Loạn xe cấp cứu
Ở các bệnh viện lớn trên địa bàn TP HCM, tình trạng xe cứu thương “dởm” trà trộn hoặc hoạt động với danh nghĩa là xe hợp đồng với bệnh viện để tìm khách ngày càng phổ biến.
Dạo quanh Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM, dễ dàng bắt gặp các xe cứu thương “dởm” thường xuyên ra vào. Các xe cứu thương này mang biển số trắng, không có tên đơn vị chỉ để số điện thoại di động ở hông xe, có chiếc thì chỉ có dấu chữ thập đỏ và trên nóc xe có gắn còi hụ để nhận diện là xe cứu thương, ngoài ra không có thêm thông tin gì khác về đơn vị quản lý, sử dụng.
Từ phòng cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy đi ra, trong vai một người nhà cần thuê xe có băng ca để chuyển bệnh nhân về quê, tôi lân la hỏi thăm. Nhóm xe ôm trước cổng bệnh viện ra hiệu cho một người đàn ông đứng tuổi bên kia đường chạy sang. Người này tự giới thiệu tên T, chuyên cung cấp dịch vụ xe cấp cứu. Khi chúng tôi hỏi đây là xe cấp cứu của bệnh viện nào thì anh ta lúng túng: “Không, đây là xe của tư nhân nhưng em cứ yên tâm, có còi hụ được quyền ưu tiên đàng hoàng, chạy vô tư luôn, thiết bị mới và còn tốt hơn cả xe cấp cứu của bệnh viện”.
“Từ đây về Vũng Tàu bao nhiêu?” – tôi hỏi. “Hai triệu” – T nhanh chóng ra giá. Tôi bảo “Triệu rưỡi được không, từ đây về dưới Vũng Tàu khoảng 120 cây số thôi mà”. “Không bớt được đâu em ơi, xe anh là xe cứu thương chứ có phải taxi đâu. Chỉ bớt cho em 100 ngàn làm quen thôi”. T bảo tôi lưu lại số điện thoại và căn dặn: “Nhớ gọi cho anh liền sau khi người nhà có giấy xuất viện vì phải có giấy bảo vệ mới cho đưa xe vào”.
Tại cổng sau của Bệnh viện Chợ Rẫy chúng tôi chứng kiến một cặp vợ chồng già, người chồng ngồi trên xe lăn, xung quanh là những túi đồ lỉnh kỉnh chuẩn bị xuất viện. Một thanh niên đến để chào mời đi xe. Sau một hồi trò chuyện, bà cụ đưa cho anh ta một tờ giấy. Anh ta cầm tờ giấy rồi đi ra cổng. Tôi đến hỏi bà cụ được biết, đã thuê xe của anh ta với giá 3,5 triệu đồng về Đắk Lắk. Một lát sau người đàn ông lúc nãy lái chiếc xe cấp cứu “dởm” vào vào bệnh viện và chở ông bà đi.
Đối chiếu với giá dịch vụ xe cứu thương tại Tổ công xa Bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi nhận thấy giá xe cứu thương bên ngoài đưa ra đắt hơn từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Chẳng hạn, từ TP HCM về Vũng Tàu giá xe cấp cứu bên ngoài cao hơn 600.000 đồng so với dịch vụ của bệnh viện.
Tại Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương các xe cấp cứu “dởm” cũng trà trộn vào hoạt động. Bác sĩ Lê Thanh Chiến, Giám đốc Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương cho biết: Trước đây, trong khuôn viên bệnh viện từng xuất hiện một số xe cấp cứu có dán chữ “115” nhưng không ghi tên đơn vị nào và cũng trang bị đèn hiệu, còi hụ. Phía bệnh viện đã thông báo số xe, đặc điểm những xe này đến công an. Ngay sau đó, các xe này mất tăm.
Chỉ cần dán thêm một dấu thập đỏ, gắn thêm cái đèn nhấp nháy và chiếc còi hụ là chiếc xe thông thường nghiễm nhiên trở thành xe cấp cứu. Anh Nguyễn Thanh Tâm, chạy xe cứu thương cho biết: “Các loại xe hiện nay đa phần là xe dân dụng được hoán cải, gắn cái còi hụ là thành xe cứu thương. Tôi thấy người ta dùng loại xe cá mập đem về bỏ kính sườn và trải sàn inox, lắp ghế một bên, bình ôxy, còi cứu thương, khoảng một tuần là xong. Mấy cái đồ nghề xe cứu thương chỉ cần qua chợ Dân Sinh, muốn món gì cũng có tuốt”.
Tại chợ Dân Sinh, quận 1, qua khảo sát chúng tôi chúng tôi nhận thấy, các thiết bị cho xe cấp cứu được bán khá phổ biến; đèn cấp cứu tròn giá dao động 400-800 ngàn đồng tùy loại; còi hụ có giá 350-500 ngàn đồng; còn đèn cấp cứu dài cộng với còi hụ thì giá hơn 3 triệu đồng. Các loại đèn và còi hụ chủ yếu là hàng Tàu. Nếu muốn xịn thì mua thêm một bình ôxy hơn 1 triệu đồng sử dụng khi người bệnh có nhu cầu. Vậy là tùy theo yêu cầu, túi tiền thì các cửa tiệm có thể trang bị cho khách hàng đầy đủ bộ đồ hành nghề xe cấp cứu.
Ngoài ra, việc hành nghề xe cấp cứu còn có một điểm thuận lợi nữa là không sợ phạt vì vậy lái xe tha hồ phóng nhanh, vượt ẩu. Các lái xe cấp cứu cho hay: Chưa từng thấy xe cứu thương nào bị kiểm tra. Vì khi chạy trên đường, xe có còi ưu tiên mọi người đều nhường đường, ưu tiên cho đi, cảnh sát giao thông cũng dọn đường cho xe đi chứ ít khi kiểm tra vì sợ ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.
Ông Lê Minh Hải, Trưởng phòng Quản lý Dịch vụ y tế Sở Y tế TP HCM cho biết: Đến nay Sở Y tế chưa cấp phép vận chuyển cấp cứu cho bất cứ cá nhân nào. Xe cứu thương phải là xe đặc chủng, đạt các yêu cầu về kỹ thuật, không lắc lư ảnh hưởng đến bệnh nhân và độ an toàn phải cao hơn xe khách thông thường. Để có thể vận chuyển cấp cứu an toàn cho người bệnh, các xe cấp cứu phải đáp ứng đủ hai điều kiện: phương tiện vận chuyển cấp cứu chuyên dụng, có trang bị hệ thống đèn, còi cảnh báo ưu tiên, phải có nhân viên y tế đã được đào tạo và cấp chứng chỉ về cấp cứu với đầy đủ trang thiết bị và thuốc cấp cứu (máy thở, máy phá rung tim, bình ôxy, dụng cụ cố định, thuốc…).
TS.BS Đỗ Quốc Huy, Tổng thư ký Hội Hồi sức cấp cứu TP HCM – Phó giám đốc Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương TP HCM cho biết: Do xe cấp cứu ở các bệnh viện không thể đáp ứng nhu cầu cấp cứu cho người bệnh. Dịch vụ vận chuyển cấp cứu ngoại viện là một nhu cầu có thật và rất lớn của xã hội, nhưng đến nay luật pháp nước ta chưa quy định rõ doanh nghiệp hoặc cá nhân có được vận chuyển cấp cứu hay không. Ngay cả Luật Khám chữa bệnh mới đây cũng không đề cập vấn đề này. Theo tôi, dịch vụ này cần được Nhà nước xã hội hóa để đáp ứng nhu cầu của người dân, nhưng phải được quản lý chặt chẽ về mặt chất lượng chứ hiện nay loại hình này đang bị thả nổi.
Lợi dụng tình trạng thiếu trầm trọng xe cứu thương, không ít tư nhân đã mua xe cứu thương hoặc hoán cải xe khách thông thường dán logo cứu thương để làm ăn. Nhiều người nhà bệnh nhân với mong muốn bệnh nhân được cấp cứu kịp thời đã không tiếc tiền để chi cho xe cấp cứu nên bị các xe này tha hồ “chặt chém” vô tội vạ. Việc các xe cứu thương "dỏm” hoạt động thiếu sự kiểm soát còn có khả năng gây ảnh hưởng đến người bệnh vì các xe này không được trang bị đầy đủ trang thiết bị và không có nhân viên y tế để cấp cứu cho bệnh nhân trên đường vận chuyện bệnh.
Mai Phương
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Thủ tướng: "Ai làm tốt thì giao việc"
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025