"Không có gì đau xót hơn khi pháp luật phải xử lý các bác sĩ"

14:02 | 08/11/2021

342 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo đại biểu Nguyễn Công Long, không có gì đau xót hơn khi pháp luật phải xử lý những người được gọi là tinh hoa (bác sĩ) của đất nước. Do vậy, cần phải rút ra bài học và giải pháp từ vấn đề này.

Sáng 8/11, phát biểu tại buổi thảo luận kinh tế - xã hội, từ điểm cầu TPHCM, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan dành thời gian nói về một số cán bộ ngành y vướng vào vòng lao lý thời gian qua.

Theo bà Lan, ngành nào cũng có tiêu cực, tích cực và nhiều con người hoạt động trong đó với các mục đích. Đối với ngành y, những y bác sĩ hoạt động ở đây với mục đích ở đây là phục vụ người bệnh.

Do vậy, bà Lan băn khoăn với việc làm sao để nhân viên y tế, đặc biệt cán bộ quản lý có cơ hội, môi trường phát triển về y đức, chứ không phải sau đó lúc xảy ra chuyện mới sử dụng các biện pháp hành chính và thủ tục tố tụng hình sự.

"Bản thân tôi là người trong ngành y tế, tôi rất đau lòng và chính người dân sẽ phải trả giá về việc đó" - đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói thêm.

Không có gì đau xót hơn khi pháp luật phải xử lý các bác sĩ - 1
Theo đại biểu Nguyễn Công Long cần phải rút ra bài học từ những vụ án xử lý cán bộ y tế (Ảnh: Quốc Chính).

Cùng nội dung trên, đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) dẫn chứng thời gian qua không ít cán bộ quản lý ngành y tế các cấp vi phạm pháp luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Không có gì đau xót hơn khi pháp luật phải xử lý những người được gọi là tinh hoa của đất nước" - đại biểu Long nói và cho rằng đây là hiện tượng "đáng lo ngại" xét ở các góc độ pháp luật, đạo đức xã hội hay quản trị.

Do đó, đại biểu đoàn Đồng Nai đề nghị cần phải rút ra những bài học từ những vụ án xử lý cán bộ y tế thời gian qua để có giải pháp.

"Tôi tán thành ý kiến của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng những hạn chế, yếu kém trong phương pháp quản lý, điều hành hệ thống y tế hiện nay để đề ra các giải pháp" - đại biểu nói và đặt câu hỏi những sai phạm trên liệu có nguyên nhân "từ bất cập của hệ thống pháp luật quản lý điều hành nền kinh tế hay không?".

Ông Long phân tích lãnh đạo bệnh viện hiện nay ngoài vấn đề chịu trách nhiệm cao nhất về chuyên môn, vừa phải chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ hoạt động khác về hành chính, cơ sở vật chất… Tức vừa phải "cầm dao mổ", nhưng cũng phải chịu trách nhiệm cả những việc từ gửi xe, xử lý rác, mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế, chịu trách nhiệm trong việc đấu thầu các thiết bị y tế…

"Với những yêu cầu đặt ra đó, chỉ những bác sĩ có kỹ năng đặc biệt, với trình độ đặc biệt mới đảm đương được toàn mỹ những nhiệm vụ đặt ra cho họ" - ông Long nói.

Từ kinh nghiệm mô hình y tế của thế giới, đại biểu đoàn Đồng Nai cho rằng, cơ chế quản lý chưa phù hợp, thiếu sự phân định trách nhiệm, tổ chức thực hiện giữa các nhiệm vụ hoàn toàn khác nhau, đòi hỏi chuyên môn khác nhau là một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm của cán bộ quản lý bệnh viện công trong thời gian qua.

Theo đó, ông đề nghị cần khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác quản lý, điều hành hệ thống y tế, nhất là điều hành hệ thống bệnh viện công. Từ đó mới nâng cao năng lực ngành y tế, bảo đảm điều trị chăm sóc sức khỏe người dân, đồng thời ngăn ngừa các tiêu cực xảy ra.

Theo Dân trí

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc