà là thói quen nghề nghiệp.

Về Phạm Minh Tuấn: Dương Tự Trọng giải thích, vì mối quan hệ đặc biệt nên thường được Phòng PC45 Hải Phòng trưng dụng đi đánh án cùng anh em.

15h40: HĐXX tuyên bố kết thúc phần xét hỏi và bước vào phần tranh luận. Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội đọc bản kết luận.

Đúng 16h: Sau khi đọc bản luận tội các bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội đã đề nghị mức án đối với các bị cáo như sau:

1. Dương Tự Trọng (53 tuổi, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an) bị đề nghị xử phạt 18-20 năm tù.

2. Vũ Tiến Sơn (48 tuổi, nguyên Phó Trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Hải Phòng) bị đề nghị xử phạt 17-18 năm tù.

3. Hoàng Văn Thắng (44 tuổi, nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường, Công an TP Hải Phòng) bị đề nghị xử phạt 6-7 năm tù.

4. Đồng Xuân Phong (40, ở Hải Phòng) bị đề nghị xử phạt 6-7 năm tù.

5. Trần Văn Dũng (46 tuổi, ở Bắc Kạn) bị đề nghị xử phạt 6-7 năm tù.

6. Nguyễn Trọng Ánh (29 tuổi, ở Hải Phòng) bị đề nghị xử phạt 6-7 năm tù.

7. Phạm Minh Tuấn (53 tuổi, ở Hải Phòng) bị đề nghị xử phạt 5-6 năm tù.

Đối với Dương Chí Dũng khai người tiết lộ thông tin khởi tố để bó trốn, VKS đề nghị cơ quan chức năng khởi tố thêm một vụ án về hành vi “Cố ý làm lộ bí mật công tác”. Việc các bị cáo khai hối lộ, VKS đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét để tạo tính răn đe.

Luật sư đề nghị trả hồ sơ điều tra

16h20: Phiên xét xử bước vào phần tranh luận của các luật sư

Đăng đàn đầu tiên là Luật sư Nguyễn Đình Hưng phát biểu bảo vệ cho bị cáo Dương Tự Trọng. Vị luật sư này bày tỏ quan điểm không đồng tình với quan điểm luận tội của cơ quan công tố cho rằng, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng do thân chủ của luật sư là kẻ chủ mưu.

Theo nhận định của ông, nếu người bỏ trốn không phải là Dương Chí Dũng thì mức độ nghiêm trọng không được nhìn nhận như thế này. Luật sư Hưng đề nghị trả lại hồ sơ để điều tra để đánh giá mức độ vi phạm của các bị cáo một cách chính xác, đúng người đúng tội.

16h45:  Bị cáo Dương Tự Trọng trình bày thêm về việc VKS truy tố tại khoản 3 Điều 275. Bị cáo trình bày không nói việc này cho bản thân mà cho các bị cáo khác trong vụ án. Theo đó, Dương Tự Trọng cho rằng đánh giá hậu quả vụ án là gây dư luận xấu, ảnh hưởng uy tín cơ quan pháp luật đều là những ước định, khó đo đếm. Việc VKS vận dụng nội dung này để kết tội các bị cáo là bất hợp lý.

17h: Phiên tòa tạm nghỉ. 8 giờ ngày 8/1/2014 sẽ tiếp tục phiên xét xử.

Thiên Minh