Livestream bạc tỉ và những hệ luỵ khó lường
Quyền Leo Daily khoe quà tặng khách hàng trong phiên Megalive 150 tỷ. |
Những màn livestream “khủng”
Khoảng từ giữa năm 2023 đến nay, những người tham gia mạng xã hội TikTok không còn xa lạ với những phiên livestream được đầu tư bài bản và chiến dịch truyền thông rầm rộ. Với sự xuất hiện của những người nổi tiếng, ca sĩ, diễn viên, những “chiến thần” livestream… trong các phiên livestream đã giúp lượt xem và mua tăng lên đáng kể.
Ngày càng xuất hiện nhiều phiên livestream bán hàng quy mô lớn trên TikTok hay còn gọi là Megalive, với doanh số đạt được mỗi phiên từ vài chục đến cả trăm tỉ đồng, tương đương doanh thu của một công ty trong 1 năm. Đơn cử như Phạm Thoại - Tiktoker này liên tục được tung hô là có doanh thu lên đến hàng chục tỷ đồng chỉ trong vài giờ đồng hồ livestream. Trong tháng 4 vừa rồi, KOL Phạm Thoại cũng vừa hoàn thành phiên live cán mốc 50 tỷ đồng sau 24 giờ livestream.
Hiện người dùng không còn xa lạ với cái tên Quyền Leo, hay “chiến thần” livestream Võ Hà Linh. Theo đó, kênh TikTok của Quyền Leo có tên Quyền Leo Daily từng đăng tải thông tin doanh thu phiên livestream kéo dài 17 giờ đồng hồ với trung bình hơn 30.000 người xem là 100 tỷ đồng. Với con số 100 tỷ đồng doanh thu, Quyền Leo đã tự phá kỷ lục phiên livestream bán hàng 75 tỷ đồng của kênh mình được thiết lập.
Chưa dừng lại ở đó, TikToker này tiếp tục tổ chức phiên Megalive ngày 5/6 với mục tiêu doanh số lên đến 150 tỉ đồng và hứa hẹn tặng quà khủng như ôtô, 100 máy tính bảng cho khách hàng đăng ký sự kiện và tham gia phiên bán hàng. Sau 40 giờ lên sóng ròng rã, livestream kết thúc với doanh số khoảng 80 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với mục tiêu nhưng cũng không phải là con số nhỏ.
“Chiến thần” livestream Võ Hà Linh cũng có phiên bán hàng bùng nổ. Với lượng người xem lên đến 130.000 người, chỉ sau 1 tiếng 45 phút livestream, Võ Hà Linh đã đạt 85% doanh thu cam kết với các nhãn hàng, nên phiên livestream có thể kết thúc sớm hơn so với dự kiến.
Trước đó, Võ Hà Linh cũng đã có phiên livestream lập kỷ lục khi có tới 58.000 người mua hàng cùng lúc, đạt doanh thu 1,5 triệu USD, đồng thời khiến TikTok Shop Đông Nam Á “sập”.
Những con số triệu đô của các phiên livestream khủng đã thu hút sự nhập cuộc của không ít người nổi tiếng khác. Dư luận choáng váng với những màn ăn mừng hoành tráng của các TikToker khi đăng tải hình ảnh màn hình ghi nhận doanh thu hàng tỷ đến trăm tỷ đồng trên trang cá nhân cũng như trên truyền thông.
Trước những kết quả này, không ít người bày tỏ sự nghi ngờ rằng đây là những con số ảo, được thổi phồng lên bởi chính chủ và truyền thông. Các nghi vấn đơn ảo, chiêu trò marketing… được đặt ra ngày càng nhiều. Chưa kể, việc các nhãn hàng cam kết giá trên phiên live là độc quyền và rẻ nhất, lại còn được tài trợ voucher giảm giá, miễn phí vận chuyển… đã đặt ra vấn đề về bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh không chỉ với các thương hiệu, nhà bán lẻ khác mà cạnh tranh ngay với chính đại lý của các nhãn hàng trong phiên livestream?
Quyền Leo Daily ăn mừng doanh số 100 tỉ đồng. |
Hệ lụy khó lường
Dù không thể phủ nhận đằng sau những phiên live mang lại doanh số “khủng” là công sức của ekip bài bản, với chiến lược truyền thông rõ ràng, nhưng yếu tố cốt lõi có thể níu giữ người dùng “chốt đơn” vẫn là mức giá. Những chủ kênh TikTok này không cần đăng ký kinh doanh, cũng không cần nhập hàng về bán như đại lý mà sẽ làm trung gian giới thiệu sản phẩm của nhãn hàng đến người mua (hay còn gọi là tiếp thị liên kết), sau đó nhận hoa hồng từ phần trăm tổng doanh số bán được. Nhiều người đã chấp nhận hưởng hoa hồng ít để có sản phẩm giá tốt, giảm sâu nhằm thu hút khách hàng. Do đó, các sản phẩm trên livestream đều có giá rẻ hơn thị trường. Phương thức phổ biến mà các nhà bán hàng hay dùng là tung ra deal 1K, 10K, 50K… cùng hàng loạt voucher có giá trị lên đến hàng triệu đồng cho những người đăng ký theo dõi sự kiện.
Mua 1 tặng 1, mua 2 tặng 1, deal độc quyền, combo sản phẩm… các hình thức liên tục được tung ra để thu hút người tiêu dùng, với tâm lý không ở đâu rẻ bằng mua ở đây. Cùng với đó, sự tiện lợi của giao hàng miễn phí tận nhà đã khiến hiệu ứng “săn sale” (giảm giá) bùng nổ, “cơn bão” xem và lượt mua của khách hàng tăng lên.
Càng nhiều người mua sản phẩm, kể cả giá có giảm nhiều thì doanh thu vẫn luôn duy trì ở mức cao. Trong teaser PR Mega Live ngày 15/5, Võ Hà Linh đưa ra 1.000 deal sốc và voucher giảm giá tới 30%, hay thậm chí Quyền Leo Daily đăng clip có sự xuất hiện của đại diện nhãn hàng để đảm bảo mức giá trên phiên live là độc quyền và rẻ nhất trên nền tảng.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, nếu các nhãn hàng chỉ đưa những chiết khấu khủng trong các phiên livestream của các TikToker nổi tiếng thì người tiêu dùng sẽ dồn cơ hội mua hàng vào những phiên livestream này, vô hình trung tước đi cơ hội bán hàng của rất nhiều những người bán hàng nhỏ lẻ. Nếu việc này cứ tiếp tục thì sẽ không còn khuyến khích được sự tham gia của nhiều người bán do sự cạnh tranh về giá và giảm sức hút vào nền tảng. Thực tế hiện nay nhiều người tiêu dùng mua hàng hóa bằng các voucher, mã khuyến mại giảm giá trên thương mại điện tử và không còn mặn mà với hình thức mua hàng trực tiếp tại các cửa hàng truyền thống.
Ở một khía cạnh khác, nhiều người không khỏi lo lắng việc các TikToker nổi tiếng khoe khoang doanh thu khổng lồ, khoe khoang sự giàu có sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thế hệ trẻ. Thời buổi kim tiền, giới trẻ càng mơ mộng, ảo tưởng vào những hình ảnh hào nhoáng trên mạng xã hội. Thay vào việc chú tâm học hành, nhiều bạn trẻ bắt đầu mơ tưởng về việc trở thành người nổi tiếng và kiếm tiền dễ dàng qua mạng xã hội. Thay vì coi trọng tri thức, kỹ năng và đạo đức, giới trẻ ngày càng đề cao sự nổi tiếng và tài sản vật chất. Điều này có thể dẫn đến sự suy thoái trong đạo đức và văn hóa xã hội, khi con người không còn coi trọng những giá trị cốt lõi mà chỉ chạy theo những hào nhoáng bề ngoài. Đồng thời dẫn đến những quyết định thiếu cân nhắc và sự thất vọng khi thực tế không như mong đợi.
Hiệu ứng từ việc khoe doanh thu khủng còn dẫn đến sự mê muội và nguy cơ lừa đảo. Nhiều người có thể bị mê hoặc bởi hình ảnh hào nhoáng của các Tiktoker và dễ dàng tin tưởng vào các lời hứa hẹn làm giàu nhanh chóng. Một số TikToker thậm chí lợi dụng sự tin tưởng này để bán các sản phẩm, hoặc dịch vụ không đáng tin cậy. Hệ quả là nhiều người tiêu dùng bị lừa đảo, mất tiền bạc và lòng tin vào thương mại điện tử.
Cùng với đó, một hệ lụy khác là khuyến khích lối sống xa hoa, tiêu xài phung phí. Khi thấy các TikToker khoe cuộc sống giàu có với xe sang, nhà đẹp và các món đồ hiệu, nhiều người cảm thấy áp lực phải theo kịp và thể hiện mình cũng giàu có. Điều này có thể dẫn đến việc chi tiêu không hợp lý, nợ nần và căng thẳng tài chính.
Thực tế cho thấy, không phải ai cũng có thể dễ dàng trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội và kiếm được số tiền lớn như những gì họ thấy trên màn hình. Trong số́ những người bỏ học, thất nghiệp, đầu tư làm ăn thì chỉ có phần nhỏ là thành công và nổi tiếng được mọi người biết đến qua mạng xã hội, qua báo chí, truyền thông. Số còn lại bị phá sản, làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất thì chắc chắn sẽ chẳng ai tự nói và tự khoe trên mạng.
Minh Khang
-
FED chính thức đảo chiều chính sách, chứng khoán "cất cánh"?
-
Bốn thông tư được sửa đổi, cổ phiếu nào sẽ “cất cánh"?
-
Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 18/9: Dự án sân bay Sa Pa gặp khó khăn vì thiếu nhà đầu tư
-
Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 17/9: Hà Nội chuẩn bị đấu giá hơn 80 lô đất, khởi điểm từ 5,3 triệu đồng/m2
-
Đấu giá đất: Thật hay ảo?