“Lần cuối gặp nhạc sĩ Văn Ký, ông khiến tôi rất bất ngờ…”

15:01 | 27/10/2020

175 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Trước khi tôi về, ông nắm tay tôi nói: “Chụp cái ảnh kỷ niệm nhé...”. Tôi không ngờ đấy lại là bức ảnh cuối cùng được chụp với người nhạc sĩ tài ba này”, nhạc sĩ Lân Cường xúc động nói.

Chia sẻ với phóng viên, nhạc sĩ Lân Cường, Phó Chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội) không kìm nén được sự xúc động khi nhớ lại cuộc gặp gỡ cuối cùng, trước khi nhạc sĩ Văn Ký qua đời.

“Ngày 26/10, tôi đang cùng 14 nhạc sĩ của Hội Âm nhạc Hà Nội lên sáng tác âm nhạc tại Nhà Sáng tác Đại Lải, thì bàng hoàng khi nghe tin nhạc sĩ Văn Ký qua đời. Tôi nghe nói, ông bị về tiền liệt tuyến và đã vào viện một thời gian…

Mới cách đây khoảng hơn 2 tháng (ngày 21/8) tôi đã đến tận khu Ecopark để ghi hình và trò chuyện với nhạc sĩ Văn Ký. Trước đó, tôi đã ghi hình các nhạc sĩ như: Phạm Tuyên, Chu Minh, Doãn Nho, Trần Quý, Hồng Đăng, Nguyễn Văn Quỳ…

lan-cuoi-gap-nhac-si-van-ky-ong-khien-toi-rat-bat-ngo
Nhạc sĩ Văn Ký (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Tôi từng chia sẻ với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam rằng, tôi sẽ đi ghi hình tất cả các nhạc sĩ đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, sẽ phỏng vấn về cuộc đời, sáng tác, sự ra đời các tác phẩm âm nhạc của họ.

Tiếc là chưa kịp ghi hình, trò chuyện với nhạc sĩ Phó Đức Phương thì ông đã vội vã ra đi. Trước khi ông mất khoảng một tuần, chúng tôi đã hẹn nhau sẽ gặp, Phó Đức Phương nói đợi vài ngày rồi đến nhà ông, vậy mà…

Khi tôi đến gặp nhạc sĩ Văn Ký cảm thấy bất ngờ lắm. Ông đi lại nhanh nhẹn, mạnh khoẻ, cười nói hơn tiếng đồng hồ chưa thấy mệt. Ông nói hết tất cả suy nghĩ của mình về con đường đến với âm nhạc của ông từ sau Cách mạng Tháng 8, về những hoàn cảnh và tâm tư của ông khi viết những ca khúc: “Bài ca hy vọng”, “Tây Nguyên bất khuất”, “Nha Trang mùa Thu lại về”, “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi”, “Trời Hà Nội xanh”...

Nhắc đến “Bài ca hy vọng”, nhạc sĩ Văn Ký nói khi ông viết, ông không nghĩ là ca khúc có sự lan toả lớn đến như thế. Khi viết xong, mọi người đều rất thích, sức lan toả rất nhanh. Với “Nha Trang mùa Thu lại về”, Văn Ký nói ông đến Nha Trang và quá ngạc nhiên trước vẻ đẹp bãi biển nơi đây. Người dân Nha Trang lại hiền hậu, nên “không viết không được”. Ông nói: “mùa Thu không phải là mùa Thu mà là nhờ cách mạng mùa Thu mà Nha Trang mới về được với chúng ta, mới có ngày hôm nay”…

Với bài “Trời Hà Nội xanh”, ông nói có hàng trăm người viết về Hà Nội rồi, có những bài quá hay như “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi. Chỉ có bầu trời Hà Nội là chưa ai viết cả nên ông viết. Theo ông, bầu trời Hà Nội trong xanh rất đẹp có hai ý nghĩa: Chính bầu trời này là nơi quân ta đã bắn rơi máy bay Mỹ. Cũng dưới bầu trời xanh ấy, ngày nay nhân dân ta đang xây dựng cho Thủ đô tươi đẹp hơn…

Hay bài “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi”, nhạc sĩ Văn Ký kể rằng tại Đại hội liên hoan chiến sĩ thi đua toàn quốc, ông gặp cô giáo Tày. Cô kể rằng, trên miền núi học trò không chịu đi học thì cô giặt quần áo cho các em, tập đàn Tính đánh cho các em nghe, khi các em thích cô mới “dụ” các em đi học. Khi đi học rồi, các em rất quý mến cô. Khi nghe xong, nhạc sĩ Văn Ký thấy hay quá, cô giáo người Tày mộc mạc, hi sinh tất cả vì trẻ thơ thế là ông viết “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi”.

Từ đó, ông khuyên tôi: “Cường ơi, đã viết âm nhạc là phải nghiên cứu rất kỹ đề tài mình định viết. Anh phải ôm ấp nó, ăn cũng nghĩ đến nó, ngủ cũng nghĩ đến nó thì nó mới ra được ý hay, mới có hồn. Bài hát mà không có hồn thì không sống được. Khi bài hát có hồn sẽ đi vào lòng người và giữ mãi được”.

Ông cũng đánh giá về âm nhạc Việt Nam hiện tại như thế nào. Ông nói rất dài. Ông còn tặng tôi tuyển tập ca khúc “Bài ca hy vọng”.

Sau buổi trò chuyện, ông cứ giữ tôi ở lại ăn cơm. Trước khi về ông nắm tay, ôm lấy tôi bảo chụp chung bức ảnh làm kỷ niệm: “Chụp cái ảnh kỷ niệm nhé, bằng tuổi này rồi mình cũng chẳng biết lúc nào sẽ ra đi...”. Tôi không ngờ đấy lại là bức ảnh cuối cùng được chụp với ông, người nhạc sĩ tài ba này…

Nhạc sĩ Văn Ký tên đầy đủ là Vũ Văn Ký, sinh năm 1928, tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, một trong những miền quê sản sinh nhiều tài năng văn hóa nghệ thuật.

Ông nổi tiếng với các ca khúc: “Bài ca hy vọng”, “Cô gái Tày cầm đàn lên đỉnh núi”, “Nha Trang mùa Thu lại về”, “Trời Hà Nội xanh”... Trong hơn 400 tác phẩm ở cả thanh nhạc, khí nhạc, nhạc múa, ca kịch... mỗi tác phẩm ra đời với nhạc sĩ Văn Ký lại có những khởi nguồn rất riêng.

Nổi tiếng nhất phải kể đến ca khúc “Bài ca hy vọng”, một tác phẩm bất hủ làm lên tên tuối Văn Ký. Ca khúc ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ, thể hiện tâm tư, tình cảm từ đáy lòng của người nhạc sĩ, gửi niềm hy vọng vào cuộc sống, từ thời chiến tranh ác liệt cho đến ngày đất nước hoà bình. Giai điệu mượt mà, tha thiết cùng ca từ dung dị, sâu lắng đã thấm vào trái tim yêu nhạc và tâm hồn của bao thế hệ người Việt Nam.

Với những đóng góp to lớn cho cách mạng, cho nền âm nhạc nước nhà, nhạc sĩ Văn Ký đã được tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Nhạc sĩ Văn Ký đã qua đời vào lúc 9h20 sáng ngày 26/10, tại bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội sau 10 ngày nằm cấp cứu tại đây. Tang lễ nhạc sĩ Văn Ký sẽ diễn ra từ 11h30 đến 12h45 trưa thứ 6, ngày 30/10 tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Theo Dân trí

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps