Lời thề trong sáng
Theo một thống kê, cả nước có trên 7.000 lễ hội, trong đó có tới gần 90% là lễ hội dân gian. Tuy nhiên, các cán bộ văn hóa đang lo ngại là quá nhiều lễ hội hiện nay chỉ nhăm nhăm cổ súy cho mê tín dị đoan mà các nhà nghiên cứu gọi là mê lầm. Thế nhưng có một lễ hội dân gian tồn tại gần một nửa thiên niên kỷ lại mang ý nghĩa thời cuộc hết sức sâu sắc. Đó là lễ hội Minh Thệ vẫn được tổ chức vào hàng năm tại làng Hòa Liễu xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Minh Thệ chưa hề được quan tâm đúng mức và chưa có tên trong danh mục lễ hội nóng, dù đây là một nét tinh hoa của văn hóa đặc sắc của vùng xứ Đông.
Theo hồi ức của các cụ cao tuổi, trước năm 1945, lễ hội Minh Thệ làng Hòa Liễu được tổ chức vào hạ tuần tháng Chạp (chính hội là ngày 24 tháng Chạp) hàng năm, tại miếu và đình. Sau năm 1945, miếu và đình bị hạ giải, lễ hội Minh Thệ bị gián đoạn khá lâu. Mãi đến năm 1993, khi cụm di tích đền – chùa Hòa Liễu được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, nhân dân địa phương bắt tay phục dựng các lễ hội truyền thống. Kết quả là cách nay đúng 10 năm, năm 2002, lễ hội truyền thống làng Hòa Liễu đã chính thức phục dựng và trở thành lễ hội hàng năm vào trung tuần tháng Giêng, tại cụm di tích đền – chùa Hòa Liễu.
Tương truyền, chùa Hòa Liễu là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ XIII, có tên là Thiên Phúc Tự. Giữa thế kỷ XVI, vợ của Thái Thượng hoàng Mạc Đăng Dung là Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản đã đến ấp Lan Niểu (thôn Hòa Liễu ngày nay) tự bỏ tiền và vận động hoàng thân quốc thích, quan lại triều Mạc cả thảy 35 vị góp tiền của để tu tạo lại ngôi chùa cổ.
Trong tài liệu còn lưu giữ và theo truyền khẩu ở địa phương thì người có công xây dựng nên chùa và đền Hòa Liễu là một Thái hoàng Thái hậu nhà Mạc họ Vũ. Vào thập niên 50 của thế kỷ trước, khi vương triều Mạc còn thịnh, bà đã kêu gọi các hoàng thân quốc thích khác cùng đóng góp, dựng nên ngôi chùa Thiên Phúc ở làng Hòa Liễu và mấy chục chùa khác ở các nơi. Riêng Hòa Liễu, bà xuất tiền mua 25 mẫu 8 sào ruộng cúng Tam bảo. Nhiều vị trong hoàng tộc hưởng ứng, sau số ruộng cúng chùa đạt tới 47 mẫu 3 sào. Từ số ruộng đó, làng cho nhà chùa 4 mẫu để cày cấy, còn lại làm ruộng công để đảm bảo người nào trong làng cũng có ruộng. Nhân đó, Thái hoàng Thái hậu đã đặt ra những lời thề đối với người được sử dụng đất và bản văn Minh Thệ "không lấy của công làm của tư” đã dần dần định hình.
Minh Thệ được tổ chức hết sức bài bản vào sáng 14 tháng Giêng. Người ta dựng một đài thề trước cửa đền, chiếc mũ cũ của Thành hoàng làng trước đây được đặt ở vị trí cao nhất trên đài thề. Xung quanh có hoa quả, bát hương, một con dao bầu (bọc vải điều), một bình rượu lớn (phủ vải điều) và một con gà trống (nhốt trong bu gà phủ vải điều). Trước đài thề có một vòng tròn bằng vôi trắng đường kính khoảng 2m, ở giữa có một ô đất trống, gọi là vòng thiêng. Sau khi chủ tế và các vị bồi tế (là các vị có chức sắc trong làng, mặc áo lễ màu đen) đã yên vị, chủ tế vái lạy là lúc con dao bầu được chuyển từ trên đài thề xuống. Chủ tế cầm dao vẽ một vòng tròn rồi lại cắm xuống điểm giữa vòng thiêng. Sau đó, chủ tế bắt đầu đọc Văn thề, rồi cầm dao bầu tiến đến đài thề cắt tiết gà với sự giúp đỡ của hai người mặc áo lính đỏ, nhỏ huyết vào bình rượu trên đài thề. Rượu được chuyển cho chủ tế và các vị bồi tế uống để ghi nhận lời thề đã tấu lên trước đó. Rượu được chuyển ra ngoài cho các vị cao niên trong làng. Lời thề "… lấy của công làm việc công thì được các thần linh ủng hộ. Nhược bằng có lòng tham, lấy của công đem về làm của tư, thì nguyện cầu các vị thần linh hãy đả tử!…” là nội dung chính của văn thề.
Tiếp đến là nghi lễ cắt tiết gà để uống máu ăn thề diễn ra rất cầu kỳ theo một quy định truyền thống từ ngàn đời. Máu gà trống được hòa vào bình rượu lớn, mỗi người truyền tay nhau uống một ngụm khẳng định sự đoàn kết thực hiện đúng lời thề. Sau lễ hội Minh Thệ trang nghiêm, dân làng Hòa Liễu như được tiếp thêm sức mạnh, rũ bỏ mọi ưu phiền của một năm qua để tiếp tục bước vào năm mới, với niềm tin tưởng những điều tốt đẹp đang chờ ở phía trước.
Thật hào sảng khúc triết và anh minh, lễ hội Minh Thệ tràn đầy triết lý “chí công vô tư”, cốt lõi của tinh thần phòng chống tham nhũng, xứng đáng được lưu truyền và bảo tồn trường cửu. Đang thực hiện cuộc vận động “chỉnh đốn Đảng”, giá mà Minh Thệ mở ở Hà Nội để mà các quan trên dự và thề.
Bảo Văn
-
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa: Gạch nối lịch sử về lòng yêu nước
-
[Chùm ảnh] Giới trẻ hào hứng check-in Lễ hội Tết Việt
-
Nhiều hoạt động đặc sắc “Chào năm mới 2025" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
-
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024: Thúc đẩy dòng chảy văn hóa sáng tạo Thủ đô
-
Độc đáo lễ hội rước bánh trôi dâng Hai Bà Trưng tại đền Hát Môn
-
Đề xuất tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030
-
Tăng cường phân cấp, tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước
-
Chuyến thăm 4 nước của Tổng Bí thư tạo thêm động lực và nguồn cảm hứng để đất nước bước vào kỷ nguyên mới
-
Hôm nay, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi)
-
UNCLOS 1982 - "Xương sống" để Việt Nam ban hành chính sách và hệ thống pháp luật về biển