Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú: Cần đảm bảo an ninh quốc gia

15:54 | 10/09/2013

823 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đề nghị Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú cần đảo bảo an ninh quốc gia, UBTVQH cũng khuyến cáo ban soạn thảo cân nhắc, đưa ra quy định chặt chẽ hơn về hai đối tượng: Người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, và người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.

Giữ vững chủ quyền an ninh quốc gia

Trong buổi sáng ngày 10/9, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận về dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Đề cập đến quốc tịch, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu phản ánh trường hợp công dân có hai quốc tịch thì giải quyết xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, thường trú như thế nào? Nội dung miễn thị thực được quy định trong luật lần này thế nào?

Đồng tình với việc đưa dự án trình Quốc hội trong thời gian tới, song Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cũng lưu ý ban soạn thảo cân nhắc thêm về hai đối tượng thường trú trong Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú. Luật đưa ra cần đảo bảo an ninh quốc gia.

Thứ nhất, đối với những công dân Việt Nam có hai quốc tịch, đang cư trú ở nước ngoài nên xem xét đưa vào luật này. Hiện Việt Nam có khoảng 3 triệu người định cư tại nước ngoài. Theo ông Ksor Phước, thì họ vẫn còn là công dân Việt Nam. Giờ họ muốn trở về thì ta xử lý thế nào?

Đối tượng thứ 2 là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam từ năm 2000, cũng khá nhiều. Chủ tịch Hội đồng dân tộc nhận định: “Ý tưởng của ban soạn thảo là từng bước chuyển đổi để họ nhập quốc tịch Việt Nam? Nếu quy định như trong dự thảo thì quá đơn giản, cần phải làm rõ hơn điều kiện ở cả hai đối tượng này”.

Vì theo ông, công dân Việt Nam ở nước ngoài không phải nộp thuế, một số đối tượng lại có tư tưởng phản động. Bên cạnh đó người nước ngoài vào Việt Nam cũng không loại trừ mục đích lập tiền trạm để thành lập các tổ chức buôn bán vũ khí, ma túy xuyên quốc gia.

 

Băn khoăn về thị thực

Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị lý giải rõ hơn mối quan hệ giữa luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú với Bộ Luật lao động sửa đổi năm 2012. Đặc biệt quy định về thời hạn hay vấn đề trục xuất… cần phải được làm rõ hơn. Bà Mai cho rằng, lao động nước ngoài vào Việt Nam phải mời bảo lãnh chứ không chỉ được cấp phép.

Có cùng góc nhìn tương tự, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, mối quan hệ giữa Luật cư trú, Luật quốc tịch, hay Luật hải quan, đầu tư, doanh nghiệp… chưa được thể hiện trong luật nhập cảnh, xuất cảnh. Đối với trường hợp đơn phương miễn thị thực, sẽ được quy định trong luật thế nào?

Một thắc mắc khác được nhiều đại biểu nêu là bất cập về quy định thời gian của thị thực. Cụ thể Luật nhập cảnh, xuất cảnh thì quy định thời hạn thị thực không quá 12 tháng. Nhưng Luật đầu tư lại quy định thời hạn không quá 5 năm.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý thắc mắc: Vậy thời gian cụ thể như thế nào? Các nước có quy định riêng không, hay quy định chung về xuất cảnh nhập cảnh? Quy định người nước ngoài cư trú bằng cấp thẻ đã đầy đủ chưa?

Bộ Công an xác định Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú là luật có tính chuyên ngành. Vì thế các hoạt động liên quan đến doanh nghiệp sẽ điều chỉnh ở luật khác.

Hiện có 7 nước đang được Việt Nam áp dụng miễn thị thực là Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và 4 nước Bắc Âu. Đây là thị trường tiềm năng, thu hút khách du lịch. Song đại diện Bộ Công an cho rằng, việc miễn thị thực cũng có những vấn đề phức tạp, mặt khác các nước không được miễn thị thực cũng lên tiếng phàn nàn.

Về quy định thời hạn thị thực 12 tháng và 5 năm, Bộ Công an cũng thừa nhận đây là bất cập. Các nước thường áp dụng thời gian cấp thị thực hạn 5 năm, tuy nhiên ban soạn thảo cho biết chúng ta đã đưa ra cách giải quyết linh hoạt, phù hợp hơn. Ngoài thị thực, chúng ta còn có quy định về thẻ tạm trú, được quy định thời gian 5 năm.

Tuy nhiên việc cấp thẻ tạm trú chỉ được áp dụng khi người đó đã được xác định vào làm việc, học tập, sinh sống lâu dài với mục đích cụ thể, tránh tình trạng chuyển đổi nhằm phục vụ các mục đích khác.

Trà My

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc