Lo rủi ro lạm phát, nợ xấu tăng, đại biểu nói cách "tiếp máu" cứu kinh tế

17:58 | 08/11/2021

2,773 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đại biểu Quốc hội cho rằng dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều, do vậy biện pháp "tiếp máu" cho nền kinh tế chỉ có thể là sự cộng hưởng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Đề nghị thận trọng với mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2022

Thảo luận tại Quốc hội sáng 8/11, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) lo ngại chỉ tiêu tăng trưởng GDP cho năm nay với mức 3-3,5% là khó đạt được. Năm ngoái Việt Nam cũng bị đại dịch tấn công với cường độ không mạnh như bây giờ, cũng chỉ đạt được 2,91%.

Lo rủi ro lạm phát, nợ xấu tăng, đại biểu nói cách tiếp máu cứu kinh tế - 1
Đại biểu Lê Thanh Vân thảo luận tại hội trường (Ảnh: QH).

Đề cập tới chỉ tiêu GDP năm sau với kỳ vọng 6-6,5%, đại biểu Vân cũng cho rằng nên đánh giá một cách cẩn trọng hơn. Bởi từ nay đến tháng 6 năm sau chúng ta phải có một giai đoạn phục hồi từ đó mới phát triển được.

Đại biểu Vân cho biết thêm, đợt đại dịch vừa qua đã bộc lộ ra chất lượng yếu kém của một bộ phận cán bộ chủ chốt ở một số nơi, từ nhận thức đến hành vi không chuẩn về pháp luật dẫn đến ứng xử vừa không đúng về pháp luật, vừa không đúng về đạo lý với nhân dân.

Do vậy đại biểu đề nghị Chính phủ, chính quyền một số địa phương có cán bộ sai phạm phải xử lý nghiêm.

Đề xuất về các giải pháp, đại biểu Vân đề nghị Chính phủ sắp xếp trật tự ưu tiên theo hướng ưu tiên củng cố và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cao trong quản lý và lãnh đạo các cấp.

Thứ hai, tập trung rà soát và sửa đổi thể chế. Đại biểu bày tỏ vui mừng khi Chính phủ đang chuẩn bị một dự án luật, một luật sửa nhiều luật.

Trong khi đó, thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) đưa ra một số giải pháp để thúc đẩy quá trình tái khởi động và phục hồi nền kinh tế trong hai năm tới.

Đại biểu Lộc đề nghị bên cạnh các chính sách về tài khóa, về tiền tệ, về an sinh xã hội, chúng ta phải áp dụng một giải pháp phi tài chính. Hay nói khác theo đại biểu, đó là các cơ chế về và các thủ tục đặc thù để thúc đẩy cho sản xuất, kinh doanh, đầu tư toàn xã hội với những nội hàm cụ thể như rút gọn các thủ tục, quản trị rủi ro chuyển sang hậu kiểm, hạn chế thanh kiểm tra, thực hiện chủ yếu trên nền tảng trực tuyến và không ban hành thêm bất cứ một chính sách nào có thể làm phát sinh các thủ tục và chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Để Việt Nam không lỡ nhịp, lỡ thì...

Về việc phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, theo ông Lộc, khác với các nước trên thế giới, ở nước ta, nguồn vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh ở các doanh nghiệp lại chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng cho nên hàm chứa nhiều rủi ro và báo cáo của Chính phủ cũng cảnh báo tình trạng áp lực lạm phát, nợ xấu đang gia tăng.

Do vậy đại biểu cho biết khi dư địa của chính sách tiền tệ là không còn nhiều, biện pháp "tiếp máu" cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay chỉ có thể là sự cộng hưởng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Trong đó, chính sách tài khóa phải đóng vai trò chủ đạo.

Đại biểu bày tỏ kỳ vọng với chủ trương về việc hình thành quỹ hỗ trợ 2 đến 3% lãi suất cũng như là việc tăng gấp 10 lần quỹ hỗ trợ lãi suất, theo đề xuất của Bộ Tài chính.

Còn đối với gói đầu tư công, đại biểu Lộc lại lo ngại, mặc dù nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng rất lớn và rất cấp thiết nhưng việc phân bố dàn trải cũng như quyết tâm đẩy nhanh giải ngân bằng mọi giá có thể dẫn tới hệ lụy là dòng vốn đầu tư sẽ chảy vào những dự án kém hiệu quả.

Đại biểu đề nghị gói này cần tập trung vào các dự án trọng điểm quốc gia và Quốc hội giám sát chặt chẽ. Phần còn lại, bổ sung vào quỹ hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế.

"Tôi cũng đề nghị là thúc đẩy hình thức đối tác công tư, Nhà nước đừng làm một mình. Trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích, tôi đề nghị các cơ quan Nhà nước đừng quá vì an toàn cho mình mà đẩy hết rủi ro và khó khăn về cho người dân và doanh nghiệp trong phương thức này. Và đây chính là chìa khóa để chúng ta có thể thúc đẩy quan hệ đối tác công tư trong thời gian tới, để huy động nguồn lực của toàn xã hội", đại biểu Lộc đề nghị.

Theo vị đại biểu Quốc hội, không một gói hỗ trợ nào có thể bù đắp nổi các thiệt hại to lớn về sinh mạng, về vật chất, tinh thần mà người dân và doanh nghiệp đã phải gánh chịu trong những tháng ngày qua.

"Mặc dù việc thực hiện các gói hỗ trợ tài chính hiện nay là rất cấp bách nhưng tôi vẫn tha thiết đề nghị chúng ta không thể một chút lơ là. Nhiệm vụ trọng tâm của chúng ta vẫn cứ phải là tiếp tục đẩy mạnh các cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để phát huy được sức mạnh của toàn dân, để nền kinh tế nước ta không lỡ nhịp, lỡ thì với thiên hạ", đại biểu Lộc nhấn mạnh.

Theo Dân trí

Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng chi an sinh xã hội, hỗ trợ người lao độngĐại biểu Quốc hội đề nghị tăng chi an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động
"Không có gì đau xót hơn khi pháp luật phải xử lý các bác sĩ"
"Không để lợi ích cục bộ cài cắm vào quá trình xây dựng luật"
Từ thiếu bỗng thừa, lãng phí nhưng giá điện lại không giảmTừ thiếu bỗng thừa, lãng phí nhưng giá điện lại không giảm
Giá xăng dầu tăng nhanh, sốc: Đại biểu Quốc hội đề nghị sớm can thiệpGiá xăng dầu tăng nhanh, sốc: Đại biểu Quốc hội đề nghị sớm can thiệp
Đại biểu Quốc hội đề xuất cơ chế đặc thù cho 2 năm phục hồi kinh tếĐại biểu Quốc hội đề xuất cơ chế đặc thù cho 2 năm phục hồi kinh tế

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc