Ngành công nghiệp “bán máu” ở Mỹ

07:10 | 09/03/2017

3,175 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đài Truyền hình Pháp - Đức Arte vừa phát một bộ phim tài liệu đầy ám ảnh về ngành kinh doanh huyết tương, một thành phần quan trọng của máu giúp ích cho việc điều chế thuốc.  

Mark sống ở Cleveland (bang Ohio, Mỹ) cho biết, anh ta “hiến” máu đều đặn 2 lần/tuần cho công ty chuyên về huyết tương Octapharma (Thụy Sĩ). “Hiến”, chính xác hơn phải gọi là “bán” vì các nhà tài trợ sẽ trả tiền trợ cấp cho họ và đó là khoản thu nhập thiết yếu cho người dân nghèo như Mark. Đó cũng là lý do mà Octapharma cho đặt trụ sở “thu mua” tại một nơi nghèo nhất thành phố.

Cuộc hành trình đáng sợ qua bộ phim tài liệu “Le Business du sang” (ngành công nghiệp máu) được dẫn dắt bởi 2 nhà báo Marie Maurisse và François Pilet. Họ đã thâm nhập vào hang ổ kinh doanh “vàng đỏ” để hóa giải bí ẩn của hành vi phi nhân đạo này. Mỗi năm, trụ sở của Octapharma ở Ohio bỏ ra 17 tỉ USD để thu mua huyết tương trong máu. Huyết tương gồm 90% là nước và protein để điều chế nhiều loại thuốc đắt tiền như: albumine (trị bỏng và chấn thương nghiêm trọng...), globulin miễn dịch (bệnh thiếu hụt miễn dịch hoặc tự miễn dịch), yếu tố đông máu (các bệnh xuất huyết).

nganh cong nghiep ban mau o my
Một điểm bán máu ở Mỹ

Hiến máu nhân đạo, bán hay bồi thường?

Tại Pháp và nhiều nước châu Âu, hiến máu là miễn phí. Năm 2015, 1.645.325 người tình nguyện tham gia vào Tổ chức Hiến máu Établissement français du sang (EFS) của Pháp, đây là cơ quan nhà nước độc quyền về thu gom máu và họ chỉ nhận lấy tiền trợ cấp như một bằng chứng rằng mình đã tham gia cứu người. EFS quy định, việc hiến máu chỉ được tiến hành 4 lần/năm đối với phụ nữ và 6 lần với nam giới. Người hiến máu phải ở độ tuổi từ 18 đến 70 và phải cân nặng ít nhất 50kg.

Người cho máu phải trong tình trạng khỏe mạnh và không thuộc diện vừa trải qua giai đoạn chữa trị bệnh nhiễm khuẩn hay cúm. Trước khi cho máu 3 giờ đồng hồ, người hiến máu không được dùng bia, rượu hay thuốc lá, không ăn quá no. Máu sau khi lấy sẽ được phân tích và chỉ truyền cho người khác sau khi tất cả các xét nghiệm (HIV, viêm gan, sốt xuất huyết...) cho kết quả an toàn.

Những điều kiện hiến máu trên phải được tuân thủ nghiêm ngặt cả đối với người hiến máu lẫn đơn vị thu gom máu.

Ở một số nước, việc trả tiền cho người hiến máu được luật pháp cho phép. Chẳng hạn ở Mỹ, các nhà tài trợ được phép dùng “tặng phẩm” để trả công cho người hiến máu. Còn ở Đức thì cho phép nhà tài trợ “bồi thường”. Đó là cách dùng từ tinh tế mà các ông lớn trong ngành công nghiệp sản xuất từ huyết tương đã dùng để lách luật cấm trả thù lao cho người hiến máu, nhất là ở Pháp. Và từ năm 2015, Công ty Thụy Sĩ Octapharma cũng được cấp phép chào bán sản phẩm của mình tại các bệnh viện Pháp.

Vấn đề đạo đức

Liệu người nhận máu từ những “tình nguyện viên” này có được đảm bảo an toàn? Nguy cơ đến từ cư dân khu ổ chuột tại Cleveland là cao nhất. Nhưng đừng lo, vì theo như lời của các nhà sản xuất thì công nghệ làm sạch và tinh lọc máu của họ rất sạch sẽ và an toàn. Trong thời gian qua, chưa từng có ghi nhận nào về trường hợp máu nhiễm độc, rủi ro hiện không tồn tại...

Tuy nhiên, nhiều vấn đề đạo đức cũng được đề cập trong phim tài liệu, như việc những người giàu chảy trong mình dòng máu được “bòn rút” từ sinh mạng của những người nghèo khổ. Trường hợp của Mark, anh hiến máu 2 lần/tuần, trong khi Tổ chức Hiến máu của Pháp giới hạn mỗi người chỉ được hiến máu 1 lần trong vòng 15 ngày, vậy sức khỏe của Mark hiện giờ ra sao khi 3 năm trước anh từng bị nhồi máu cơ tim.

“Giờ đây tôi bị chứng tăng huyết áp và họ không chịu lấy máu của tôi nữa. Không bán được máu, tôi không có tiền để sống. Chắc tôi phải đi hỏi vay tiền mấy người bạn sống trong thời gian trước khi kiếm được việc gì đó” - Mark tâm sự.

Sở dĩ người ta gọi hiến máu là hành vi nhân đạo vì bạn sẽ cứu sống được 3 người với mỗi lần hiến máu. Và hiến máu còn tuyệt vời đến mức không chỉ có lợi cho người nhận mà còn có lợi cho người hiến. Mỗi lần cho máu là mỗi lần cơ thể được kích thích quá trình tái tạo máu mới. Vì vậy, sau khi hiến máu kết hợp ăn uống và sinh hoạt điều độ, sức khỏe sẽ tăng lên rất nhiều. Tham gia hiến máu cũng là một cách để biết rõ thực trạng sức khỏe của mình, từ đó có những biện pháp chữa trị kịp thời. Nhưng đó là những lợi ích khi hiến máu theo đúng các quy định, còn lạm dụng việc rút máu khỏi cơ thể lại có hại.

Hiến máu nhân đạo là một hoạt động mang ý nghĩa tự nguyện, trên tinh thần giúp đỡ những người nghèo không có tiền mua máu khi phải tiếp máu hoặc trong trường hợp số lượng máu dự trữ của ngành y tế đang thiếu. Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu tình nguyện được kỷ niệm vào ngày 14-6 hằng năm như sự tôn vinh của toàn thế giới đối với những người đã tình nguyện hiến máu của mình mà không đòi hỏi đền đáp. Từ năm 2000, Việt Nam chọn ngày 7-4 hằng năm là Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện.

Ở Việt Nam, bên cạnh việc hiến máu nhân đạo, tình trạng bán máu cũng khá phổ biến. Từ lâu các báo, đài đã có nhiều phóng sự điều tra về tình trạng bán máu ở bên ngoài các bệnh viện. Điều đáng nói là trước nay, nói về “bán máu”, nhiều người thường hình dung đến những thân phận cùng đường, giật gấu vá vai vẫn không xoay xở nổi cho cuộc sống, buộc phải bán đi thứ cực kỳ quý giá của cơ thể mình để nhận lấy vài đồng tiền ít ỏi. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, việc “bán máu” đang có phần “trẻ hóa”, nhiều sinh viên, thanh niên trẻ khỏe cũng tìm đến các bệnh viện “kiếm thêm thu nhập”. Thậm chí đã xuất hiện những người dẫn mối cho người bán máu và nhiều người bán máu chuyên nghiệp, họ còn có cả những “chiêu” để lách xét nghiệm trước khi bán máu...

Theo mức giá Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định, người hiến máu sẽ nhận được mức tiền bồi dưỡng tương ứng với lượng máu đã bán đi. Với mức 350ml sẽ được 320.000 đồng, 450ml được 400.000 đồng. Hiến tiểu cầu có giá tiền cao hơn, khoảng 500.000 đồng. Mỗi lần lấy máu chỉ kéo dài 10-15 phút, còn hiến tiểu cầu thường kéo dài hàng tiếng đồng hồ.

S.Phương (tổng hợp)