Làm việc thiện để vượt qua bất hạnh

10:06 | 07/10/2011

653 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ lâu, quán nước đơn sơ nơi góc chợ Nhật Tân của một người đàn bà xấp xỉ lục tuần đã trở thành địa chỉ khó quên của những gia đình có con bị nghiện.

Bà là Bùi Thị Đông ở số nhà 54B, tổ 25, cụm 4, ngách 4/60, phường Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội, người đàn bà bất hạnh này đã có 25 năm bán máu để nuôi con. Cũng ngần ấy năm, bà làm một công việc mà người đời ít ai làm, đó là khâm liệm cho bệnh nhân chết vì AIDS.

Bán máu nuôi con

Kể về “hành trình” bán máu nuôi con của mình, người đàn bà bất hạnh không khỏi bùi ngùi nhớ về những tháng năm nhọc nhằn khi sinh nở và nuôi nấng hai người con trai. Lần đầu tiên bà Đông bán máu là vào năm 1974, khi bà đang mang thai con trai đầu lòng. Người mẹ trẻ ngày ấy đắng lòng mà vẫn phải nhắm mắt làm liều chỉ vì “lương thấp, việc ít, không bán thì lấy gì nuôi sống gia đình”. Vác bụng bầu đi đến các bệnh viện, bà phải mặc những bộ quần áo rộng nhất để bác sĩ không phát hiện bà đang mang thai. Và rồi, nỗi lo “cơm áo gạo tiền” vẫn đeo đẳng sản phụ này, sau khi sinh con được vài tháng, bà đi bán máu lần thứ hai. Với 250cc máu bà nhận từ bệnh viện 75 nghìn đồng, 1,5kg đường, 1,5kg thịt, 1 tem phiếu bồi dưỡng, 1 lọ viên sắt và 1 lọ B1. Chỉ ngần ấy những thứ nhận được sau mỗi lần bán máu góp phần nuôi sống gia đình bà trong những tháng ngày gian khó.

Sau đó, số lần bán máu ngày một nhiều khiến bà Đông thường xuyên bị các bệnh viện từ chối vì chưa đủ điều kiện cho phép. Quay ngược quay xuôi trang trải cuộc sống với “nghề” bán máu, đến khi giật mình nhìn lại thì đứa con trai lớn của bà đã rơi vào vòng nghiện ngập lúc nào không biết. Theo quy định thì sau 3 tháng mỗi người mới được cho máu 1 lần nhưng có những tháng bà Đông bán máu từ 4 đến 5 lần. Hai người con trai lớn lên bằng tiền bán máu, làm thuê của mẹ. Nhưng rồi, cả hai đứa con bị bạn bè rủ rê cùng “ngã” vào ma túy. Nhiều lần bà ôm con khóc: “Hàng ngày con ăn cơm từ tiền mẹ bán máu đấy. Nếu còn thương mẹ, đừng đi hút nữa, ở nhà với mẹ, mẹ có bán đến giọt máu cuối cùng cũng sẽ nuôi con thành người”. Gần nửa đời bà đi bán máu để nuôi con, nhưng hai đứa con lại tiêm ma túy vào máu của mình.

Bà Bùi Thị Đông

Hơn 10 năm qua, những nỗi đau giáng xuống cuộc đời bà Đông khi hai con trai và con dâu đều dính nghiện. Vợ chồng con trai cả đều đã chết vì AIDS. Người con trai thứ hai cũng đang giai đoạn cuối. Người chồng bao năm đầu gối tay ấp chạy theo người đàn bà khác. Thi thoảng ông trở về nhà quát tháo, đập phá, đòi bán căn nhà nhỏ mà bà và người con trai út đang ở. Mảnh đất rộng hơn 1 sào vốn đã bị người chồng tệ bạc lén bán gần hết. Bây giờ, bà Đông đang sống trong căn nhà nhỏ cũ nát. “Chồng bỏ, đất hết, con chết, thử hỏi có còn nỗi đau nào rỉ máu hơn thế? Nhưng những giọt nước mắt khóc con đã chảy ngược hết vào bên trong…”, bà Đông chia sẻ. Nhưng chính từ những nỗi bất hạnh chồng chất ấy, bà nhận thấy sức sống mạnh mẽ trỗi dậy khi tham gia những việc giúp đời, giúp người.

"Hãy đến bên nhau”

Từ sau khi bà tự tay tắm rửa, khâm liệm cho con trai và con dâu chết vì AIDS, mỗi khi có người nào mất vì căn bệnh này, người ta lại gọi và nhờ cậy bà bởi chẳng ai dám làm việc đó. Bốn năm sau ngày mất con dâu, một năm sau ngày từ biệt đứa con đầu lòng, bà Đông tham gia câu lạc bộ “Hãy đến bên nhau” để cùng rất nhiều thành viên khác làm công việc chăm sóc những bệnh nhân có HIV/AIDS giống các con của mình, được chia sẻ, bệnh nhân được uống thuốc miễn phí, được những người trong câu lạc bộ chăm sóc, có thêm hiểu biết để phòng chống AIDS cho người khỏe mạnh như thế nào.

Thời gian đầu, khi những người như bà Đông tìm đến với các gia đình có bệnh nhân H để chăm sóc, bà vướng phải cản trở bởi nhiều người nhà bệnh nhân chưa hiểu được ý nghĩa của hành động tốt đẹp này. Khi bà tìm đến với các gia đình, nhiều khi bà phải chịu những lời lẽ xúc phạm. Nhưng bà vẫn kiên trì đến, khi nào người nhà bệnh nhân không còn mặc cảm về gia cảnh của mình và hiểu rằng bà đến thực sự là để giúp đỡ, sẻ chia chứ không phải đem chuyện của các gia đình phô bày cho cả xã hội cười chê.

Nhắc đến những lần chăm sóc người có H, bà Đông đầy nhiệt huyết. Trong mỗi việc làm của bà, cả trong ánh mắt, đều là tình cảm thân thiết như thể bà và những người ấy là quan hệ máu mủ. Bằng đôi tay trần thô ráp bởi những tháng ngày dài lao động vất vả, bà bón từng thìa cháo cho bệnh nhân, tắm, giặt cho họ. Đến khi người bệnh từ giã cõi đời, lại một tay bà lại đưa họ đi khâm liệm rồi thắp nhang từ biệt. Trong gần chục năm len lỏi qua hàng trăm nơi ở của bệnh nhân AIDS, không ít lần bà và chiếc xe đạp cà tàng tất tả, đèo bòng lỉnh kỉnh những xô, những chậu để lo cho người bệnh khi họ bị chính gia đình mình ruồng rẫy. Nhiều gia đình còn không cho bà mượn xô, chậu để đựng nước, thuốc. Bà phải tự sắm cho mình một bộ “đồ nghề”. Mỗi lần có người gọi đi tắm hoặc khâm liệm cho người bị H, bà Đông lại lụi cụi đun nước tắm từ lá bưởi, hương nhu, xả, gừng, pha cùng một chút nước từ lọ thuốc kháng khuẩn, rồi chở hai thùng đựng thứ nước tắm đặc biệt ấy, mua thêm khăn mặt mới mang đến tắm rửa, lau chùi cho bệnh nhân…

Bà Đông kể, khi ấy họ không còn là những bệnh nhân bị người đời ghẻ lạnh đang yếu ớt thở những hơi thở cuối cùng của cuộc đời mà là những đứa trẻ đang cố nắm bắt lấy sự sống.

Đức Chính – Nguyễn Nga