Loạn tên phố

05:45 | 06/07/2012

991 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hà Nội sau khi sáp nhập và mở rộng quy hoạch phát triển đô thị đã có thêm nhiều đường phố mới. Phố mới to hơn phố cũ, tên phố mới tất nhiên cũng phải khác phố cũ và việc chồng chéo tên hay loạn tên trên một con phố đã trở nên không còn xa lạ với người dân thủ đô. Loạn số nhà đã đau đầu, nay tên phố cũng loạn thì xem ra việc tìm kiếm địa chỉ ở những đường phố này có phần rắc rối hơn… Và chỉ riêng cái chuyện loạn tên phố, số nhà này cũng đủ thấy việc quản lý đô thị của chính quyền Hà Nội xứng đáng là kém nhất cả nước!

Phố kỷ lục nhiều tên

Ở Hà Nội đang tồn tại một con đường thuộc huyện Từ Liêm, chỉ dài có 3km mà có đến 4-5 tên gọi khác nhau. Trước đây, con đường này không có tên, nên người dân ở đây (khi đó còn là làng) đã gắn với đặc sản nổi tiếng của vùng là bưởi Diễn, đoạn đi qua Ngân hàng NN&PTNT huyện Từ Liêm người dân quen gọi là đường “Ngân hàng”. Và nếu vẫn không tìm được địa chỉ, có thêm một cách nữa là hỏi đường vào… Trại giam Hỏa Lò (nay là Trại giam Hà Nội). Lâu dần người ta gọi đó là đường Hỏa Lò.

Mặc dù tên gọi chính thức của con đường này đã được thống nhất khoảng 2 năm gần đây là đường Phúc Diễn, nhưng do quen miệng với tên đường Hỏa Lò nên nhiều người vẫn chỉ nhớ cái tên đó. Khổ nỗi, đối với người nào đã quen với con đường này, địa bàn huyện Từ Liêm này thì còn dễ, chứ với nhiều người còn lạ lẫm thì tìm đường Hỏa Lò rồi tìm địa chỉ nhà bạn bè, người thân, tìm quán ăn, cửa hàng đồ gia dụng… thì quả thật là mệt đứt hơi.

Liền kề nhau nhưng mỗi nhà một tên phố

Theo quan sát, từ đầu đường rẽ vào không hề có biển đặt tên đường, mà phải đi vào 100m mới có thể nhìn thấy tấm biển báo “Đường Phúc Diễn” mang dáng vẻ “tượng trưng”. Ngồi uống nước ở một quán nước mía ven đường, cô bán hàng vui miệng lý giải về tên đường “Ngân hàng”: “Ngày xưa ở đây có Ngân hàng NN&PTNT huyện Từ Liêm lớn lắm, mà đường này thì chẳng có tên gì nên người dân lấy luôn tên Ngân hàng cho dễ tìm”. Chỉ vào phía xa hơn, lý giải vì sao địa chỉ số 33 đường Xuân Phương cạnh ngay số 35 đường Phúc Diễn, cô hàng nước tiếp lời: “Từ cột mốc gần ngã ba kia trước đây là do trị trấn Cầu Diễn quản lý, phía bên trong này là xã Xuân Phương quản lý nên đi sâu vào trong, mọi người còn gọi là Xuân Phương – vùng đất nổi tiếng với đặc sản bưởi Diễn và cam Canh”. Đến đoạn ngã ba, chính là con đường dẫn vào Trại giam Hà Nội (Trại giam Hỏa Lò) xây dựng từ năm 1993, có hẳn một đoạn dài đường được ghi tên đánh số. Nổi tiếng với tên gọi đường Hỏa Lò. Ngã ba này thì được gọi là đường Phương Canh hay đường Nhà máy nước (vì đi qua Nhà máy Xử lý phế thải Cầu Diễn).

Có lẽ ở con đường này cứ cái gì nổi tiếng, hay trụ sở gì to lớn thì người dân sẽ gắn làm tên đường nên mới có tình trạng một con đường mà có đến 4-5 tên, tên này ở cạnh tên kia gây hoang mang cho khách lạ tới đây.

Tên cũ vẫn dùng khi đã có tên mới

Con đường mới mở to đẹp thông từ Cầu Giấy sang khu vực Trung Hòa, Trung Kính vẫn còn nhiều đoạn chưa hoàn thiện, nhưng thành phố đã kịp đặt tên mới cho con đường này là Trần Thái Tông, nhân dịp Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, thay cho tên cũ là Nguyễn Phong Sắc kéo dài. Tuy nhiên, tên mới đã “đến” nhưng tên cũ mãi không chịu “đi”. Tình trạng song song tồn tại cả tên cũ và mới trên con phố này vẫn đang tiếp diễn.

Cách con đường đó không xa, ngõ 61 đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng được đổi thành tên thành “Phố Đỗ Quang”. Hai đầu đường có biển báo “Phố Đỗ Quang”, thế nhưng giữa đoạn đường này thì vẫn còn biển “Ngõ 61 đường Trần Duy Hưng”; các biển hiệu và số nhà trong ngách cũng vẫn giữ nguyên như cũ. Dường như đó là một hiện thực đã trở nên bình thường, ai rối ren mặc ai. Như trong phố Hoàng Ngân lại có cả địa chỉ ghi rõ là ngõ 25 đường Nguyễn Ngọc Vũ và ngách 68 phố Quan Nhân.

Nhiều người từng tìm mỏi mắt đường Kim Liên mới, nhưng cuối cùng mới vỡ lẽ cái tên chính thức lại là Xã Đàn. Với câu hỏi phải làm sao để chấm dứt tình trạng này thì cũng chưa ai có câu trả lời chính xác, còn người dân đành phải chấp nhận “có sao thì thích nghi thế”, “tìm rồi cũng ra” thôi!

Tên danh nhân cũng sai

Ngoài những phố có hai tên khác nhau, Hà Nội còn có những phố cũng là tên đấy mà đầu phố viết kiểu này, cuối phố viết kiểu khác. Ví dụ như phố “Lương Định Của” là một phố nhỏ nằm gần khu vực chợ Kim Liên, giao cắt với phố Phạm Ngọc Thạch thuộc quận Đống Đa. Phố được đặt tên của Tiến sĩ nông học Lương Định Của (1920-1975) tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Kyoto (Nhật Bản) và trở thành vị tiến sĩ thứ 96 của nước này. Cả cuộc đời ông cống hiến cho sự nghiệp lai tạo các giống cây trồng, đặt nền móng cho nền khoa học nông nghiệp Việt Nam. Được đặt theo tên của Tiến sĩ nông học Lương Định Của, nhưng lâu nay tên con phố nhỏ này bị nhầm thành “Lương Đình Của”. Tấm biển lớn treo ở cổng THCS Đống Đa, hay nhiều biển hiệu của cơ quan, đoàn thể trên phố cũng ghi sai là “Lương Đình Của”.

Phố “Nguyễn Thiếp” nằm ngay dưới chân cầu Long Biên, dài hơn 250m, nối từ phố Hàng Đậu cắt ngang phố Gầm Cầu đến phố Hàng Khoai (quận Hoàn Kiếm). Theo như phản ánh của người dân, trên rất nhiều tấm bạt cuốn, biển, bảng hiệu của các cửa hàng kinh doanh tại đây đều ghi tên thành “Nguyễn Thiệp”, dù tại hai đầu phố cột biển ghi rõ tên phố là “Nguyễn Thiếp”.

Tuy nhiên đây không phải là trường hợp duy nhất, nhiều tuyến phố khác trong thủ đô cũng xảy ra tình trạng này như: phố “Tạ Hiền” (quận Hoàn Kiếm) thì biển hiệu của nhiều gia đình lại ghi “Tạ Hiện”; ngõ “Túc Mạc” (đường Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm) thành ngõ “Tức Mạc”; phố “Lý Văn Phức” (quận Đống Đa) ghi là “Lý Văn Phúc”, thậm chí có nhà còn ghi… Lý Vạn Phúc. Có trường hợp còn “loạn” cả về chính tả như Trường Chinh thành Trường Trinh. Cùng một tuyến phố nhưng biển ghi đúng, biển ghi sai tồn tại xen kẽ như vậy.

Thắc mắc việc tên phố một đằng, nhà dân lại đề một nẻo, nhiều người giải thích là do trước kia biển hiệu đề tên phố thế nào thì dân quen như thế mà gọi theo. Đến khi chính quyền nhận ghi sai, thay biển mới thì xảy ra tình trạng loạn tên; dẫn đến việc nhà vẫn ghi tên phố cũ, nhà lại ghi theo tên mới. Có nhiều người thì lý giải rằng, biển quảng cáo đã làm cách đây nhiều năm, giờ vẫn dùng tốt và có lộc nên ngại sửa lại và cũng không có ý định sửa lại vì đâu phải có mỗi nhà mình… nhầm và sai tên đâu!

Tình trạng sai tên, loạn tên phố có lẽ sẽ vẫn tồn tại trong thời gian dài nữa, bởi để thay, để sửa tên phố trên biển hiệu ấy làm sao cho thống nhất và đồng bộ thì trách nhiệm này của nhiều người và từ trên xuống dưới. Biết là sai, là loạn, là song song, là chồng chéo… nhưng có phải cứ muốn rõ ràng, rành mạch là làm ngay được đâu. Hà Nội với những phố loạn tên, loạn số vẫn sẽ còn tồn tại như thế và khi ai đó cần tìm địa chỉ nào đấy thì lại phải tâm niệm rằng, “mọi con đường đều nằm ở… mồm”, cứ đi và hỏi, rồi cũng tới nơi.

Thanh Huyền

Năng lượng Mới số 134, ra thứ Ba ngày 3/7/2012